Nghệ thuật trang trí trên Cửu đỉnh thời Nguyễn vận dụng vào dạy môn Mỹ thuật ở trường phổ thông

Huế là kinh đô cũ của nước Việt Nam thời phong kiến dưới thời Nguyễn. Trải qua bao thế kỷ hình thành và phát triển, có thể nói, vùng đất này tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu tạo nên một bản sắc riêng cho xứ sở Thần Kinh. Ngoài phong cảnh non nước hữu tình, vùng đất thơ ca nhạc hoạ, Huế còn có cả một quần thể di tích lăng tẩm đền đài đồ sộ đã được công nhận là Di sản Văn hoá của nhân loại cả vật thể và phi vật thể. Bước vào Hoàng thành Huế có rất nhiều điều để khám phá - Cửu Đỉnh là một trong những kiệt tác độc đáo và đặc sắc của nhà Nguyễn.

Giới thiệu Cửu đỉnh

Cửu đỉnh được lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh thời nhà Hạ ở Trung Quốc và được khởi công đúc từ năm Minh Mạng thứ 16 (1835), đến năm 1837 mới hoàn thành. Mỗi đỉnh mang tên chữ từ trong miếu hiệu các vua nhà Nguyễn, từ Thế Tổ Cao Hoàng đế trở xuống: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền, đặt trước sân Thế Miếu, ứng theo thứ tự các án thờ bên trong.

Nhìn chung, chín chiếc đỉnh đều có dáng tương tự giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, có hai quai phía trên, mỗi đỉnh có ba chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” tức là năm 1835. Tuy nhiên, mỗi đỉnh lại có những nét riêng và gần như không hề giống nhau. Ví dụ: Trên Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh thì quai đỉnh có hình chữ U úp ngược vuông, còn các đỉnh khác uốn cong. Về chi tiết, tùy đỉnh mà có dạng cong phía ngoài hoặc phía trong, phẳng hay có gờ, bệnh dây thừng hay để trơn… Đa phần cổ đỉnh có hình cong, nhưng ở Cao đỉnh và Dụ đỉnh lại để thẳng. Vành miệng Dụ đỉnh và Thuần đỉnh cong, các đỉnh còn lại có gờ vuông hoặc thẳng đứng. Về vai đỉnh một số để trơn nhưng cũng có một số đỉnh có gờ kép hoặc gờ đơn. Phần đáy đỉnh phần lớn cong như một phần của khối cầu, nhưng lại có một số đỉnh bằng và hơi lõm lên. Chân các đỉnh cong dạng chân quỳ, duy chỉ Dụ đỉnh có dạng được tạo đáy thẳng hơi chếch. Các mảng hình trang trí trên bàu của đỉnh, mỗi đỉnh có 18 mảng hình.

Theo sử sách ghi lại, trước đây “Cửu đỉnh được đúc thủ công, chính vì vậy khâu chọn đất sét có chất lượng là rất quan trọng và mất khá nhiều thời gian. Đất để làm khuôn phải là đất sét dẻo[Dương Phước Thu, Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế, Nxb Tri Thức, tr.33]. Đối với những đồ đồng lớn như Cửu đỉnh người ta chọn đất sét màu vàng ở đồng ruộng, sau đó trộn với đất phù sa, thêm ít tro, trấu theo tỉ lệ hợp lý rồi mới bắt đầu nhào nặn kỹ.

Khuôn để đúc Cửu đỉnh là khuôn độc bản, chỉ đúc một lần, sau đó phá bỏ. Khuôn để đúc Cửu đỉnh gồm có 3 lớp, lớp trong cùng (gọi là lớp cốt) được làm bằng đất sét dẻo, trộn cùng với bông và giấy bản, sau đó nhào trộn kỹ, hình dáng lớp cốt như lòng trong của đỉnh và để thật khô.

