Nghệ nhân dân gian Nguyễn Yết Niêm - Người nặng lòng với dân ca xứ Nghệ

Về huyện Quỳnh Lưu trong dịp làm hồ sơ phong tặng nghệ nhân dân gian chúng tôi đến thăm nhà bác Nguyễn Yết Niêm ở xóm 10 xã Quỳnh Hậu. Khác với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một người làm nông nghiệp như bác bởi nghề nông lúc nào cũng chân lấm tay bùn, bận rộn tối ngày, người già trước tuổi. Nhưng chúng tôi ai nấy đều ngạc nhiên bởi ra đón chúng tôi là một người hoàn toàn khác, một người đàn ông vui vẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát, có giọng nói chắc khỏe, ấm áp, trông bác trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 65 của mình. Tôi nghĩ, được như thế chắc cũng do bác có tâm hồn yêu văn nghệ đặc biệt với dân ca Ví, Giặm. Bác niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Bên bát nước chè xanh thơm nóng bỏng, trong không khí rộn ràng vui vẻ chúng tôi được bác kể cho nghe về cái nghiệp mê ca hát của mình.

Sinh ra ở vùng đất Bèo Hậu huyện Quỳnh Lưu, vùng chiêm trũng lắm khoai nhiều lúa, nơi đây quanh năm ruộng đồng xanh tốt, người dân vất vả cực nhọc, lam lũ trên đồng dưới ruộng nhưng tinh thần họ lúc nào cũng vui tươi, lạc quan, yêu đời. Ngày thì gặt hái, cày bừa, lúc nào cũng con trâu đi trước cái cày theo sau, thế mà tối về đã thấy các bà, các mẹ gọi nhau hát phường, hát hội râm ran khắp xóm. Từ nhỏ Bác Niêm thường được nghe mẹ hát, mẹ kể cho nghe những đêm hát  Ví, Giặm giao duyên của các nghệ nhân trong làng vào những đêm trăng sáng trước sân nhà, sân đình... Rồi cái thuở lên chín lên mười bác hay được mẹ cho đi nghe hát phường Vải Bèo Hậu. Thời ấy ở Bèo Hậu phong trào hát phường Vải cũng diễn ra sôi nổi lắm. Mẹ thì tham gia cuộc hát còn bác đứng ngoài nghe, và bác nghe một cách rất say sưa.Tuy còn nhỏ tuổi và chưa hiểu gì về hát phường Vải nhưng mỗi lần được mẹ cho đi nghe như vậy bác rất vui và thích lắm, có lần nghe quên cả đường về, nghe mãi tới khuya gà đã gáy nửa đêm hai mẹ con mới cõng nhau ra về, con đã ngủ gà ngủ gật trên lưng mẹ. Có hôm bố phải cất công lặn lội đi tìm hai mẹ con. Những năm tháng tuổi thơ, ngoài những buổi học ở trường Bác thường hay theo đám bạn bè đi chăn trâu cắt cỏ, được nghe các cô, các chú cày thuê cuốc mướn trên đồng ruộng vừa làm vừa hát hò đối đáp với nhau những câu hò điệu ví để biểu lộ tâm tình với nhau, như: Người ơ ơi! Rồi mùa toóc rả rơm khô, bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm; rồi được nghe các anh, các chị đang gặt hái hát ghẹo đùa nhau những câu rất hóm hỉnh, như: Ngó lên trời bạc mây hồng, thương em hỏi thật có chồng hay chưa?, Có những lần bác theo đám trẻ mục đồng cùng hát những bài đồng dao, những bài vè, những câu ca rất xúc động, nghe ra thật ai oán não nề, như: Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai... Vào những dịp rảnh rỗi nông nhàn, bác thường theo bà theo mẹ và người dân trong làng đi kiếm củi xa nhà, trên rú thuộc các xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Tam, Quỳnh Châu,... xa chừng vài chục km. Mỗi lần đi củi ở các xã này phải đi qua một con dốc khá cao, có tên là Truông Ách. Mỗi lần leo qua được truông rồi họ ngồi giải lao, hò hát với nhau cho quên mệt nhọc vừa để tinh thần thêm vui vẻ, họ thường hát câu: Trèo truông mới biết truông cao, có đi đò dọc mới ước ao sông dài. Sau đó họ lại tiếp tục đi, vừa đi vừa hát để xua tan nỗi mệt nhọc, biến mỗi cuộc đi là những cuộc vui. Đến lúc củi kiếm được đã nặng trĩu hai vai, đầy hai đầu đòn xóc, họ rủ nhau ra về. Củi họ kiếm được chủ yếu là cành thông và lá thông khô, dân quê bác gọi chúng là bổi thông, thứ củi này nấu cháy ngùn ngụt lửa bốc lên tận nắp vung. Với những kỷ niệm tuổi thơ như vậy đã in dấu trong tâm hồn bác để rồi vận vào bác cái tình yêu dân ca từ thuở nào không hay, nó ngấm vào máu thịt, như là số phận, là cái nghiệp theo bác đến mãi bây giờ.  

