Nghề truyền thống đất Thăng Long Hà Nội

Kinh đô Thăng Long là nơi có lịch sử truyền thống lâu đời mang tính tập trung của những người thợ làm vàng bạc nổi tiếng, những nghệ nhân đó đã được lớp hậu duệ tôn thờ mãi cho tới ngày nay. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, bạn bè họ hàng làng xóm lên mở nhà, lập phố.

Từ thời Lý - Trần, Thăng Long đã có Thập Tam Trại. Đây vốn là những làng nghề cổ xưa nhất của vùng đất Kinh kì. Sau đó, Thăng Long dần trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Phố phường hình thành và tên gọi 36 phố phường trở nên quen thuộc với người dân vùng đất Kinh đô hơn bao giờ hết. Mỗi phố mỗi phường nghề tạo cho vùng đất này những đặc trưng riêng mà hiếm vùng miền nào có được.

Những người làng Hòe Thị (Từ Liêm) và Ða Sỹ (Hà Ðông) không chỉ đưa hàng hoá ra Hà Nội bán, mà họ còn kéo nhau ra thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương mở lò rèn sắt, bán nhiều loại bừa nên đổi thôn thành phố Hàng Bừa. Về sau không chỉ có bừa mà còn rèn ra nhiều loại sản phẩm khác nên đổi thành phố Lò Rèn. Thợ Hòe Thị còn mở Lò Rèn ở phố Sinh Từ, Kim Mã, Ðê La Thành... Các lò rèn không chỉ đỏ lửa trong phố Sinh Từ, Lò Rèn... do người Ða Sỹ, Hòe Thị lập nên mà còn có cả ở phố Lò Sũ do tốp thợ làng Ða Hội (Ðông Anh) kéo đến chuyên làm các loại gươm đao, giáo mác. Gần phố Lò Rèn là phố Hàng Thiếc, xưa chuyên sản xuất và bán các loại hàng thiếc như đèn dầu, ấm trà... Ngày nay, sản phẩm được thay bằng các loại nhôm kính, bể nước treo... Ở gần phố Hàng Thiếc có phố Hàng Ðồng, nguyên là đất thôn Yên Phú, tổng Tiền Túc do dân làng Cầu Nôm (Mỹ Hào, Hưng Yên) đến đây mở hiệu buôn bán các loại đồ đồng. Phố Hàng Quạt trước đây sản xuất và bán các loại quạt do thợ làng Vác (Canh Hoạch, Hà Tây) làm ra, nay chuyển sang sản xuất và bán các loại bàn thờ, đồ thờ, câu đối...

Làm dao, kéo tại làng nghề truyền thống Đa Sỹ (Hà Đông). Ảnh: Bích Lê

Cuối thế kỷ XIX, một số người dân làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm), sang mở hiệu đóng yên ngựa giầy da, guốc dép, lập nên phố Hà Trung. Hiện nay, phố này vẫn làm và buôn bán hàng da và giả da khá nhộn nhịp. Nghề làm tàn lọng và thêu ren do thợ từ làng Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Tây) ra lập nghiệp ở các phố Hàng Lọng (nay là đoạn đầu đường Lê Duẩn) và Hàng Thêu (nay ở đoạn giữa phố Hàng Trống). Người thợ làng Chắm (Tứ Lộc, Hải Dương) đã đưa nghề làm đồ da, đóng giầy, dép đến Thăng Long lập nên thôn Hài Thượng (thợ giầy) sau đổi là phố Hàng Giầy và ngõ Hài Thượng.

Nghề làm đồ vàng bạc, kim hoàn hiện đang tập trung ở phố Hàng Bạc chính là do thợ làng Ðịnh Công (Thanh Trì), thợ làng Ðồng Sâm (Thái Bình) kéo nhau ra lập nghiệp. Cuối thế kỷ XV một số người làng Châu Khê (Hải Dương) cũng kéo nhau ra mở xưởng đúc tiền, làm cho phường vàng bạc càng trở nên nhộn nhịp. Hàng Tiện là nơi buôn bán các hàng tiện gỗ như mâm bồng, ống hương, đài rượu, khuôn oản, chân bàn... do người làng Nhị Khê làm nay trở thành các phố Hàng Hành, Tô Tịch và một đoạn Hàng Gai, và vẫn còn một vài nhà ở phố Tô Tịch làm nghề dũi gỗ. Phố Hàng Khay bán các sản phẩm vẽ làng Nhót (Ðông Mỹ, Thanh Trì), sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây), đồ gỗ Ðồng Kỵ (Bắc Ninh)...