Lớp thứ hai của khuôn đúc (phía ngoài lớp cốt) được phủ lên một lớp dày làm bằng sáp hoặc nến, lúc đó phần cốt và phần sáp (hoặc nến) sẽ có kích thước 1/1 với tỉ lệ thật của đỉnh. Khi khuôn thật khô cứng, người ta mới bắt đầu gắn các họa tiết cũng được làm bằng sáp (hoặc nến) lên thân của từng chiếc đỉnh.

Lớp thứ ba (lớp ngoài cùng) hay còn gọi là lớp bìa. Đối với lớp này, người ta cũng đắp một lớp đất sét dày của khuôn lên thân phôi đỉnh. Phần ngoài cùng của khuôn được làm những mảnh rời sao cho khi ráp vào chúng khớp với nhau chính xác như gắn liền nhau. Sau khi tạo xong khuôn, lại phải để một thời gian để khuôn tự khô. Khi khuôn đã khô cứng theo yêu cầu, để tạo cho thân, ruột khuôn thêm chắc chắn, người ta khoét nhiều lỗ hở so le nhau trên nhiều vị trí khác nhau của khuôn rồi đốt lửa bên trong và bên ngoài, như vậy trong lúc đốt chín vỏ khuôn, lớp sáp bên trong sẽ nóng chảy và sáp lỏng sẽ theo các lỗ khoét sẵn thoát hết ra bên ngoài, tạo thành khoảng trống giữa phôi khuôn. Khoảng trống ấy chính là chỗ để chứa đủ lượng đồng khi đúc sẽ tạo nên thành phẩm gồm đủ tất cả những hình tượng nghệ thuật được khắc họa lên khuôn đỉnh trước đó.

Nghệ thuật trang trí trên cửu đỉnh

Đi sâu vào tìm hiểu giá trị nghệ thuật trang trí, chúng ta thấy Cửu đỉnh Huế là kiệt tác mang dấu ấn lớn của nền nghệ thuật dân tộc và có lẽ do chính hiệu quả sâu sắc của những hình trang trí trên đó. Trên chín đỉnh đồng được trang trí tất cả 162 hình chạm khắc tinh xảo, đó là các hình ảnh trời, đất, trăng, sao, các hiện tượng tự nhiên như thiên văn, khí tượng, các thực thể quan yếu trong nước như: sông, núi, biển, hệ sinh thái động thực vật, các vật thể gắn liền với sự sống như: xe cộ, ghe thuyền, binh khí… Tất cả những hình ảnh ấy gắn bó bền chặt cùng nhau cả trên bề mặt lẫn chiều sâu.

Trên mỗi đỉnh có 18 hình trang trí được đúc nổi (trừ 1 hình khắc tên của đỉnh) được chia làm 3 tầng. Tầng trên là những họa tiết vật nhẹ như: chim, rồng, đậu, hoa trái, lúa đậu… Tầng giữa là trọng tâm giao tiếp nên có đất trời và người. Đất có biển, núi, sông. Trời có mặt trời, mặt trăng, ngũ hành, gió, mây, mưa, sấm chớp. Tầng dưới là vật nặng như: tàu thuyền, súng đạn, rùa cá, muông thú.

Tất cả các hình ảnh được sắp xếp trên Cửu đỉnh đều mang đậm tính dân tộc, đặt trưng dân gian của ba miền đất nước, một nghệ thuật trang trí rất chi tiết và độc đáo không thể hoà trộn lẫn lộn với các hình ảnh trang trí khác. Được chia thành 17 bộ đề tài khác nhau như: Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; Chín ngọn núi lớn; Chín con sông lớn; Chín sông đào và sông khác; Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; Chín con thú lớn bốn chân; Chín con vật linh; Chín loài chim; Chín loại cây lương thực; Chín loại rau củ; Chín loại hoa; Chín loại vũ khí; Chín cây lấy quả; Chín loại dược liệu quý; Chín loại cây thân gỗ; Chín loài cá, ốc, côn trùng; Chín loại thuyền, xe, cờ.

