Người Ngái ở Việt Nam - Vài nét chấm phá

Người Ngái có nhiều tên gọi khác nhau, Ngái Nhằn, Ngái Lẩu Mần, Sín, Đèm, Lê, hoặc Sán Ngái (người miền núi) – tên tự xưng của dân tộc khác để chỉ môi trường sinh thái nhân văn của họ trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng. Tên chính thức của nhà nước gọi họ là dân tộc Ngái – một trong 54 dân tộc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Người Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hán, trong ngữ hệ Hán – Tạng.

Dân số Ngái, theo điều tra năm 1999, ở Việt Nam có 4841 người, tập trung đông nhất là ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Nai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bình Thuận, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, theo tổng điều tra dân số và nhà ở, người Ngái chỉ còn lại 1035 người. Đây là một trong số ít trường hợp có sự suy giảm đáng kể, rất cần nhận được sự quan tâm lưu ý từ các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng. Theo điều tra dân số, người Ngái có mặt ở 27 trên 63 tỉnh và thành phố nước ta. Tuy nhiên, địa bàn cư trú truyền thống của họ là ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Cao Bằng. Những tỉnh như Tây Nguyên, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vũng Tàu hay thành phố Hồ Chí Minh… đều là những quê hương thứ hai hoặc nhiều hơn thế, do những điều kiện khách quan, chủ quan khác mà họ đã di cư tới.

Người Ngái sống chủ yếu bằng nghề nông. Họ làm ruộng trồng lúa, theo đó, đào kênh mương, đắp đập, tạo hồ nước là một thế mạnh của dân tộc này. Đến những địa bàn sinh thái mới, người Ngái dễ dàng thích ứng, ví như đánh cá ven bờ, đắp đê biển. Ngoài nông nghiệp truyền thống, người Ngái còn có nhiều nghề thủ công trợ giúp cho nông nghiệp, đó là dệt chiếu, rèn, mộc, làm gạch ngói và nung vôi.

Ở các địa phương mà người Ngái sống tập trung như xóm Tam Thái (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hay Lục Nam (Bắc Giang), bà con còn giữ được hình thức hát giao duyên, gọi là Sường cô hay Xướng ca. Ảnh: VOV4.

Nông nghiệp của cộng đồng Ngái được thực hiện theo mùa vụ và căn cứ vào các hiện tượng tự nhiên như tiếng chim hót, lá cây rụng, hoa nở để gieo trồng. Hệ thống thủy lợi mương phái của người Ngái khá quy mô với chiều dài vài chục ki-lô-mét.

Trong gia đình cộng đồng dân tộc Ngái, người chồng quyết định mọi công việc quan trọng, con trai được đề cao, con gái không được chia gia tài trừ khi cha mẹ chết và phải về nhà chồng sau khi cưới. Đó là những đặc điểm điển hình của chế độ phụ hệ.

Lễ cưới truyền thống của dân tộc Ngái phải trải qua hai lần: Lễ Thành hôn và Lễ Nhập phòng. Để cưới vợ cho con, nhà trai chủ động chọn tìm đối tượng dạm hỏi. Khi có thai, phụ nữ Ngái kiêng cữ rất cẩn thận: Không ăn ốc, thịt bò, dê, không may vá và mua áo quần. Sau khi sinh con khoảng 2 tháng (40 ngày với con đầu lòng, 20 ngày với con thứ), người mẹ/sản phụ mới được về với mẹ đẻ của mình. Họ nhà vợ, đại diện là ông cậu có vai trò quan trọng trong gia đình người Ngái. Ông cậu được coi như người cha của các chị em gái. Sau khi các cháu gái sinh con, người cậu có quyền đặt tên cho các cháu.

Ma chay của người Ngái khá chu đáo nhưng không quá cầu kỳ. Sau khi chôn cất, người chết được cúng 6 lần: 21 ngày, 35 ngày, 42 ngày, 49 ngày, 63 ngày, 70 ngày. Ba năm sau khi mất mới làm lễ đoạn tang.

Văn hóa tinh thần của cộng đồng Ngái khá phong phú. Hát Sướng Cô là lối hát giao duyên nam nữ. Hát giao duyên đối đáp có thể kéo dài từ 5 đến 7 đêm vẫn ít khi bị trùng lặp, chứng tỏ kho tàng dân ca của người Ngái là vô cùng giàu có và sự ứng xử hết sức tài khéo để tạo nên thành công trong đối đáp. Người Ngái có một kho tàng tục ngữ nói về kinh nghiệm làm ăn và lối sống. Họ cũng có nhiều trò chơi dân gian đậm màu sắc của cư dân nói ngôn ngữ Hán - Tạng, đó là múa sư tử, múa gậy, chơi rồng rắn.

Nhà cửa của người Ngái là nhà đất với quy mô vừa phải, gồm 3 gian, 2 chái. Nhà được xây dựng quây quần theo mô hình làng xóm, thường được dựa trên những sườn đồi, thung lũng, ven biển hoặc trên đảo, gần những dòng suối hoặc sông - nơi cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt của cộng đồng làng.

Trang phục của người Ngái giống dân tộc Nùng, với màu xanh chàm lẫn điệp với màu xanh lá cây của núi rừng, không có màu sặc sỡ như một số dân tộc khác ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Ngoài quần áo, trang phục của người Ngái còn có mũ, nón – những vật dụng làm ra từ lá, mây tre. Họ cũng đội khăn và che ô. Những nhóm người Ngái ở trong Nam, sau khi rời khỏi bản quán, quê hương, không còn giữ được bản sắc ăn mặc truyền thống nữa, họ giống như người Kinh, với quần Tây, áo sơ-mi là phổ biến.

Đôi nét chấm phá trên đây đối với người Ngái quả là chưa nói được nhiều về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng này nhưng qua đây, chúng ta cũng đã thấy hai hiện tượng đáng được quan tâm để kịp thời ứng phó với quá trình biến đổi, đó là sự suy giảm dân số vốn đã quá nhỏ nhoi. Việc phát triển và bảo lưu giống nòi cũng chính là bảo lưu đặc trưng văn hóa cộng đồng, hẳn là trách nhiệm của người Ngái là trước hết, song cũng không thể là sự thờ ơ của toàn xã hội và cần có những chính sách thích hợp từ nhà nước để bảo tồn nòi giống và văn hóa của dân tộc Ngái ngay tức thì. Hiện tượng người Ngái ly hương, sinh sống và làm việc ở quê hương mới cũng đang mất dần bản sắc, dưới tác động của cộng đồng dân tộc đa số hoặc các dân tộc sinh sống liền kề, rất cần một sự định hướng của chính quyền địa phương qua tham mưu của Ủy ban dân tộc, của ngành Văn hóa. Tôi nghĩ rằng, đây không phải là hiện tượng đơn lẻ, chỉ có ở dân tộc Ngái, mà nó diễn ra ở nhiều cộng đồng khác, do di dân đến nơi ở mới, theo đó, cần phải có một định hướng chiến lược, một chính sách phù hợp, trước mắt cũng như lâu dài để bảo lưu truyền thống văn hóa của cộng đồng, trước rất nhiều thách thức đang đặt ra, chứ không chỉ là câu chuyện di dân tự do, như đã thấy.

Bài viết này chưa đưa ra được sáng kiến mà chỉ mang ý nghĩa cảnh báo các cơ quan chức năng rằng, cần quan tâm hơn nữa để văn hóa đất nước còn giữ trọn được sự giàu có bản sắc trước xu thế hội nhập ngày càng nhanh của thế giới mà Việt Nam chúng ta không thể nằm ngoài xu thế này.

TS Phạm Quốc Quân

Top