Nghề làm tàn lọng và thêu ren do thợ từ làng Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Tây) (Ảnh:TL)

Mặc dù chúng ta đã quá quen thuộc với những mặt hàng của đồ trang sức hoặc những vật dụng trang trí hay đồ mỹ nghệ bằng vàng bạc nhưng khi nói tới lịch sử, xuất xứ nghề kim hoàn ở nước ta, ít có người quan tâm tới. Ở Kinh đô Thăng Long trước đây, làng Đình Công Thượng là cơ sở phục vụ vàng bạc sớm nhất cho Kinh thành Thăng Long. Dân gian kể lại rằng, vào cuối thế kỷ VI, ở làng Đình Công có ba anh em họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, do nghèo khổ dưới ách thống trị của nhà Đường làm cho anh em họ Trần phải tha phương cầu thực tới một nước láng giềng, rồi từ đó họ học được nghề kim hoàn. Khi trở về quê hương, họ truyền nghề cho dân làng. Sau này làng Đình Công có nghề truyền thống vàng bạc phục vụ thị trường ở Thăng Long. Từ thế kỷ XVIII, XIX khi nền kinh tế Thăng Long, Hà Nội ngày một phát triển cao, những nghệ nhân này mới đi dần lên Thăng Long hành nghề bằng chuyên môn của mình là các đồ nữ trang như hoa tai, xuyến, vòng... ở phố Hàng Bạc ngày nay. Thế kỷ XV, khi ngành luyện kim ở nước ta tiến bộ, nghề đúc bạc nén bước vào giai đoạn mới, thoát thai từ làng Trần Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng).

Dân gian kể lại rằng, dưới thới Lê Thánh Tông (1461) trong làng này có ông Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập nên một tràng đúc bạc và tiền ở Thăng Long, sau đó làm tới chức Thượng Thư Bộ Lại, rồi được tôn làm thủy tổ của nghề đúc bạc. Về sau, người làng ông ra Thăng Long hành nghề ngày càng đông. Phố Hàng Bạc được thành lập từ đó. Họ đã xây dựng nên các tràng đúc bạc (nay là 58 phố Hàng Bạc) làm nơi sản xuất. Hai ngôi đình: Thượng Đình (số 50 Hàng Bạc) và Kim Ngân Đình (số 42 Hàng Bạc) là nơi giao nộp thành phẩm cho Nhà nước đương thời. Qua thời gian, nhu cầu về vàng bạc càng ngày càng lớn. Phố Hàng Bạc còn có thêm một số nghệ nhân người làng Đồng Sâm (huyện Kim Sương, tỉnh Thái Bình) đến đây làm ăn sinh sống, với sở trường chạm trổ những đồ vật lớn bằng bạc như hộp trầu, chén bát dĩa, đỉnh, lư đèn...

Nghề làm đồ vàng bạc, kim hoàn hiện đang tập trung ở phố Hàng Bạc chính là do thợ làng Ðịnh Công (Thanh Trì), thợ làng Ðồng Sâm (Thái Bình) kéo nhau ra lập nghiệp.(Ảnh: TL)

Làng nghề giấy dó Kẻ Bưởi - Yên Thái nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Theo các tài liệu còn lưu lại đến ngày nay, nghề làm giấy đã có ở nước ta từ lâu đời. Năm 284, một thương nhân La Mã đã mua của Giao Chỉ hàng vạn tờ giấy mật hương, một loại giấy thơm, để dâng lên Vua Tấn Võ Đế. Một học giả người Hoa là Kê Hàm cũng đã xác nhận giấy Mật Hương của Giao Chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, màu trắng, có vân vảy cá, thả vào nước không nát. Cho đến khi Nhà nước Đại Việt ra đời và định Đô ở Thăng Long thì nghề này ở làng Yên Thái đã phát triển mạnh. Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho Triều đình nhà Tống của đời Vua Lý Cao Tông (1176- 1210). Trong sách "Dư địa chí" (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ...

Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng đúc đồng Ngũ Xã là nơi sản sinh ra biết bao các sản phẩm đồng thau cực kỳ tinh xảo cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ đồ đồng của thành Thăng Long xưa. Sử sách ghi lại rằng, vào khoảng thời Lê (1428 -1527), dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Điện Tiền và Đào Viên (mà tên nôm là các làng Hè, Rồng, Dí Thượng, Dí Hạ...) thuộc huyện Văn Lâm - Hưng Yên và Thuận Thành - Bắc Ninh, vốn có nghề đúc đồng đã về Kinh thành để lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại đây, họ đã sinh cơ lập nghiệp và tạo dựng làng mới trên đất Thăng Long nên mới lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình. Về sau tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã nằm ở phía Đông hồ Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình. Trước đây, nghề đúc đồng Ngũ Xã đã được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Hiện nay, làng nghề vẫn còn tồn tại và là nơi sản sinh ra nhiều sản phẩm đẹp thể hiện tài hoa của người thợ nghề vùng đất Kinh kì.

Làng đúc đồng Ngũ Xã (Ảnh: TL)

Qua thời gian, trên các phố phường xưa nay có phố mở thêm nghề sản xuất mới như: nghề khắc bia mộ ở phố Hàng Mắm, nghề may ở phố Hàng Trống, phố Khâm Thiên. Ða số những phố xưa đã mất đi nhiều, trở thành các phố buôn bán dịch vụ, du lịch... Nghề xưa cũng đã thay đổi, xuất hiện thêm những ngành nghề mới hiện đại. Ngày trước sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề, phố nghề, nay sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại.

"Hà Nội - phố nghề" là sự hội tụ tài năng, bản sắc văn hoá và từ lâu đã trở thành niềm tự hào của cả nước.  v

Trần Hoàng (tổng hợp)