Người Dao và Sách - Tranh cổ đang mai một

Người Dao có nhiều tên gọi khác nhau: Mán, Đông, Trại, Dìu, Miền, Kim Miền… Tên tự xưng của họ là Kim Miền hay Kim Mùn. Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương như Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Giang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn. Họ sử dụng ngôn ngữ Mông – Dao và là dân tộc có số lượng dân đứng thứ 9 trong 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với khoảng gần 1 triệu người.

Dân tộc Dao cư trú dọc biên giới Việt – Trung và Việt – Lào, tập trung ở các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ… Lịch sử hình thành dân tộc khá dài, từ thế kỷ 12,13 với một biểu tượng huyền thoại, thiêng liêng là Bàn Vương – tổ tiên trực tiếp của tất cả các nhóm người Dao hiện nay đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam và các vùng đất kề cận.

Với một lịch sử lâu đời và dân cư khá đông đúc như thế, người Dao trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc mình, đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong kho tàng di sản đa sắc màu của Việt Nam. Đó là kỹ thuật canh tác ruộng nương và ruộng nước với những bộ công cụ sản xuất khá đặc trưng. Đó là nghề rèn sắt, làm đồ bạc phục vụ cho đời sống cộng đồng đạt đến trình độ điêu luyện. Đó là nghề làm giấy được coi là thế mạnh của dân tộc này để phục vụ cho việc viết sách, làm tranh thờ, mà cho đến nay, ngoài người Kinh, tôi cho rằng, khó có một dân tộc nào ở Việt Nam, kho tàng di sản tranh và sách có thể sánh kịp với người Dao – điều mà sẽ được nói kỹ tới ở phần sau.

Dân tộc Dao có đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Sinh đẻ, ma chay, cưới xin, lễ tết đều có những nét riêng, bên cạnh những nét chung, mang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chỉ qua một số hiện tượng, ta có thể thấy ngay được điều ấy. Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng dịp với Tết Nguyên Đán, dẫu có sớm hơn nửa tháng. Tuy nhiên, với người Dao, đây không hẳn chỉ là tết của sự giao hòa gia đình, dòng họ, mà trở thành một lễ hội của cộng đồng với nghi thức nhảy múa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian. Rồi, người điền dã dân tộc học có thể nhận ra, trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao, dành cho đàn ông đến tuổi trưởng thành, phảng phất lễ thành đinh của vùng xuôi, đã mai một ở thời gian cách đây không xa. Người Dao theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh của cư dân nông nghiệp, song ảnh xạ bên trong từng nghi thức và nghi lễ, đều đọng hằn sâu sắc giáo lý của Khổng giáo và Phật giáo, cho dù Đạo giáo vẫn đôi phần nổi trội hơn.

Nụ cười thuần khiết của những thiếu nữ người Dao

Phác dựng đôi ba nét chấm phá về người Dao và đời sống vật chất và tinh thần của họ, hẳn sẽ chẳng thấm tháp gì so với tài sản khổng lồ, lớn lao của cộng đồng này đang lưu giữ. Tuy nhiên, cũng từ những nét chấm phá ấy, người đọc sẽ thấy ngay rằng, bản sắc nổi trội và đặc trưng nhất đang bị mai một ở dân tộc này, do tác động của nền kinh tế thị trường đưa đến.

Như đã nói tới chút ít ở phần đầu, sách cổ của người Dao, được coi là di sản vô cùng quý giá của cộng đồng, đang dần dần bị mai một. Ở trong nội dung của từng cuốn sách mà người nghiên cứu vẫn thường gọi là sách Hán – Nôm của người Dao, tức là chúng đã được Dao hóa thành Nôm – Dao, có khá nhiều nội dung về truyện lịch sử, thuốc Nam, đám cưới và sách cúng bái. Rất nhiều những tri thức dân gian được chứa đựng trong đó, mà khoảng gần hai mươi năm trở lại đây, chúng được bầy bán trong các cửa hàng, được đề danh bằng những cái tên mỹ miều như Văn hóa Việt, Văn hóa cộng đồng, Văn hóa truyền thống. Giá của chúng không cao, khoảng 500.000đ đến 1.000.000đ. Đôi khi vài ba triệu, nếu như những cuốn sách ấy có vẽ hình những cây thuốc. Điều đáng buồn là những chủ cửa hàng, không hề có một chút kiến thức gì về loại sách cổ này. Đi liền với sách là những tranh dân gian của người Dao. Đó là những bộ tranh thờ được vẽ trên giấy truyền thống với những màu sắc rực rỡ của thảo mộc, mà ở đằng sau mỗi bức tranh, qua những lớp giấy bồi nhiều tầng, nhiều lớp của thời gian, tôi đã đọc được niên hiệu của những bức tranh ấy có từ thời Tự Đức, Thiệu Trị, Gia Khánh, Đạo Quang, tương đương với giai đoạn thế kỷ 19 – xứng đáng với tiêu chí của những cổ vật được quy định trong Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Điều đáng kinh ngạc hơn rằng, mươi, mười lăm năm trước, giá những bộ tranh khổ lớn, đẹp chỉ khoảng năm triệu đồng, nay đã lên tới tám chục, một trăm triệu mà vẫn không có để mua. Tôi có đến một garely của một bác sĩ người Mỹ tại Hà Nội, loại sách và tranh này của ông bạt ngàn và vô biên, khi cái thời, giá ông mua còn rẻ hơn cả sách và tranh mới ấn hành.

Sách cổ của người Dao

Tôi cũng được biết, Viện Hán Nôm, một số bảo tàng đã sưu tầm loại hiện vật này, nhưng công tác nghiên cứu, quảng bá những giá trị về chúng dường như vẫn là số 0, theo đó nguy cơ “chảy máu” loại di sản này vẫn chưa đi đến hồi kết.

Vấn đề “chảy máu” và mất mát sách và tranh cổ, đặc biệt là sách cổ của cộng đồng người Dao, không chỉ là sự mất mát, cái mà người ta có thể cầm nắm được, mà đó là sự mất đi tinh hoa ngôn ngữ chữ viết của lịch sử dân tộc này. “Việc học chữ Nôm Dao chính là duy trì chữ viết và tiếng nói của cộng đồng”, “cứ đến ngày lễ và dịp tết, người Dao lại cùng con cháu quây quần ngồi đọc sách chữ Dao”. Đó là những chia sẻ của những nhà nghiên cứu, của chính những tri thức người Dao, khi họ nói về những cuốn sách của họ, về tài sản vật thể và phi vật thể, mà qua hàng nghìn năm mới lưu tồn được, nay bỗng chốc bị mai một, mất dần. Ngôn ngữ và chữ viết bị mất đi thì còn chăng là một dân tộc?

Tôi nguyện cầu cho những di sản văn hóa nói chung của cộng đồng người Dao được mãi mãi bảo tồn và đánh hồi chuông báo động về sách và tranh cổ đang có nguy cơ tuyệt chủng trong chính đời sống cộng đồng dân tộc này.

Hồng Hạnh