Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt giữa thành phố hoa

Lâm Đồng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là một mặt trận gian khổ, khó khăn và ác liệt. Hàng chục ngàn chiến sĩ là con em của khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống và nằm lại trên mảnh đất xứ sở của muôn loài hoa này.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cùng với cả nước, nhân dân tỉnh Lâm Đồng bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế xã hội. Dù trăm công ngàn việc nhưng chính quyền vẫn không quên quay trở lại những chiến hào cũ trong rừng sâu để tìm hài cốt các liệt sĩ, quy tập về Đà Lạt xây dựng nghĩa trang làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt có diện tích tới 20 ha, quy mô tới 3.000 mộ, xây dựng trên một quả đồi ở phía Tây Nam thành phố. Từ đây nhìn về Đà Lạt, tháp chuông trường sư phạm, ngôi sao đỏ trường đại học, mặt nước Hồ Xuân Hương xanh trong đều hiện lên rực rỡ. Ngược lại, từ bất kỳ điểm cao nào trong thành phố cũng nhìn thấy ngọn đài liệt sĩ vút cao vượt lên trên những rặng thông xanh.

Với phương châm thiết kế vừa là nơi tưởng niệm để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ, vừa là một thắng cảnh du lịch có nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật cao hơn bất cứ công trình nào. Nên kiến trúc công trình đã phối kết hợp chặt chẽ, hài hòa các yếu tố thiên nhiên, cảnh quan, đặc thù địa lý… Đặc biệt là yếu tố lịch sử, văn hóa và tự nhiên của một thành phố trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới.

Với ưu thế về cây xanh và hoa của Đà Lạt, một lợi thế mà không đâu có được. Tính đa dạng về hình thái sinh trưởng cũng như chủng loại của các loài cây và hoa đã được khai thác triệt để, khoa học nhằm hỗ trợ cho kiến trúc. Toàn bộ công trình, nhìn từ xa như một vườn hoa lớn với những thảm cây xanh mênh mông. Tất cả những loài hoa và cây quý của Đà Lạt đều được đưa về đây quây quần bên những ô mộ xinh xắn, làm hạn chế đến mức thấp nhất tính tiêu cực của công trình có yếu tố nghĩa trang. Ngày xưa, người Nhật có tặng Chính quyền Pháp giống cây hoa anh đào đem về trồng ở Đà Lạt. Từ đó đến nay, anh đào tiếp tục phát triển, nở hoa. Và lạ thay, hoa anh đào lại nở đúng vào dịp cuối năm Dương lịch, trùng khớp với Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là 22-12. Đến nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt vào dịp ấy ta sẽ gặp ánh hồng rực rỡ của hoa anh đào thay cho màu cờ xuất trận của những anh lính Cụ Hồ.

Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt có diện tích tới 20 ha, quy mô tới 3.000 mộ, xây dựng trên một quả đồi ở phía Tây Nam thành phố. (Ảnh: TL)

Đài liệt sĩ là trung tâm biểu tượng của công trình đặt ở độ cao 1.335m, mặt hướng về trung tâm thành phố Đà Lạt, thân đài cao 18,50m, hình dáng đài là những đường nét kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống. Mặt bằng đài là một bông hoa của xứ hoa Đà Lạt được cách điệu, bốn cánh hoa nở xòe bốn hướng. Việc chọn bốn cánh cho đài liệt sĩ là thể hiện tính đặc điểm quần cư của các dân tộc, cũng như quy mô của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên mảnh đất Lâm Đồng. Một địa phương bao gồm các dân tộc từ mọi miền đất nước về đây chung sống, đấu tranh, xây dựng dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng để tồn tại và trưởng thành như hôm nay.

Lợi dụng sự chênh lệch về độ cao giữa sân nghĩa trang và điểm đặt đài liệt sĩ là 24m, tác giả đồ án đã cho xây dựng một bể nước ở ngay tiền sảnh làm tấm gương phản chiếu. Ngọn đài luôn luôn soi bóng trong lòng nước màu ngọc bích.

Bao quanh sân đài là sân nghi lễ rộng tới 400m2, đủ chỗ cho hàng trăm người đứng dự lễ. Sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm xong, khách có thể dạo quanh sân đài để chiêm ngưỡng toàn bộ công trình, hoặc nhìn xa về thành phố. Cũng từ sân đài, các đường trục chính dẫn khách đến từng khu mộ: khu mộ anh hùng, khu mộ vô danh, khu mộ có địa chỉ, rừng tràm hoa, rừng thông và rừng Mimôda.