Bác Nguyễn Yết Niêm – Đội trưởng đội văn nghệ của 3 xã Quỳ Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch đang hướng dẫn các bé tập hát

Suốt quãng thời gian của tuổi học trò, bác là cây văn nghệ nổi bật của nhà trường, phong trào văn nghệ nào bác cũng tham gia, luôn đi đầu và đem nhiều giải thưởng về cho trường cho lớp. Mỗi lần có đoàn văn công dân ca về xã nhà biểu diễn là bác đều xin mẹ đi xem bằng được, có những lần đoàn văn công không về xã nhà biểu diễn mà về xã khác cách nhà bác chừng dăm cây số nhưng bác vẫn lặn lội cả trời mưa để đến xem. Bố bác thấy con đam mê ca hát như vậy cũng động viên và cổ vũ, ông nghĩ thầm chắc nó lại có gen yêu ca hát như mẹ nó khi xưa. Điều bố bác nghĩ đã thành hiện thực. Lớn lên, khi thôi học, bác Niêm tham gia vào phong trào văn nghệ ở địa phương, ở đó bác đã được các thầy cô giáo dìu dắt, hướng dẫn tận tình, như được Nhà giáo Phan Hưng - nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu truyền dạy cho hát dân ca từ những năm 1967 đến 1972, được cô giáo Lê Vinh - Giáo viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An truyền dạy. Qua các chương trình tập huấn của Đoàn Dân ca Nghệ An, các phương tiện thông tin đại chúng như các chương trình trên sóng phát thanh truyền hình, sách báo,... cộng với lòng đam mê ca hát, bản thân luôn phấn đấu, học hỏi, bác Niêm đã tích lũy được cho mình vốn dân ca sâu rộng, bao gồm cả những làn điệu dân ca cổ, những làn điệu cải biên, và ca khúc phát triển. Bác Niêm thuộc và hát được nhiều thể loại dân ca, như Ví phường Vải, Ví phường Vàng, Ví đò đưa, Ví đò đưa nước ngược, Ví đò đưa sông La, Ví đò đưa chuyển phường Vải, Ví ngắn; Giặm vè, Giặm nối, Giặm kể, Giặm cửa quyền, Giặm Đức Sơn; hò Nghệ, hò khoan đi đường, hò củi cỏ, hò sông nước, hò đầm đất đắp đê; Ví giận thương, Ví chuyển điệu, Điệu hò hốt, Điệu con cóc, Hát khuyên, Lời nguyền, Tứ hoa, Lập lờ,... ở thể loại nào Bác cũng hiểu biết cặn kẽ về nó.

Nhắc tới bác Niêm là nhắc tới một con người có quá trình hoạt động dân ca không mệt mỏi trải suốt cả quá trình dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến mãi hôm nay. Con người ấy đi liền với cái tên Hồng Sơn - đó là Câu lạc bộ Dân ca của 3 xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch huyện Quỳnh Lưu. Câu lạc bộ này tiền thân từ 3 đội văn nghệ quần chúng của 3 xã, có bề dày truyền thống qua mấy chục năm, hình thành và phát triển qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Bác nhiệt tình, hăng say đi đầu trong mọi phong trào của Câu lạc bộ, vận động bà con, anh em tham gia sinh hoạt thường xuyên, đều đặn. Bác luôn mày mò, tìm kiếm phương thức tốt nhất để đưa Câu lạc bộ Dân ca Hồng Sơn có những bước tiến mới.. Bác tâm sự với chúng tôi giờ nghĩ lại những ngày tháng đi khắp 3 xã để vận động bà con tham gia sinh hoạt mà thấy sợ, cứ tưởng mình không làm nổi, có hôm thì trời mưa, hôm thì gió Lào nắng nóng, hôm thì trời lạnh giá buốt tận xương,... thế nhưng bác vẫn một xe đạp miệt mài đi khắp 3 xã để vận động từng người một. Nhờ tinh thần nhiệt tình, hăng say đó mà Câu lạc bộ Hồng Sơn được như ngày hôm nay. Câu lạc bộ không chỉ có những thành viên xuất sắc mà còn có cả một dàn nhạc dân tộc đầy đủ, tốt nhất hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, trong đó người nhạc trưởng chính là bác. Ở địa phương có lễ hiếu, hỉ nào là Câu lạc bộ đều phục vụ tận tình, chu đáo. Và Câu lạc bộ đã tự sống được nhờ thu nhập từ những việc làm như vậy. Có thể gọi đó là một đoàn văn công nhỏ. Khởi nguồn là đội văn nghệ xã nay đã trở thành câu lạc bộ dân ca điển hình tiêu biểu, đạt mô hình cấp tỉnh. 

