Người Lô Lô
Trang phục: Nam giới Lô Lô, không kể nhóm nào đều mặc áo cánh ngắn, mặc quần và chít khăn, may bằng vải bông nhuộm chàm. Tuy nhiên, cũng có một vài chi tiết khác biệt giữa các nhóm. Nam giới Lô Lô Hoa mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, “quần loe”, cạp lá tọa, đầu bít khăn có những tua màu và hạt cườm, gần giống như phụ nữ. Nam giới Lô Lô Đen thì lại mặc áo kiểu năm thân, xẻ và cài cúc bên nách. Nam giới Lô Lô Trắng mặc khá cầu kỳ, trang trí hoa văn sặc sỡ, áo cánh ngắn, xẻ ngực, tay áo may kiểu hai lớp, thắt lưng vải buộc ra hai vạt áo.
Nét chung nhất của trang phục nữ Lô Lô là trang trí hoa văn đẹp, sặc sỡ trên cả áo, quần hay váy, khăn. Áo của họ may ngắn, xẻ ngực chui đầu, có thêm miếng vải, trang trí đẹp nhất là từ thắt lưng trở xuống. Tuy nhiên, phụ nữ mỗi nhóm vẫn có sắc thái trang phục riêng, bạn có thể phân biệt được ngay giữa ba nhóm Lô Lô kể trên.
Bộ nữ phục Lô Lô Hoa có lẽ là bộ thu hút được sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người bởi đường nét tạo dáng đẹp, màu sắc tươi tắn, rực rỡ. Phụ nữ nhóm này mặc áo ngắn, may kiểu xẻ ngực, tay dài, gấu áo chỉ vừa chấm cạp quần, tạo cảm giác khỏe khoắn và tôn được đường nét cơ thể. Hầu như toàn bộ thân áo trước và sau lưng đều trang trí các mảng màu hình tam giác, ghép lại với nhau thành các khối hình vuông. Hai vạt trước có hai đường trang trí lớn dọc theo nẹp áo và đường ngang sát gấu áo. Vạt lưng cũng có hai đường trang trí như vậy chạy dọc sống lưng. Trong một ô trang trí hình vuông như vậy, thường là ghép từ 12 đến 20 miếng vải màu hình tam giác. Tay áo gồm 4 đoạn dài may nối lại với nhau và trên các đoạn này đều đáp những khoanh vải màu trên đó là những đường kẻ song song, xen giữa những ô vải ghép giống như những trang trí trên thân áo.
Nụ cười những thiếu nữ Lô Lô (Ảnh: TL)
Phụ nữ Lô Lô Hoa chải tóc quấn quanh đầu, rồi đội khăn ra ngoài. Có hai loại khăn, khăn vuông và khăn dài. Hai đầu khăn thêu chỉ màu, xung quanh viền và đính những hạt cườm các màu. Khi đội, người ta gấp đôi hay ba theo chiều dài khăn, rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài. Khăn duyên của phụ nữ Lô Lô Hoa là sự phối hợp tinh tế giữa vải bông trắng, chỉ muôn màu với hạt cườm, khuy bạc. Hoa văn của khăn duyên tập trung chủ yếu ở hai đầu khăn theo mô típ hình núi bằng vải đỏ, điểm xuyết vào đó là chỉ trắng, chỉ xanh làm viền. Kết hợp cùng các mảng hoa văn, ở hai đầu khăn còn được đan thêm nhiều tua len tết tròn như những chùm quả nhỏ đủ màu vừa với mục đích trang trí, vừa để dễ tạo ra độ bám chắc khi buộc khăn quanh đầu. Người phụ nữ Lô Lô Hoa bao giờ cũng tự dệt khăn duyên bằng vải bông. Màu chủ đạo ở thân giữa khăn là đen hoặc xanh chàm, hai đầu khăn mới trang trí thêm tua (tua len hoặc tua chỉ màu xe thành sợi).
Bộ trang phục Lô Lô là một sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi người phụ nữ không chỉ có lòng kiên trì mà còn có tài khéo léo, trình độ thẩm mỹ cao. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng để các chàng trai Lô Lô kén vợ. Người phụ nữ nào không biết thêu thùa đều bị dân bản coi thường, là điều xấu hổ đối với gia đình, họ hàng. Bởi thế các em gái từ 5 - 6 tuổi đã được mẹ cho tập thêu, tập ghép vải màu để tới lúc trưởng thành cô gái Lô Lô đã có bàn tay khéo léo trong xe sợi, dệt vải, thêu thùa.
Ở: Tuỳ từng nơi họ sống trong ba loại nhà: nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa đất ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).
