Người thổi hồn cho Sáo Diều

Hình thức tinh tế, âm thanh tuyệt hay đã khiến bất kỳ người chơi diều nào cũng muốn sở hữu một bộ sáo do ông làm ra. Ông là nghệ nhân Nguyễn Khắc Khoái, 75 tuổi, ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Ông Khoái kể cơ duyên đến với đam mê Diều Sáo rằng, xưa quê ông có cụ Chánh tổng rất mê diều. Những con Diều của cụ Chánh to bằng chiếc thuyền nan, chở những ống sáo lớn với âm thanh du dương. Ông hay sang chơi và được cụ quý mến dạy cách vót xương Diều và làm sáo theo công thức riêng của cụ. Xưa các cụ làm Diều bằng tre già, thân tre đỏ au, có độ bền và độ đàn hồi cao. Thân Diều được bồi bằng giấy nam, nhuộm củ nâu. Dây Diều thường được làm bằng tre, vót nhỏ bằng ngón tay và luộc kỹ. Sau này dây được làm bằng dây gai, cũng luộc lên, phơi kỹ bện thành.

Ông Nguyễn Khắc Khoái (áo trắng) luôn nhiệt tình truyền lại kinh nghiệm làm diều sáo và đam mê cho các bạn trẻ. (Ảnh: internet)

Học xong phổ thông, ông Khoái đi công tác ở ngành Giao thông Vận tải nên thú chơi Diều Sáo tạm gác lại. Bẵng đi gần 40 năm, đến năm 1996, khi được về nghỉ hưu, nhớ thú chơi Diều xưa, ông Khoái mới tìm vật liệu làm Diều Sáo. Chiếc Diều Sáo đầu tiên được thả lên ngay trong đêm. Nhiều người nghe tiếng sáo bổng trầm rất mê đã tìm đến nhà ông đòi mua và đặt làm. Ông bảo, mỗi năm ông làm được khoảng 30 - 40 bộ sáo, riêng năm 2013 làm gần 80 bộ. Đặc biệt, năm 2002 có người còn đến đặt Sáo Diều của ông để đem đi hội thi thả Diều ở Hà Lan…

Theo ông Khoái, ở Kỳ Bá người ta có thể chơi sáo 1, sáo 2 (cồng đôi), sáo 3 hoặc sáo 5, thậm chí sáo 7. Để soạn được một bộ ống sáo Diều không đơn giản chút nào. Sáo muốn hay trước hết phải chọn ống có hai đầu, độ dày và độ già của  ống đều nhau. Dung tích của ống sáo phải làm sao để hợp âm từ cái 1, đến cái 5, cái 7 phải “ăn” với nhau. Ngoài ra, nét riêng của sáo Kỳ Bá là mỗi bộ sáo được khắc những đường chỉ giật cấp giữa thân sáo, rất chau chuốt và tinh tế. Điều này đòi hỏi kỹ thuật khắc tỉ mỉ, khéo léo và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, Diều ở Kỳ Bá không có gì đặc biệt, chủ yếu là Diều có đuôi để tạo thăng bằng. “Trước đây tôi thường làm đuôi Diều tròn nhưng do trong quá trình đâm Diều hay bị gãy nên đổi làm thành đuôi cá. Đuôi cá có cái hay là Diều xuống chậm là là chứ không giộng mạnh gây gãy đuôi diều” - ông Khoái nói.

(Ảnh: internet)

Theo ông Khoái, giờ người ta thả Diều quanh năm, nhưng từ tháng 3 đến tháng 6 là thời điểm tốt nhất, lúc này gió đều, Diều lên căng. Ông Khoái cũng cho biết, giờ ở Kỳ Bá tuy chưa có câu lạc bộ người chơi Diều nhưng ông đã đào tạo và truyền được nghề làm Sáo Diều cho lớp trẻ. Ông mong muốn có một tổ chức tập hợp những người chơi Diều để cùng chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau gìn giữ di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại.

Phong Thu

Top