Từng là Đội trưởng Đội văn nghệ hát dân ca xã Quỳnh Hậu (từ 1967 - 1975 và 1982 - 1987), là Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa nghệ thuật Hồng Sơn huyện Quỳnh Lưu (từ 1967 - 1981). Với những chức trách đó bác luôn năng nổ, gây dựng được phong trào hoạt động văn nghệ sôi nổi khắp xã nhà, từ việc tận tình bày dạy cho các cháu nhỏ, các thầy cô giáo ở nhà trường phổ thông biết hát làn điệu dân ca đến việc dạy các anh chị trong thôn xóm và các thành viên câu lạc bộ cách hát từng làn điệu thế nào cho đúng kỹ thuật. Ở cương vị nào bác cũng lao động nghiêm túc và cống hiến hết mình. Trong quá trình hoạt động xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, bác vừa trực tiếp lãnh đạo, xây dựng đội văn nghệ dân ca vừa kết hợp sáng tác, viết bài, áp dụng những làn điệu học được từ những nghệ nhân, nghệ sỹ để truyền dạy lại cho anh chị em diễn viên qua các thời kỳ. Từ 1970 đến nay bác đã truyền dạy được cho nhiều thế hệ, trong đó phải kể đến các chị Hồ Thị Ngọ, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thủy, Đậu Thị Hương, Đặng Thị Xoan, Nguyễn Thị Tính, anh Nguyễn Ngọc Chiến và nhiều người nữa bác không nhớ hết. Ở tuổi 65 của mình - cái tuổi đã thành ông thành bà nhưng bác vẫn luôn tự nhắc mình hễ còn sức khỏe thì sẽ còn bày dạy dân ca cho các cháu miễn sao thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết yêu quý dân ca và biết  gìn giữ phát huy chúng. Bác luôn tâm niệm một điều là phải làm gì đó để thế hệ sau biết và yêu thích những làn điệu dân ca như thế hệ cha ông.

Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Hồng Sơn từ năm 2000 đến nay bác luôn đi tìm những người biết hát và hát hay, biết kéo nhị, thổi sáo, đánh trống, đánh đàn,…ở khắp 3 xã, vận động họ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, đến bây giờ Câu lạc bộ đã thu hút được hơn 30 thành viên, họ đều là những người có năng khiếu văn nghệ. Dưới sự dẫn dắt của bác Câu lạc bộ được tập luyện thường xuyên, đều đặn hàng tuần, hàng tháng. Bác còn đề ra nội quy, quy chế cho Câu lạc bộ hoạt động. Bác đề ra mục tiêu cứ mỗi tháng câu lạc bộ phải tập được một chương trình mới để biểu diễn phục vụ các sự kiện trong xã trong huyện như ngày lễ 30-4, 1-5, 2-9, tết Trung thu, tết thiếu nhi... Không phụ công của bác, Câu lạc bộ Dân ca Hồng Sơn đã tham dự 3 đợt Liên hoan Câu lạc bộ Dân ca xứ Nghệ và đạt 1 giải đặc biệt cho dàn nhạc dân tộc, 4 giải A và 4 giải B cá nhân, 2 giải Nhì và một giải 3 tập thể. Bác không chỉ truyền dạy cho các nghệ nhân trong Câu lạc bộ mà còn vận động họ tham gia các hoạt động văn hoá địa phương để góp phần bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Với những đóng góp của mình trải suốt chặng đường từ tuổi trẻ đến nay, bác xứng đáng được trao tặng nhiều giải thưởng của địa phương cũng như của tỉnh và Nhà nước. Đó là Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Thủ tướng Chính phủ trao tặng, Bằng khen về thành tích hoạt động xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng, Kỷ niệm chương người có thành tích, công lao xây dựng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng, được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An tặng Giấy khen người có thành tích xây dựng phong trào đàn hát dân ca, được UBND huyện Quỳnh Lưu tặng Giấy khen về thành tích xây dựng hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở... Với danh hiệu Nghệ nhân Dân gian hát dân ca Ví , Giặm được trao tặng năm 2013 này thực sự là nguồn động viên, khích lệ để bác tiếp tục niềm đam mê ca hát của mình và với sự cống hiến không mệt mỏi bác sẽ tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ con cháu mai sau.

Rời mảnh đất Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu ai ai trong chúng tôi cũng thấy có một niềm vui nào đó đang nhen nhóm trong mình, phải chăng vì chúng tôi mới được gặp một người như bác Niêm, một con người luôn trăn trở với sự sống còn của dân ca  Ví, Giặm luôn đau đáu một tình yêu với dân ca và nguyện sống hết mình cho dân ca xứ Nghệ. Chúng tôi không ai nói ra nhưng tôi biết ai cũng tin rằng dân ca xứ Nghệ sẽ trường tồn mãi cùng sự trường tồn của dân tộc khi cuộc sống này vẫn còn có những con người như bác Niêm.

ThS Nguyễn Hồng Hà