Nhóm hoạ tiết chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ được các nghệ nhân sử dụng nhiều nét cong tạo sự mềm mại, uyển chuyển diễn tả các hoạt động của thiên nhiên như mây, mưa, sấm chớp… với hy vọng cầu mong mưa thuận gió hoà, cuộc sống của con người được an lành, thiên hạ thái bình thịnh vượng. Khác với đường nét mềm mại của các tinh tú thiên nhiên trong vũ trụ, hình ảnh các loại vũ khí, các ngọn núi, các loại xe, cờ thì nghệ nhân đã sử dụng đường nét chắc khoẻ, dứt khoát nhưng vẫn thể hiện được nét cơ bản của cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ nước Việt…

Hình ảnh chín con sông lớn được nhà Nguyễn lựa chọn một cách tinh tế để đưa vào trang trí trên Cửu đỉnh như sông Hồng, tiếp theo là sông Mã, sông Thao, sông Lam, sông Bạch Đằng, sông Hương, sông Tiền, sông Hậu, sông Bến Nghé… Những con sông ấy đều được chạm khắc sinh động và gắn liền với những chiến thắng về lịch sử chống giặc ngoại xâm, hay những con sông toát lên cảnh thanh bình, màu mỡ phù sa tưới tiêu cho cách đồng lúa bát ngát xanh tươi của đồng ruộng Việt Nam như các con sông đào khác ở các tỉnh thành trong cả nước.

Không chỉ là sự tài hoa của các nghệ nhân khi đúc những chiếc Cửu đỉnh mà ở đây còn cho ta thấy cái nhìn tinh tế, sâu xa của nhà Nguyễn khi chọn hình ảnh trang trí trên Cửu đỉnh đầy đủ các hệ trong vũ trụ rất chi tiết và độc đáo, mang cái nhìn tổng thể đầy hấp dẫn, đó là: có núi non, trời đất, sông hồ, chim muông, cây lương thực, các loại dược liệu quý… Có chín con sông thì có chín cửa biển, những con sông chảy dài đổ ra biển tạo nguồn mạch dồi dào đầy sức sống cho một vùng đất, đánh dấu chủ quyền đất nước Việt Nam.

Đi cùng với hoạ tiết của các con sông, cửa quan, cửa biển, các ngọn núi, trên Cửu đỉnh còn có cả hệ động vật khá phong phú như: các loài thú bốn chân: Hổ, báo, tê tê, mã, tượng, ngưu, thỉ, dương, sơn mã…, cả những con vật gần gũi với đời sống của con người như: Lợn, dê, voi, ngựa…được chạm khắc mang tính tả thực, với tỉ lệ cân đối, hài hoà, đường nét sinh động, uyển chuyển.

Chủ đề linh vật

Nói đến hệ thống vật linh là nói đến những con vật được sinh ra có từ tư duy liên tưởng của con người, nó là sản phẩm xuất phát từ tín ngưỡng và được hình thành theo lịch sử, có thể là con vật có thực, cũng có thể là con vật được hư cấu. Tuy nhiên, trong tư duy nó lại thực với sự tích và nguồn gốc và ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Trong nghệ thuật tạo hình, các vật linh được thể hiện vì sự sùng tín vì chúng là dạng của thần linh nên ít nhiều có thần hiện hữu (theo quan niệm xưa). Vì vậy, ở mỗi thời kỳ, hệ thống linh vật có hình dáng khác nhau. Thật ra sự khác nhau đó ảnh hưởng và chịu sự chi phối liên quan đến lịch sử. Các linh vật của thời kỳ này là các sản phẩm của lịch sử mỹ thuật Việt, bởi nó không chỉ phản ánh bước đi của nghệ thuật tạo hình, mà còn chứa đựng một số vấn đề liên quan đến lịch sử và xã hội đương thời.

