Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với hoạt động của Bảo tàng hiện nay

Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 12-9-1977 của Bộ Chính trị ra đời đã 40 năm. Từ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, dù tổ chức của cơ quan đã thay đổi nhưng nội dung của Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng vẫn luôn là phương hướng hoạt động hôm nay và sau này.

Nội dung của Nghị quyết như sau:

   Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng ta và Mặt trận dân tộc thống nhất, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,

Người là lãnh tụ vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của toàn thể dân tộc Việt Nam,

Người là chiến sỹ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế,

Người đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng loài người, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Để tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người, quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, đào tạo con người mới, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người,

  Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta,

 Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định:

1 - Thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ.

2 - Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là cơ quan có chức năng nghiên cứu và giáo dục thông qua những di tích, những tài liệu và hiện vật có quan hệ với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiệm vụ:

a. Tiến hành những công tác cụ thể của Bảo tàng về nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu ngày càng đầy đủ toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn lịch sử.

b. Tổ chức hướng dẫn cán bộ và nhân dân đến nghiên cứu và học tập, hướng dẫn khách nước ngoài đến thăm.

c. Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện Bảo tàng và các nơi lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho các nơi đó.

3.- Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh có trách nhiệm cùng với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu những quy định cụ thể về nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm cùng với Ban Phụ trách Xây dựng Bảo tàng
Hồ Chí Minh xây dựng đề án về nhiệm vụ thiết kế để trình Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

4.- Các ban, các ngành, các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, các cấp ủy địa phương có trách nhiệm thi hành nghị quyết này trong chức năng của mình.

Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet.

Bản Nghị quyết này của Bộ Chính trị do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn (tức Tổng Bí thư) ký. Có một điều mà chỉ một số ít cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh lúc đó được biết là: Khi văn bản được chuẩn bị xong, đồng chí Tổng Bí thư lúc đó đang làm việc ở miền Nam. Theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị văn bản quan trọng này về Bác Hồ để đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng ký. Thực hiện ý kiến đó, Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Cù Văn Chước đem văn bản sang Văn phòng Trung ương Đảng gửi vào miền Nam để đồng chí Tổng Bí thư ký, đúng vào ngày kỷ niệm Xô Viết - Nghệ Tĩnh 12-9.

Nghị quyết số 04 có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện lòng thành kính và biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thể hiện niềm tin và quyết tâm kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Người. Ý nghĩa chính trị đó cũng thể hiện ở việc Nghị quyết đưa ra một cách toàn diện, đầy đủ cả những vấn đề về chuyên môn của một cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học về tư tưởng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây cơ quan bắt đầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của một bảo tàng (mặc dù tòa nhà Bảo tàng chưa ra đời). Các hoạt động nghiệp vụ trong thời gian này đảm bảo hai yêu cầu vừa xây dựng nội dung trưng bày, vừa phối hợp cùng với Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan tìm giải pháp để xây dựng tòa nhà Bảo tàng đáp ứng yêu cầu của một công trình văn hóa lớn tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phương châm “Hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị”. Sau khi Nghị quyết ra đời, cơ quan đã tiến hành nhiều buổi thảo luận để nhận thức về Nghị quyết, từ đó hiểu hơn về vinh dự và trách nhiệm của từng bộ phận, của mỗi người. Cơ quan cũng đã thảo luận để xây dựng các kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành, các địa phương, các tổ chức, các nhà khoa học tùy theo chuyên môn của mình, góp phần thiết thực xây dựng Bảo tàng về Bác.

Ngay từ những năm đầu thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị toàn diện cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, song song với việc chuẩn bị nội dung, việc nghiên cứu đưa ra các số liệu phục vụ cho thiết kế sơ bộ ngôi nhà Bảo tàng cũng đã được cơ quan lưu tâm. Mục tiêu của việc làm này là hướng tới xây dựng một ngôi nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh bền vững lâu dài. Các số liệu về địa chất, thủy văn cũng như kinh nghiệm xây dựng các bảo tàng trong nước và quốc tế đã được xem xét kỹ. Vì vậy, chỉ hơn một tháng sau khi Nghị quyết 04 ra đời, ngày 17-10-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi gìn giữ và trưng bày những di tích, tài liệu và hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là trung tâm nghiên cứu và giáo dục tư tưởng của Người đối với các thế hệ ở trong nước và ngoài nước. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có tính tư tưởng và nghệ thuật cao, phù hợp với sự nghiệp cách mạng vĩ đại và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay với kiến trúc, kết cấu, các hệ thống kỹ thuật cũng như cơ cấu nội dung công trình, các bộ phận và diện tích các phòng… về cơ bản không khác với nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt từ tháng 10 năm 1977.

Triển khai nhiệm vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đối với các chi nhánh và di tích lưu niệm về Người theo Nghị quyết 04, Nghị Định 375-CP của Chính phủ ngày 15-10-1979 quy định: “Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh có hệ thống các chi nhánh và di tích lưu niệm. Các chi nhánh này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh”.

Thực hiện các văn bản trên, từ năm 1982, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiến hành việc chuyển giao cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ các chi nhánh và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Công văn số 704-VHTT/VP, ngày 23-4-1981). Từ đó các chi nhánh và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó với nhau nay càng gắn bó chặt chẽ trong sự nghiệp nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa Bác Hồ để lại cho dân tộc.

Nói đến Nghị quyết về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh không thể không nói đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho thiết chế chính trị, văn hóa và khoa học này. Mục đích của công việc này là nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát huy tác dụng công trình văn hóa đặc biệt, ghi nhớ công lao của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, bồi dưỡng con người mới kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Người. Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, các bậc lãnh đạo tiền bối của Bảo tàng luôn xác định việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; Đã đề ra và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh một cách đầy đủ nhất. Bảo tàng là một công tác khoa học, vì vậy, người cán bộ phải biết lấy khoa học làm căn cứ, các cán bộ trẻ phải tích lũy kiến thức để có lực lượng nghiên cứu và phát huy lâu dài. Phương hướng đào tạo cán bộ của các bậc tiền bối đã, đang và mãi mãi là phương hướng quan trọng của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Từ khi có Nghị quyết số 04, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có một số lần thay đổi về tổ chức. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ từ tháng 9-1989 đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Viện Mác - Lênin. Tháng 5-1990, Ban Chấp hành Trung ương ra Thông báo và Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định giao Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quản lý và chỉ đạo hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trung ương quyết định đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác, nguyên Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sự thay đổi về tổ chức ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của cán bộ. Song với ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm rất cao, đồng chí Giám đốc Vũ Kỳ đã động viên toàn cơ quan nhanh chóng thi hành các quyết định của cấp trên. Đồng chí chỉ rõ: Dù tổ chức thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào cơ quan cũng phải giữ vững truyền thống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã căn dặn. Mọi hoạt động chuyên môn của Bảo tàng không thay đổi; tổ chức bộ máy và mọi chế độ của cán bộ vẫn giữ nguyên như trước.

Lời khẳng định của đồng chí Giám đốc đầu tiên đã nói rõ ý nghĩa của Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Viện Bảo tàng hay Bảo tàng đều là thể hiện nguyện vọng và tình cảm của toàn Đảng, toàn dân ta đối với Bác - Đó là lòng thành kính, biết ơn vô hạn và đời đời đi theo con đường mà Người đã chọn.

TS Nguyễn Thị Tình

Top