Người Giẻ Triêng

Những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Giẻ Triêng cần được bảo lưu, gìn giữ và phát huy, để mãi mãi nằm trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà.

Giẻ Triêng là một dân tộc thiểu số có số dân chỉ khoảng 51.000 người theo điều tra dân số và nhà ở năm 2009, sinh sống chủ yếu tại tỉnh Kom Tum, miền núi tỉnh Quảng Nam và rải rác trên 29 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Họ nói bằng ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Người Giẻ Triêng còn có những tên gọi khác, theo nhóm, đó là Đgieh, Ta Reh, Giang Rây, Pin, Treng, Ta Liêng, Ve, La-Ve, Broong, Ca Tang. Tuy nhiên, tên gọi chính thức của họ là dân tộc Giẻ Triêng.

Người Giẻ Triêng sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Ngoài ra họ còn săn bắn, hái lượm, đánh cá để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày do kinh tế nương rẫy vô cùng bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chăn nuôi của người Giẻ Triêng cũng giống như bao dân tộc khác ở Việt Nam, đều là tiểu gia súc, đó là trâu, bò, lợn gà, phục vụ chủ yếu cho những lễ hiến sinh được thực hành trong năm.

Mỗi người Giẻ Triêng, trừ nhóm Broong, đều có họ kèm theo tên. Tuy nhiên, họ của đàn ông khác với họ đàn bà. Mỗi dòng họ đều có việc kiêng kị. Xưa kia, con trai theo họ bố, con gái theo họ mẹ. Ngày nay, hiện tượng này đã có sự biến đổi trong mỗi nhóm, tùy theo mỗi vùng, khi có sự tiếp biến văn hóa với các dân tộc liền kề, đặc biệt với người Kinh ở dưới xuôi lên khai hoang trên cao nguyên.

Giẻ Triêng là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại tỉnh Kom Tum, miền núi tỉnh Quảng Nam và rải rác trên 29 tỉnh và thành phố của Việt Nam. (Ảnh: internet)

Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi đã ngủ đêm tại nhà Rông, khoảng 13 đến 15 tuổi thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng. Việc chủ động  trong hôn nhân thuộc về người con gái, minh chứng cho một chế độ mẫu hệ đã tồn tại trong dân tộc này khá đậm nét.

Trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết tấu cồng chiêng. Con gái phải thạo dệt chiếu, dệt vải. Trong lễ cưới, cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ phải sống luân phiên, chuyển từ nhà cha mẹ vợ sang cha mẹ chồng và ngược lại trong vòng ba đến bốn năm một lần, cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới được ra ở riêng.

Ma chay của người Giẻ Triêng cũng giống nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, người chết được chôn trong quan tài độc mộc – giống như con thuyền đưa người quá cố về với thế giới bên kia. Đầu quan tài có điêu khắc tượng đầu trâu. Huyệt mộ đào rất nông, không “đào sâu chôn chặt” như quan niệm của người Kinh dưới xuôi. Tang ma được tổ chức giản đơn, với vài ba người thân trong nhà đi đưa tiễn, sau một thời gian thì làm lễ bỏ mả và phần mộ ấy coi như vô chủ. Đó là một nghi thức hoàn toàn khác với người Kinh, khi phần mộ luôn được chăm sóc chu đáo từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Trang phục của người Giẻ Triêng không quá cầu kỳ. (Ảnh: internet)

Người Giẻ Triêng ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái, đầu hồi uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn, xung quanh nhà Rông. Đó là ngôi nhà trung tâm – ngôi nhà chung của cộng đồng làng. Khác với nhà Rông của một số dân tộc ở Tây Nguyên, nhà sàn Giẻ Triêng có hành lang chạy dọc ở giữa, chia đôi lòng nhà thành hai nửa: một nửa dành cho nam, một nửa dành cho nữ.

Hiện nay, người Giẻ Triêng ở Kom Tum làm nhà sàn ngắn và vài hộ gia đình cùng chung sống với nhau trong ngôi nhà ấy. Nhà sàn ngắn có mái hình mu rùa và có hai sừng trâu trang trí ở hai đầu đốc.

Trang phục của người Giẻ Triêng không quá cầu kỳ. Nam giới để tóc ngắn, đội khăn chàm, vấn theo lối chữ “Nhất” trên đầu. Thân ở trần hoặc áo khoác ngoài, chéo qua vai. Màu áo chàm có các sọc dọc trang trí. Khố của người đàn ông Giẻ Triêng hẹp, dài, không có tua. Thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt. Trong các dịp tế lễ, họ khoác thêm tấm vải choàng rộng cùng màu chàm, có nhiều sắc màu trang trí phủ kín thân.

Lễ cưới của người Giẻ Triêng (Ảnh: internet)

Phụ nữ Giẻ Triêng để tóc dài quấn sau gáy. Họ không mặc áo và vận váy dài, cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng. Đầu váy, giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có chức năng vừa váy, vừa áo là một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Giẻ Triêng, ít gặp ở các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam. Đó cũng là một lý do để bộ trang phục phụ nữ Giẻ Triêng được lựa chọn vào làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh như một di sản văn hóa của dân tộc này trong cộng đồng đa dân tộc Việt Nam.

Lối mặc váy, đặc biệt là quấn mép ra trước giữa thân, đầu váy còn thừa, lộn ngược ra phía trước hoặc quấn thành nhiều nếp, gấp ra xung quanh, trông như một chiếc áo ngắn, cũng là một đặc điểm vô cùng hấp dẫn của trang phục nữ Giẻ Triêng. Cùng với váy, phụ nữ Giẻ Triêng đeo trang sức là những vòng tay, vòng cổ.

Giới thiệu đôi nét về dân tộc Giẻ Triêng, độc giả cũng đã thấy được nhiều nét riêng và những nét chung của dân tộc này trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đặc biệt là với những dân tộc ở Tây Nguyên. Những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Giẻ Triêng cần được bảo lưu, gìn giữ và phát huy, để mãi mãi nằm trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà, khi mà sự hội nhập của đất nước ngày một tăng lên, đe dọa tới sự tan biến của nhiều giá trị văn hóa đặc thù của mỗi cộng đồng dân tộc – điều mà Đảng ta luôn nhắc nhở tới trong những nghị quyết về văn hóa của Trung ương.

Hồng Hải