Rồng là con vật có mặt trong các thời kỳ của nền nghệ thuật trung đại, tuy nhiên, qua mỗi thời kỳ, hình dáng và quan niệm về nó ít nhiều cũng có khác nhau. Bản thân rồng hội tụ nhiều ý nghĩa khác nhau bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh. Con rồng thời Nguyễn cũng như vậy, ở Huế, chúng có mặt trên nóc các kiến trúc dưới dạng đắp tròn, tại các thềm bậc chúng thường được tạo tròn theo hướng chạy xuống, ở trên các rường kẻ, xà hay trên các ô cửa… thường được chạm thủng, ngoài ra rồng còn xuất hiện ở các cột như rồng quấn quanh bốn cột ở sau cổng Ngọ Môn, hay ở các cột được sơn son…  Long (Rồng) trên Cao đỉnh được chạm trổ vói nhiều đường cong tạo thành những vân mây ẩn hiện, thân rồng uốn lượn phía trên kết thúc với các nét cong nhẹ tạo chiếc đuôi xòe lông kiểu nan quạt, các mảng chạm dày nhưng vẫn thoáng gắn với bầu trời đầy mây, hút nước ở biển và tạo thành mưa nhằm đem lại cuộc sống tươi đẹp cho đời.

Linh Quy (Rùa) trên Chương đỉnh là một trong tứ linh của Triều Nguyễn. So với rồng thì rùa là con vật ít biến đổi, được thể hiện theo hai hướng, một là đơn giản, hai là chi tiết gần như thực. Biểu tượng của rùa là sự bền vững nên nó được đội bia (thế kỷ XVII), sang thế kỷ XIX rùa còn được đội hạc để trở thành một hợp thể tượng trưng cho sự trường tồn và cao quý. Trên Chương đỉnh, Linh quy (rùa thiêng) thường sống ở các vùng sông ngòi được với chiếc mai chạm khắc hình lục giác, trên lưng có hình bát quái, dấu hiệu tượng trưng cho âm dương…một nền tảng của vũ trụ quan phương Đông.

Các con vật linh cũng sống dưới nước khác như Miết, Đại mại và Ngoan được trang trí trên Cao đỉnh, Nhân đỉnh và Tuyên đỉnh có hình dáng nhìn sơ qua gần giống Linh quy, tuy nhiên được chạm khắc khá đơn giản, chủ yếu diễn tả các con vật ở các hình dáng và bối cảnh khác nhau.

Chủ đề chim, hoa lá

Ngoài hệ thống vật linh thì các loại chim trên Cửu đỉnh luôn kết hợp với hoa hoặc cây cảnh tạo nên bố cục hài hòa gắn với tạo hình của từng loài chim như kê (con gà trống) trên Chương đỉnh gắn cây hoa mào gà hay uyên ương (chim uyên ương) trên Nghị đỉnh được tạo hình cả đôi chim đang vờn nhau dưới nước tạo sự sống động và hạnh phúc. Chim trĩ trên Cao đỉnh được các nghệ nhân diễn tả có đuôi dài và như đang múa, khổng tước (chim công) trên Nhân đỉnh ung dung với những bước đi cùng cỏ cây hoa lá…

Nói đến nghệ thuật trang trí trên Cửu đỉnh không thể không nhắc đến các loại hoa, hệ thống cây lương thực, các loại dược liệu, cây lấy gỗ, các loại ốc, cá, côn trùng… Tuy nhiên, các hoạ tiết này đều được các nghệ nhân diễn tả mang tính tả thực, có không gian xa gần đúng với đặc điểm của họa tiết đó.

