Ngôi chùa Tổng thống Mỹ Obama dự định ghé thăm khi đến Việt Nam

Theo lịch dự kiến, sau khi đến TP Hồ Chí Minh, chiều 24-5, Tổng thống Obama có thể sẽ đến thăm chùa Ngọc Hoàng, đường Mai Thị Lựu, Quận 1.

Chùa Ngọc Hoàng là tên thường gọi của Ngọc Hoàng Điện, tên chữ là Phước Hải Tự. Chùa do Sư tổ Lưu Minh ((pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) sang xây dựng vào năm Nhâm Thìn (1892), đến năm Canh Tý (1900), chùa được hoàn thành và làm lễ khánh thành vào năm 1906. Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó, điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải Tự". Sau này, theo thời gian chùa bị xuống cấp nên phải tiến hành trùng tu nhiều lần vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986 và mới nhất là vào năm 2006.

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Sân chùa là một không gian rất rộng có nhiều cây cổ thụ bao trùm tỏa bóng. Khung cảnh này tạo cho du khách cảm giác bình an, thư thái. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ Pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế "tranh châu". Chính điện thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng; có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy v.v...Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng... Nhìn chung, các pho tượng thờ trong điện thờ đều là những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp.

Chùa Ngọc Hoàng là địa chỉ đỏ của những người hiếm muộn, không chỉ người thành phố mà cả nước tìm đến cầu nguyện mỗi ngày. Người ta thường tâm niệm con cái là phúc trời ban, chùa lại có tên trời nên cực kỳ ứng nghiệm. Những cặp vợ chồng hiếm muộn thường thành tâm cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Kim Hoa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian. Bên dưới Kim Hoa Thánh Mẫu là tượng 12 bà mụ, mỗi bên 6 người với các tư thế khác nhau. Bà lo việc nặn đầu đứa trẻ, bà khác lại nặn chân, người nặn mắt, người dạy trẻ tập đi, tập nói… Du khách đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa.

Điểm đặc biệt, ngôi chùa có một danh sách con vật để cúng vái, tùy theo mong muốn người dân. Ví như thả cá chép vàng, chép đỏ thì cầu làm ăn, cầu tài lộc; cá trê cầu sức khỏe, giải hạn; cá rô bí, ba ba phóng sanh theo tuổi hạn; chim phóng sanh cầu siêu cho người đã mất. Đặc biệt nhất là rùa để cầu con cái. Những cặp vợ chồng đến đây thường thả một cặp rùa ghi tên tuổi của mình, nghe đâu nếu là cặp rùa mang bầu thì càng ứng nghiệm.

Hàng ngày, khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất ở chùa là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Dự kiến trong thời gian Tổng thống Mỹ Obama ghé thăm, chùa tạm thời không đón khách tham quan và phật tử.

Từ lâu, trong các trang sách cẩm nang du lịch, các trang mạng trong và ngoài nước, chùa Ngọc Hoàng luôn nằm trong danh sách các ngôi chùa độc đáo phải đến “một lần” trong chuyến du hành đến các địa danh văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của người Việt tại TP. Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn 100 năm, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa với mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi. Ngôi chùa cổ này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 15-10-1994.

Hoàng Vân

Top