Quan hệ xã hội: Người Lô Lô sống tập trung trong các bản tương đối ổn định. Tính cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét. Có hơn 30 dòng họ khác nhau. Mỗi dòng họ thường quần tụ trong phạm vi một làng bản, thờ cúng chung một ông tổ và có một khu nghĩa địa riêng nằm trong nghĩa địa chung của công xã. Người Lô Lô thích các quan hệ hôn nhân nội tộc người và thực hiện nguyên tắc ngoại hôn giữa các dòng họ.
Người Lô Lô hát múa trong lễ mừng nhà mới (Ảnh: TL)
Cưới xin: Phong tục cưới xin của người Lô Lô mang nặng tính gả bán với việc thách cưới cao (bạc trắng, rượu, thịt...). Theo phong tục người Lô Lô, đám cưới sẽ diễn ra ba ngày và chỉ đánh phèng la và thổi kèn đồng chứ không múa, chỉ đám ma mới múa. Thực đơn ăn cưới gồm thịt lợn luộc, đậu phụ luộc, canh xương, rau và cơm. Và không thể thiếu hàng chục can rượu ngô sắp đầy nhà. Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên chồng. Con trai cô có thể lấy con gái cậu song không được ngược lại.
Lễ tết: Tết Nguyên đán như người Hán và người Việt. Ngoài ra còn có tục ăn Cơm mới, tết Ðoan ngọ, Rằm tháng bảy... Đối với người Lô Lô dù khá giả hay nghèo, Tết đều phải có thịt lợn đen treo trên gác bếp. Cỗ Tết được coi là to và sang thì ngoài món thịt lợn đen hay món gà trống thiến, phải có nhiều món khác như món cá lam thơm ngon nổi tiếng. Để có được cá lam người ta thường vào rừng tìm những con suối, con khe có loài cá này sinh sống. Ngoài ra, phải kể thêm các món như nhái nướng, nhái rang, món nhện nướng, châu chấu, cào cào rang... Đó là những món được đồng bào cho là món ngon, chỉ khi nào có khách quý đến chơi Tết mới được đem ra mời nhắm rượu. Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, già trẻ gái trai đều thức. Các cụ già cùng các cháu nhỏ quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ tiếng chúc mừng của gà gáy sáng. Với người Lô Lô, tiếng gà gáy đầu tiên trong bản đó chính khoảnh khắc đón giao thừa. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới.
Tín ngưỡng: Người Lô Lô thờ tổ tiên là chính. Họ theo tín ngưỡng coi mọi vật đều có linh hồn. Đứng đầu dòng họ là Thầu chú (Bimaw). Ông này phụ trách việc cúng bái và duy trì tục lệ của dòng họ. Họ vẫn còn giữ được một vài văn bản tôn giáo cổ viết bằng một thứ chữ tượng hình của họ. Tôn giáo của họ cũng mang nhiều yếu tố của Đạo giáo và đạo Phật.
Những cô gái Lô Lô đang ngồi thêu trang phục cho mình (Ảnh: TL)
Văn hóa: Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ... Là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Một trong những điểm nhấn trong văn hoá của người Lô Lô đó là bộ trống đồng cổ mà dân tộc này sử dụng trong các dịp cúng thổ thần, tổ tiên và trong đám tang. Người Lô Lô xem trống đồng là một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc, nối cõi thường với tâm linh. Không chỉ tự hào là một trong những dân tộc có mặt sớm ở vùng đất này, tự hào về nền văn hoá trống đồng cổ, chữ viết tượng hình xa xưa... mà đồng bào còn tự hào về vốn văn hoá dân gian phong phú của mình qua những điệu múa, làn điệu dân ca, truyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích mang vể hoang đường, thần thoại những dã phác lên được vũ trụ quan sinh động của dân tộc này trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Những bài ca, tiếng hát chứa chan tình yêu con người, cuộc sống, thiên nhiên... được ví như là viên ngọc quí đóng góp vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Tuy nhiên để những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay của đồng bào là cả một vấn đề cần được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm. Với số dân ít, sống tương đối tập trung, các làng bản người Lô Lô cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tiếp tục đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hoá dân gian của dân tộc này hiện còn đang gìn giữ được. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Lô Lô phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp và được bà con chấp nhận chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông hay những biện pháp hành chính cứng nhắc. Với bản sắc riêng độc đáo của mình, các làng bản người Lô Lô sẽ trở thành những điểm du lịch văn hoá hấp dẫn nếu các ngành chức năng biết đầu tư, khai thác hợp lý.
Hoài Nam