Nếu như nói các họa tiết trên có đường nét tinh tế và tỉ mỉ, sắc sảo thì bên cạnh đó các nghệ nhân thời Nguyễn đã sử dụng nhiều nét khắc khác nhau diễn tả sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của chín loại vũ khí khi lựa chọn các nét chạm khắc khỏe mạnh, các nét thẳng, nét ngang, nét cong tạo khối nổi làm cho vũ khí có chất độc đáo uy nghi. Nếu như Trường thương, Hỏa Phún đồng, Phác đao sử dụng nhiều nét thẳng đứng tạo sự cứng rắn, uy nghiêm, kết hợp giá đỡ là các nét ngang tạo sự hài hòa cho bố cục, thì Đại pháo, Điểu thương, bài đao lại sử dụng nhiều nét ngang, kết hợp nét cong vừa tạo sự cân bằng, uy nghi cho vũ khí này, đó cũng mong muốn sự hòa bình tĩnh lặng và không có xung đột. Trong khi đó, với Hồ điệp tử (tức đạn bươm bướm), các nghệ nhân lại dùng nhiều nét cong, nét tròn tạo thành những mắt xích, tạo sự linh hoạt, khó xác định và dự báo so với các loại vũ khí khác. Tuy nhiên, dù sử dụng những nét chạm khắc khác nhau thì các nghệ nhân thời Nguyễn cũng đã làm nổi bật sự uy nghi của các loại vũ khí cũng như quy mô các loại thuyền, xe cờ trên Cửu đỉnh.

Để vận dụng các hoạ tiết cũng như khai thác các giá trị độc đáo trên Cửu đỉnh khi đưa vào dạy học môn Mỹ thuật ở trường phổ thông, chúng ta nên tìm hiểu kỹ, phân tích những giá trị đặc sắc, độc đáo về đường nét, hình mảng, bố cục và không quên ý nghĩa của các hoạ tiết khi được nhà Nguyễn chọn đưa vào trang trú trên Cửu đỉnh. Có thể nói Cửu đỉnh Huế là một kiệt tác độc đáo về giá trị nghệ thuật hội hoạ của Triều Nguyễn vào thế kỷ XIX, khi cho học sinh vận dụng hoạ tiết trang trí trên Cửu đỉnh vào trong các bài học cụ thể, giáo viên nên hướng cho các em phân tích được tính độc đáo, đặc sắc về đường nét của hoạ tiết trên Cửu đỉnh kết hợp với ý tưởng thăng hoa của thế hệ tiền nhân đã đem cả vũ trụ thiên nhiên vào trong Cửu đỉnh.

Khi vận dụng các hoạ tiết trên Cửu đỉnh vào dạy học, giáo viên cũng cần phân tích, chứng minh bằng hình ảnh cụ thể bằng phương pháp trực quan để các em hiểu sâu hơn nét độc đáo của từng hoạ tiết, khơi gợi niềm đam mê cảm hứng của các em để nắm bắt ý tưởng của từng hoạ tiết trang trí mà Nhà Nguyễn đã chọn lọc và đưa vào Cửu đỉnh, qua đó giúp các em hiểu thêm giá trị nghệ thuật trang trí trên Cửu đỉnh  và lịch sử của dân tộc.

Kết luận:

Vùng đất như Kinh đô Huế, trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử đã được ghi danh vào sử sách các giá trị văn hoá, nghệ thuật mang tầm thế giới cả về vật thể và phi vật thể. Nếu như Nhã nhạc Cung đình Huế là Di sản văn hoá phi vật thể thì Cửu đỉnh là một kiệt tác độc đáo đã được công nhận là Bảo vật quốc gia và hoàn toàn xứng đáng được Unesco vinh danh là “Di sản Tư liệu thế giới”.

Đưa những hoạ tiết trên Cửu đỉnh vào môn học Mỹ thuật ở trường phổ thông là việc làm mang tính giáo dục truyền thống về giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị văn hoá của dân tộc để các thế hệ hiểu sâu hơn về đất nước, qua đó giáo dục các em có lòng tự hào dân tộc về các thế hệ cha ông ngày xưa đã tạo dựng trên cơ đồ non sông Việt nam thông qua hoạ tiết trang trí trên Cửu đỉnh của triều đại nhà Nguyễn.

Phạm Châu Lệ Nga

Trường THCS Thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lớp Cao học K7, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Top