Khác với lối kiến trúc nghĩa trang cổ truyền, dễ gây cảm giác nặng nề, u cảm cho người viếng thăm, bởi mộ chí san sát và lô nhô dựng đứng. Ở đây, với lối kiến trúc mộ nằm trên băng cỏ nhung xanh mịn, mỗi ô gồm bốn dãy mộ. Cạnh mỗi ô tính từ tim đường bên này tới tim đường bên kia là 12m. Trong ô mộ có 4 dãy mộ và cứ hai dãy mộ liền nhau thành một lối mộ, mỗi bên có 11 mộ. Cộng cả hai dãy hai bên là 22 mộ. Con số 22 mộ và 12m chiều dài của cạnh ô mộ không chỉ đơn giản là con số kích thước của kiến trúc, mà nó là con số có ý nghĩa kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Từng phần mộ chỉ là những đường viền nhỏ xung quanh với kích thước 0,40mx0,60m, xây hơi nổi trên mặt cỏ. Giữa lòng mộ là hoa, là cây rền màu tím được cắt tỉa vuông vắn. Ở giữa hai dãy mộ lại có một hàng cây xanh cao chừng 1,2m, hàng cây xanh vừa có tác dụng che khuất người tưởng niệm ở hai bên dãy mộ đối xứng đỡ ngại ngùng, vừa có tác dụng trực tiếp là tô điểm cho công trình.

Đài liệt sĩ là trung tâm biểu tượng của công trình đặt ở độ cao 1.335m, mặt hướng về trung tâm thành phố Đà Lạt, thân đài cao 18,50m, hình dáng đài là những đường nét kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống. (Ảnh: TL)

Đường đi lối lại kiến trúc theo kiểu đường trong công viên, thi thoảng có những ki ốt làm chỗ nghỉ và trú mưa cho khách, bởi thế, vào nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt cũng là vào trong công viên. Có lẽ, từ công trình này mà gần đây người ta bắt đầu xuất hiện ý tưởng xây dựng nghĩa trang nhân dân với cái tên mới là công viên vĩnh hằng.

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, phục vụ khách du lịch khi đến thăm viếng nghĩa trang, tại mỗi khu vực có đặt một nhóm tượng đài và phù điêu nghệ thuật. Tượng đài anh hùng, tượng đài truyền thống, phù điêu liệt sĩ vô danh. Tất cả đều được làm bằng bê tông cốt thép, quy mô rất hoành tráng, nghệ thuật điêu khắc rất sinh động, có giá trị cao cả về mặt nội dung lẫn tạo hình. Với nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt, đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên ở nước ta có tượng đài nghệ thuật. Ở bãi đỗ xe trước cổng ra vào  đặt một bức tượng “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây’’ vốn dĩ là tác phẩm điêu khắc của cố họa sĩ Đào Văn Can sáng tác năm 1960. Bức tượng thay cho lời giới thiệu và nói lên tất cả những điều ta cần nói với muôn đời các thế hệ mai sau về sự hi sinh của cha ông. Bức tượng này, tỉnh Lâm Đồng đã lập dự án để chuẩn bị xây dựng trong những ngày gần đây.

Sau hơn ba chục năm khánh thành công trình phục vụ việc viếng thăm của các thân nhân liệt sĩ, khách du lịch. Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt đã thực sự xứng đáng là một công trình văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, kiến trúc đương đại vượt ngoài ý nghĩa tâm linh có một không hai ở nước ta.

Tỉnh Lâm Đồng đang có chủ trương nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế ban đầu, để hoàn thiện những hạng mục cần thiết cho xứng tầm là một công trình di tích lịch sử, một thắng cảnh du lịch bổ sung thêm điểm tham quan cho khách trong và ngoài nước khi tới Đà Lạt. Đồng thời tạo đủ điều kiện khoa học, xác lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc cấp quốc gia.

Kính cẩn nghiêng mình, kính dâng trước anh linh các liệt sĩ công trình của tấm lòng biết ơn vô hạn.

Nguyễn Nguyên Hoài

Top