Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có tài liệu cụ thể nào ghi lại thời điểm nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer ra đời nhưng theo những người cao tuổi, am hiểu phong tục, tập quán truyền thống và có uy tín cao trong cộng đồng người Khmer thì: so với loại hình nghệ thuật múa Rô-băm, hát kịch Dù-kê, hay À-day đối đáp, thì Chầm riêng Chà pây đã xuất hiện trước đó từ rất lâu, nó là một phần trong bữa tiệc tinh thần không thể thiếu sau những ngày nương áng ruộng đồng vất vả của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
Chầm riêng Chà pây được hiểu là một loại hình nghệ thuật dân gian có đàn ca hát. Chầm riêng có nghĩa là ca hát, Chà pây là đờn Chà pây. Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân hay người nghệ sĩ biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, sau đó vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn nào đó. Bài biểu diễn không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng nhanh tại chỗ để độc diễn. Người chơi Chầm riêng Chà pây chủ yếu dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, thường là thể thơ 4 câu mỗi câu 7 chữ để hát. Và sau mỗi đoạn thơ lại khải đàn chà pây một câu nhạc đệm. Để hát xong một đoạn truyện có khi kéo dài suốt đêm. Cũng có khi Chầm riêng Chà pây không có tích truyện mà là những khổ thơ kể về tâm trạng hay tình huống nào đó của cuộc đời. Điệu thức Chầm riêng Chà pây gồm: Phát chây, phát chây cớt, som phôn, som phôn cớt, ang kô reach chơn prây srây, ang kô reach chơn prây rốs.
Không gian và thời gian của một cuộc biểu diễn Chầm riêng Chà pây cũng rất tự do, không bị ràng buộc bởi một quy định nào. Tùy ngữ cảnh, người nghệ nhân có thể biểu diễn kéo dài từ 1-2 giờ, trong những cuộc vui như đám cưới, hay các lễ hội lớn trong làng, người chơi Chầm riêng Chà pây có thể ứng tác và say mê đàn hát từ lúc hoàng hôn xuống cho đến tận tinh mơ sáng hôm sau. Do lời thơ chủ yếu là được ứng tác, do tài nghệ riêng của từng nghệ nhân nên từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy và khúc nhạc kết đến giọng điệu của mỗi người tạo nên sắc thái độc đáo riêng, đây chính là nét độc đáo nhất của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Nói đến Chầm riêng Chà pây, không thể không nhắc đến đàn chà pây. Đàn chà pây có cần đàn dài, hình dáng giống như lá bồ đề và gần giống như đàn đáy của người Việt nhưng 4 góc thùng đàn được cắt tròn chứ không vuông góc. Trên thực tế đàn chà pây có nguồn gốc từ Ấn Độ, và khi sang đến Việt Nam đã có những thay đổi để phù hợp với loại hình nghệ thuật riêng của người Khmer. Đàn gồm 12 phím đàn theo hệ thống thang âm ngũ cung. Cấu tạo đàn chà pây gồm có các bộ phận thùng đàn, dọc đàn (cần đàn), dây đàn, bộ phận lên dây, phím gảy đàn. Trong đó: Thùng đàn có hình dáng gần giống lá bồ đề, phần trên tiếp giáp cần đàn to hơn phần dưới. Kích thước thùng đàn thường có chiều dài 40 cm, chiều ngang mặt trước 37 cm, chiều ngang mặt sau 30 cm, thành đàn thấp khoảng 06 cm. Thùng đàn được làm từ gỗ cây lành canh hoặc cây mít. Trên mặt đàn có gắn bộ phận mắc dây đàn đồng thời cũng là ngựa đàn. Cần đàn lại được làm từ gỗ cứng dài khoảng 120 cm, ngọn cần đàn được uốn cong và chạm trổ hoa văn rất đẹp. Cần đàn có gắn 12 phím đàn. Ngày xưa các phím đàn có xỏ dây nối kết với nhau phòng ngừa bị rớt mất, đồng thời cũng xác định khoảng cách các phiếm để tạo âm chuẩn khi diễn tấu. Dây đàn có 2 dây làm bằng tơ se lại, một to một nhỏ, nay thì sử dụng bằng dây ny-lon. Hai dây buông cách nhau quãng 5 đúng. Trước đây đàn thường có 3 dây nhưng ngày nay chỉ còn lại 2 dây. Phím gẩy đàn mới ra đời những năm về sau nay, ngày xưa các nghệ nhân gẩy đàn bằng móng tay dài của ngón trỏ, sau thấy bất tiện đã dùng một đoạn ống tre nhỏ được mài dũa kỹ lưỡng, xỏ vào ngón tay trỏ để gảy đàn, tạo âm thanh giòn giã, linh hoạt và chuẩn xác hơn. Đàn chà pây có màu âm trầm ấm, sâu lắng, phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng. Tầm âm đàn chà pây khoảng 2 quãng 8. Do cấu tạo cần đàn khá đặc biệt và độc đáo nên nghệ nhân cần phải có kỹ thuật tay trái linh hoạt và điêu luyện.
Trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ thì người Khmer sinh sống tại Trà Vinh hiện nay là những người đang kế thừa được đầy đủ, nguyên vẹn nhất loại hình nghệ thuật này. Bởi họ lưu giữ được một kho tàng nhạc khí dân tộc rất phong phú, đa dạng và mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho người Khmer tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh nghệ nhân đàn hát Chầm riêng Chà pây đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ đồng bào Khmer Nam Bộ. Tiếng hát ân tình, dạy người cái đạo ở đời, cách đối nhân xử thế đã trở thành phương châm sống, góp phần tạo nên cốt cách đẹp của đồng bào Khmer.
Ngoài ra, nhạc cụ này còn được sử dụng trong dàn nhạc lễ cưới hoặc cúng thần gọi là chà pây đon vênh; sử dụng để đệm cho hát múa song ca nam nữ đối đáp. Do những đặc thù và yêu cầu đòi hỏi khắt khe của loại hình nghệ thuật này mà hiện nay, những nghệ nhân biết đàn hát Chầm riêng Chà pây ở Nam Bộ không có nhiều. Ở Trà Vinh, nói đến nghệ thuật này, mọi người đều nhớ đến nghệ nhân Thạch Mâu. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ngoài việc đào hầm bí mật nuôi cán bộ cách mạng, nghệ nhân Thạch Mâu đã dùng lời ca, tiếng đàn Chầm riêng Chà pây của mình đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, tuyên truyền, giáo dục mọi người về những đức tính tốt đẹp như tình yêu quê hương, phum sóc, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên... Ông còn ứng tác nhiều bài hát nói về đường lối cách mạng của Đảng, vận động binh lính rời bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình đã góp phần tích cực cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc... Sang thời kỳ đổi mới, những bài hát của ông lại chú trọng đến việc khuyên răn đồng bào, đặc biệt là lớp trẻ những đạo lý sống, dạy mọi người cách sống và làm việc theo pháp luật, phê phán thói hư tật xấu...
Theo lời kể của các nghệ nhân, trước đây, hầu như mỗi phum sóc đều có người biết hát Chầm riêng Chà pây. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập hiện nay, với cơ chế kinh tế thị trường, sự mở cửa giao lưu với các nền văn hóa phương Tây đã làm cho âm nhạc dân gian, cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc ngày càng mờ nhạt và có nhiều nguy cơ mai một, Chầm riêng Chà pây cũng không ngoại lệ. Số người biết đàn hát Chầm riêng Chà pây ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại vài người. Điều đáng nói là hầu hết các nghệ nhân này đều đã cao tuổi, nhưng thế hệ kế thừa thì rất hiếm hoi. Tỉnh Trà Vinh hiện chỉ còn 01 nghệ nhân, vì thế vấn đề tìm các giải pháp để bảo tồn và phát triển loại hình này là một thách thức đối với những người làm công tác văn hóa.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật Chầm riêng Chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa qua là ghi nhận xứng đáng về giá trị của loại hình nghệ thuật này, đáp ứng được lòng mong mỏi và nguyện vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là của các nghệ nhân Chầm riêng Chà pây trong việc gìn giữ một di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer. Trước mắt, cần đầu tư kinh phí tuyển chọn những người có năng khiếu tổ chức các lớp học để nghệ nhân truyền dạy lại cho lớp trẻ kế thừa. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát Chầm riêng Chà pây để động viên tinh thần nghệ nhân, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản...
Với sự công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bộ VHTTDL, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng, từ đó sẽ có thêm những cơ hội để bảo tồn và phát triển lại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này.
Trần Hồng Chinh