Người Khơ Mú nói ngôn ngữ Môn – Khơ Me, thuộc ngữ hệ Nam Á. Số dân ước tính khoảng 80.000 người, sống chủ yếu và lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Có một số nhóm Khơ Mú sống ở Tây Thanh Hóa và Nghệ An có lẽ do chuyển cư từ nước bạn Lào láng giềng sang.
Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng kinh tế làm nương rẫy với cây lương thực chủ yếu là ngô, khoai, sắn với lối dùng gậy chọc lỗ, tra hạt hoặc dao, rìu để đào hố trồng khoai, sắn. Người Khơ Mú cũng tồn tại một nền kinh tế săn bắt, hái lượm trong quá khứ. Đó là một nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm quan trọng vào thời kỳ giáp hạt hàng năm. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người Khơ Mú cũng có một bộ phận du canh, du cư và một bộ phận định cư, canh tác trên nương rẫy theo quy trình khép kín, theo phong tục cổ xưa.
Ngoài nông nghiệp, săn bắt hái lượm, dân tộc này còn có những nghề thủ công mang tính chất tự túc, tự cấp, đó là nghề đan lát. Một số nơi còn biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Việc mua bán, trao đổi chủ yếu là hàng đổi hàng. Trước kia, vỏ ốc “Kxoong” được coi là tiền. Đó là hình thức Tiền đầu tiên của người nguyên thủy thường sử dụng.
Thiếu nữ người Khơ Mú (Ảnh: internet)
Chăn nuôi của người Khơ Mú là tiểu gia súc, theo hộ gia đình, chủ yếu phục vụ cho sức kéo (trâu, bò) và phục vụ cho lễ tết, tiếp khách và các tín ngưỡng (lợn, gà…).
Người Khơ Mú có Totem, theo đó, dòng họ mang tên các loại cây, loài thú, loài chim. Những loại cây, thú, chim mang họ của người Khơ Mú không được giết và ăn thịt hoặc chặt phá để sử dụng vào những mục đích khác. Mỗi dòng họ đều có những chuyện kể về dòng họ mình và coi nhau như anh em cùng mẹ, cùng cha. Người Khơ Mú định cư, cứ trú thành những bản. Ở đó có nhiều dòng họ khác nhau cùng sinh sống và đều có Trưởng họ. Họ của người Khơ Mú có thể phân thành 3 nhóm sau: Nhóm họ mang tên thú gồm hổ, chồn, cầy hương. Nhóm mang tên chim gồm phượng hoàng đất, chìa vôi, cuốc, bìm bịp. Nhóm mang tên cây là guột, rau dớn, xương xỉ, tỏi…
Trong tín ngưỡng, người Khơ mú có năm loại ma quan trọng nhất: Ma trời, ma đất, mà thuồng luồng, ma tổ tiên và ma nhà. Đó là những loại ma mang điều lành cho con người, nhưng đôi khi giận dữ cũng có thể trừng phạt cộng đồng.
Người Khơ Mú có lễ cúng Mường, cúng bản và lễ cúng ma nhà trong các dịp tết lễ và gia đình có người đau ốm. Bàn thờ Ma nhà đặt trên gác bếp còn tổ tiên, ông bà thì đặt ở một gian riêng, kín đáo và rất kiêng kị đối với người ngoài.
Đám ma của người Khơ Mú có nhiều nghi thức, đặc biệt là bài cúng, tiễn hồn người chết kéo dài nhiều giờ.
Hôn nhân của người Khơ Mú có nhiều điểm khác lạ so với người Kinh. Sau khi cưới, người con trai phải một năm ở rể. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ và nếu có con thì con theo họ mẹ. Khi về nhà chồng, vợ phải đổi tên theo họ chồng và các con lại mang theo họ bố. Đó là một tàn dư của chế độ mẫu hệ thuở xa xăm có ở dân tộc này và dần nhạt phai theo lịch sử.
Tết cổ truyền của người Khơ Mú (Ảnh: internet)
Trong việc dựng vợ gả chồng và trong cuộc sống gia đình, vai trò của người Cậu đối với các cháu rất quan trọng. Đó phải chăng cũng là một lưu ảnh xa xăm của chế độ mẫu hệ?
Người Khơ Mú tổ chức cưới xin theo nguyên tắc thuận chiều, đặc biệt trong phạm vi một dòng họ. Đám cưới được tiến hành qua các khâu dạm hỏi, ở rể, lễ cưới ở bên nhà vợ. Trai gái được tự do tìm hiểu nhưng quyền quyết định do bố mẹ, đặc biệt là ông Cậu. Ông chính là người quyết định tiền thách cưới, đồ sính lễ.
Những ngày lễ tết trong năm của người Khơ Mú có Tết Nguyên đán, lễ cơm mới, được tổ chức sau mùa gặt hái. Tết cơm mới của người Khơ Mú thể hiện bản sắc văn hóa tộc người đậm nét với nhiều nghi thức liên quan tới trồng trọt thuở sơ khai.
Trang phục của người Khơ Mú không có đặc trưng riêng biệt, do họ không phát triển nghề dệt. Trang phục chủ yếu mua của người Thái – một cộng đồng sống liền kề và có nghề dệt phát triển. Điểm nổi bật nhất là trang sức phụ nữ Khơ Mú là trên thân áo có tiền bạc và vỏ ốc (cũng chỉnh là tiền). Tuy nhiên, giờ đây cũng mai một, chỉ còn ở một số người cao tuổi. Nam giới Khơ Mú ngày nay ăn mặc theo người Kinh.
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Khơ Mú, làn điệu ưu thích nhất của họ là Tơm. Đây là làn điệu dân ca mang đậm chất sử thi, trữ tình, theo cách hát đối đáp. Ngoài ra, họ còn tiếp thu điệu múa Xòe của người Thái và thổi các loại sáo bằng nứa, tre tự tạo. Đặc biệt, kèn môi là một nhạc cụ rẩt phổ biến trong cư dân Khơ Mú.
Người Khơ Mú không có chữ viết riêng, nên chữ Thái là một phần trong số ít trí thức Khơ Mú. Họ cũng theo lịch Thái, tính ngày giờ theo bảng Cà La để dựng nhà, cưới xin.
Trên đây là một số đặc điểm khái quát về người Khơ Mú. Dẫu còn sơ lược và chưa đi sâu vào những đặc điểm nổi trội của dân tộc này, nhưng người đọc cũng có thể thấy được bản sắc của họ và nếu quan tâm hơn sẽ được tìm hiểu trong những chuyên khảo hoặc trải nghiệm với họ trong những chuyến du lịch về với làng bản của người Khơ Mú, chắc chắn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn.
Bảo Trân