Người Ngái ở Việt Nam

Người Ngái ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau: Ngái Nhắn, Ngái Lẩu Mằn, Sín, Đàn Lê. Tuy nhiên, tên chính thức của nhà nước ta gọi dân tộc này trong 54 dân tộc Việt Nam là dân tộc Ngái.

Sán Ngái lại là một tên gọi tự xưng, chỉ đây là nhóm người sống ở vùng sơn cước mà trong nhiều văn bản không chính thức, người đọc vẫn thấy ở đây đó như là một niềm tự hào của người Ngái, trên địa bàn cư trú truyền thống của họ sinh sống nhiều đời. Ngôn ngữ của người Ngái là tiếng Ngái, còn gọi là “Sán Ngái và”, là ngôn ngữ thuộc hệ Dao Xá, là phương ngữ chi nhánh người Sán Há (hay còn gọi là dân tộc Xa) sống ở vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Đông và Phụng Hoàng Sơn tỉnh Phúc Kiến, nhưng nay thuộc đất huyện Nhiêu Bình, Triều Châu tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Người dân tộc Ngái ở Việt Nam.

Người Ngái cư trú ở nhiều tỉnh và thành phố trên mảnh đất chữ S Việt Nam thân yêu. Tuy nhiên, địa bàn cư trú tập trung nhất là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng. Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk là địa phương ngụ cư của người Ngái do chính sách di dân vào vùng đất mới, ở những thập niên cuối của thế kỷ trước và do yêu cầu kết hôn, học tập, công tác của người Ngái trong những năm gần đây.

Theo tổng điều tra dân số năm 2009, người Ngái ở Việt Nam chỉ có 1.035 người, cư trú khá rải rác, không tập trung, theo đó, bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc này không còn mấy sự đậm đà, riêng biệt. Mặc dù vậy, xét trên phương diện truyền thống và lịch sử, người Ngái sống chủ yếu bằng nghề làm nông trồng lúa nước. Họ cũng biết đánh cá, nếu như nơi sinh sống của họ ở vùng hải đảo và duyên hải, không phải là ngành nghề truyền thống của dân tộc này.

Do trồng lúa nước nên người Ngái giỏi nghề đào kênh, mương, đắp đập, tạo hồ nước, đắp đê biển. Ngoài nông nghiệp lúa nước, người Ngái còn có nghề thủ công được thực hành trong những tháng nông nhàn, đó là nghề dệt chiếu, làm mành trúc, rèn, mộc,nung vôi, làm gạch ngói. Đây cũng là những nghề thủ công không hẳn là truyền thống của dân tộc Ngái, chúng được tiếp nhận do nhu cầu cuộc sống tại những địa bàn cư trú mới đến, liền kề với các dân tộc bản địa của nghề thủ công nói trên. Điển hình và đại diện nhất chính là nhóm người Ngái ở thành phố Hồ Chí Minh, họ đã làm nghề thủ công đóng giầy, dép, tập trung ở quận 11. Một số tiểu thương người Ngái ở chợ Lớn đã trở thành những doanh nghiệp thành đạt trong ngành nghề giầy dép.

Trong gia đình dân tộc Ngái, người chồng quyết định mọi việc lớn, con trai được coi trọng, con gái không được chia gia tài khi cha mẹ chết và phải về nhà chồng sau khi cưới. Đây là tập tục hôn nhân gia đình mang nặng đạo đức Nho giáo và dường như rất giống với người Kinh và Hoa.

Trước kia, trai, gái Ngái được cha mẹ dựng vợ gả chồng phải trải qua hai lần cưới: lễ thành hôn và lễ nhập phòng. Để cưới vợ cho con, nhà trai chủ động chọn tìm đối tượng dạm hỏi. Khi có thai, phụ nữ Ngái kiêng cữ rất cẩn thận: không ăn ốc, ăn thịt bò, dê, không may vá hay mua quần áo. Sau khi sinh con 60 ngày, đối với đầu lòng và 40 ngày đối với con thứ, người sản phụ mới đến nhà mẹ đẻ của mình.

Họ nhà vợ, đại diện là ông cậu có vai trò quan trọng trong gia đình lớn của người Ngái. Ông được gọi là Khảo, được coi như người cha của các chị em gái trong gai đình, dòng tộc. Khi các cháu gái sinh con, Khảo đặt tên cho các cháu ngoại.

Đồng bào Ngái chế biến món khâu nhục truyền thống.

Ma chay của người Ngái được tổ chức khá chu đáo và bài bản. Sau khi chôn cất, được cúng vào dịp 21 ngày, 35 ngày, 42 ngày, 49 ngày, 63 ngày, 70 ngày và sau 3 năm thì làm lễ đoạn tang.

Văn hoá truyền thống và dân gian của người Ngái có lối hát giao duyên nam nữ được gọi là Sường Cô, vô cùng phong phú. Có thể hát đối nhau từ 5 đến 7 đêm liền vẫn không bị trùng lặp nội dung. Về tục ngữ của người Ngái, thường là những câu dậy về làm ăn, về cách sống. Nhiều trò chơi dân gian của người Ngái gần với người Hoa, đó là múa sư tử, múa gậy, chơi rồng rắn.

Nhà cửa của người Ngái phổ biến là nhà ba gian, hai chái. Họ lập thành các thôn xóm ở lưng đồi, thung lũng, rìa duyên hải hay trên các đảo gần bờ. Cộng đồng làng xóm của người Ngái không có những thiết chế chặt chẽ như một số dân tộc khác ở Việt Nam ví như Mường, Thái, Gia - rai, Ê-đê v.v.

Trang phục Ngái giống với dân tộc Tày – Nùng. Ngoài quần áo, họ còn đội mũ, nón các loại được làm từ lá, mây tre. Họ cũng đội khăn, che ô.

Đôi dòng giới thiệu về người Ngái, dân tộc Ngái ở Việt Nam, hẳn không thể thoả mãn được người đọc. Tuy nhiên, thông điệp của bài viết muốn hướng tới chính là sự  ghi chép về dân tộc này trên các văn liệu dân tộc học quá ít, chứng tỏ một sự mất đi và mai một dần những giá trị văn hoá truyền thống của họ trong sự hoà nhập vào những thập niên gần đây trong nền kinh tế thị trường, khiến cho cộng đồng này vốn đã ít ỏi cư dân, lại bị chia tách thành nhiều nhóm nhỏ, liền kề với nhiều dân tộc khác, do đó, giá trị văn hoá không còn nhiều bản sắc. Nhiệm vụ của Đảng và nhà nước ta, của các tổ chức quần chúng, xã hội, chính trị nghề nghiệp cần có thêm định hướng để bảo tồn những giá trị truyền thống của người Ngái, để dân tộc của họ luôn là một mảng màu sắc không thể nhạt phai trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giàu bản sắc và truyền thống như bấy lâu nay người nghiên cứu trong và ngoài nước đã tôn vinh.

Ngọc Trân

Top