Nghệ nhân dân gian Nguyễn Nghĩa Hợi - Người lưu truyền Ví, Giặm trên miền Tây Nghệ An

Diễn Minh - Diễn Châu Nghệ An là vùng quê có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi đây có lèn Hố Lĩnh, chùa Cổ Am nằm trong Quần thể di tích lịch sử văn hóa lèn Hai Vai. Là vùng đất văn vật có những con người đã để lại nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật như nhà văn Trần Hữu Thung, Võ Văn Trực, Võ Thị Hảo, Nguyễn Trung Giáp, Nguyễn Trung Đính, …là xứ nổi tiếng với những hát Ví, hát Giặm và đặc biệt có hai làn điệu cải biên “Giận thương” của Nguyễn Trung Phong và làn điệu “Tứ hoa” của NSƯT Đình Bảo đã ăn sâu vào tiềm thức người nghe mà rất nhiều người nhầm tưởng đó là dân ca.

Nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi sinh ra và lớn lên trong cái nôi đầy ắp hát dân ca vì thế nên dân ca đã ăn sâu trong máu thịt ông. Trước hết từ người mẹ rất ham thích thơ ca. Trong sinh hoạt hàng ngày bà thường răn dạy con cái bằng thơ, nói lái, nói vần, bà thuộc hầu hết các bài vè của các cụ Cờn, cụ Tú Vệ, cụ Châu… viết về các sự việc, sự kiện xảy ra trong xã như bài vè “Rước tượng”, “Đào giếng”, bài vè “Đắp đường”… Bà thường hát ru con cháu bằng Ví, Giặm, trong lao động thì hát đối đáp rất vui vẻ. Lớn lên chút nữa ông đi bò, hái củi trên lèn lại được nghe các cô, các bác cấy gặt dưới đồng hát với lên với những người hái củi trên lèn. Ví như câu hát của bà Cu Em đứng trên lèn hát xuống: “Công em trồng chuối ba bàu - Lá thì ai rọc bỏ tàu bơ vơ” nói lên tâm trạng lúc đó của bà bởi bà nghi ngờ chồng đi theo người khác. Tiếng hát bay bổng, vang vọng vào không trung nghe ai oán, não nề, buồn nản như nỗi niềm của bà vậy. Hôm khác ông lại bắt gặp một bé gái cỡ chừng 9, 10 tuổi cha chết, mẹ đi lấy chồng, đang ngồi nhún trên cây bập bênh mà hát rằng: ”Con ngồi trên cây phập phồng - Mẹ đi lấy chồng có nhớ con không?”, tất cả những hình ảnh đó, những câu hát đó mỗi khi nhớ lại ông vô cùng xúc động.

Quê ông thường phải đi lấy củi trên rú ở huyện Yên Thành, xa hơn 10km, khoảng nửa đêm thì nghe tiếng tù và rúc lên từ nhà ông chủ phường Củi, phường Cỏ thức mọi người dậy nấu cơm ăn để đi. Các bà, các chị thường hát câu: “Nửa đêm nghe tiếng tù và - Cơm sôi gạn nước để mà theo anh”. Sau đó mọi người tập trung đông đủ đầu làng, trên vai vác đòn xóc, có liềm, chạc và một mo cơm vắt đầu đòn xóc, theo tiếng tù và nối đuôi nhau tiến lên núi. Đến lúc về, trên vai ai nấy đều nặng trĩu, họ lại theo tiếng tù và trở về làng. Mặc cho đường xa gánh nặng, họ thay nhau hò, hát Giặm, hát Ví, hát đối đáp liên tục dường như không bao giờ dứt để xua tan nỗi mệt nhọc trong lao động, biến mỗi cuộc đi là những cuộc vui. Sự quyến rũ của Ví phường Củi, phường Cỏ ở quê ông bởi tính chất lao động, thường xuyên có những buổi gặp gỡ giữa nam và nữ, do đó những cuộc sinh hoạt được tổ chức liên tục dưới nhiều hình thức linh hoạt. Vừa làm (hay vừa đi) vừa hát những câu cũ, mới, người này nối tiếp người kia, hoặc hát vào lúc cả đoàn đang gánh củi, gánh cỏ về nghỉ lại dọc đường, hay hát vào ban đêm tại làng các cô gái sau khi đi củi về. Với tính chất tự phát, tranh thủ, những nam nữ thanh niên mới lớn lên xem những cuộc hát này là những cơ hội luyện tập để đến quãng tháng Chạp cho đến Giêng, Hai Âm lịch người ta lên rừng kiếm củi đồng thời được dự vào những cuộc hát Ví, Giặm rôm rả. Qua đó mà hàng trăm bài thơ, câu hát Ví, hát Giặm, câu vè chứa đầy tâm trạng, hút hồn người nghe ra đời được người dân chắp cánh bay xa, ví như bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung cũng mang dáng dấp của giặm vè.

Nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi trong buổi lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Bên cạnh đó ông may mắn được sống gần gũi các anh Trần Hữu Thung, anh Nguyễn Trung Phong, anh Lương Duyên, anh Nguyễn Trung Giáp và NSƯT Đình Bảo… Vì thế, ông đã học tập, tiếp thu được rất nhiều làn điệu như: Ví phường Vải, Ví đồng ruộng, Ví trèo non, Ví đò đưa,… các làn điệu: Giặm Nối, Giặm Vè, Giặm Đức Sơn, Giặm Ru, Giặm xẩm, Giặm Cửa quyền,…

Năm 1975, ông lên định cư tại xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn miền Tây Nghệ An. Nơi đây là một vùng miền núi hoang vu với các tộc người thiểu số sinh sống như người Thổ, người Thanh (Thái đen)… Mặc dù nơi ở mới đầy sự khó khăn vất vả, với tinh thần của người con Dân ca Ví, Giặm, ông luôn trăn trở làm sao để những làn điệu dân ca quê mình được vang lên bên cạnh các điệu “Nhuôn”, điệu “Xuối”... Chính vì vậy, ông thường xuyên truyền dạy cho con cháu mình, cho hàng xóm, kích thích sự ham muốn yêu thích và hát dân ca của những người trong vùng một cách tự phát. Cho đến năm 1999, ông cùng với một số người yêu thích văn nghệ đề nghị xóm thành lập Câu lạc bộ dân ca Nghệ An. Được xóm chấp nhận, ông làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Ông say sưa sưu tầm các làn điệu lời cổ, viết lời mới, dàn dựng chương trình mỗi năm ít nhất một lần biểu diễn để tự phục vụ bà con trong xóm, trong xã xem. Hơn thế nữa, ông còn tham gia mở rộng ra những xóm, xã lân cận, gây dựng phong trào cho cả một vùng mới lên khai hoang thời bấy giờ. Năm 2000, ông cùng đoàn văn nghệ của Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Nghĩa Đàn đi liên hoan văn nghệ của tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2010, xã Nghĩa Hội thành lập Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Ví, Giặm, ông được bầu  làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Sau khi thành lập ông phải đi tìm những người biết kéo nhị, thổi sáo, đánh trống, hát hay ở các xã, bản…vận động họ tham gia vào Câu lạc bộ. Đến bây giờ đã thu hút được gần 40 hội viên Câu lạc bộ xã làm hạt nhân truyền dạy dân ca Ví, Giặm thường xuyên trên 20 xóm, bản trong xã. Thời gian đầu, Câu lạc bộ tập liên tục, hàng ngày, hàng tuần. Bây giờ Câu lạc bộ có quy chế là cứ vào ngày 15 hàng tháng tập trung để tập hát và giao lưu những làn điệu mới cũ. Sau một năm hoạt động, các hội viên Câu lạc bộ đã hát được nhiều làn điệu, có nhiều người hát hay như chị Thể, chị Nghi, chị Huệ, chị Tuyết, anh Vị… Hàng năm, đến ngày 2-9, xã lại tổ chức thi văn nghệ, 20 xã, thôn đều có tiết mục dân ca dự thi. Không phụ công của ông, Câu lạc bộ dân ca Nghĩa Hội đã tham dự 2 đợt liên hoan Câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ cấp tỉnh và đã đạt 3 giải A cá nhân, 01 giải 3 và 02 giải khuyến khích tập thể.

Niềm vui của nghệ nhân Nghĩa Hợi khi Ví, Giặm được sự quan tâm của rất nhiều người

Bản thân ông được UBND huyện Nghĩa Đàn tặng Giấy khen về Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm năm 2012, 2013.

Câu lạc bộ được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích hoạt động Câu lạc bộdân ca Ví, Giặm năm 2012, 2013.

Với tất cả những đóng góp của ông cho giá trị lưu truyền Di sản phi vật thể Ví, Giặm xứ Nghệ, tháng 8 năm 2013, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho ông, ông thật xứng danh là “Người đi khai phá, mở mang một vùng dân ca Ví, Giặm trên miền Tây Nghệ An”.

Nếu có dịp, mời bạn ghé thăm Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn sẽ thấy đời sống tinh thần văn nghệ thể thao phát triển mạnh mẽ. Những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm sâu trong mỗi người dân nơi đây. Hàng ngày ,trên loa đài của 20 xóm, bản đều vang lên tiếng hát dân ca thật rộn ràng. Hy vọng rằng, một ngày nào đó bạn và tôi sẽ được đón nhận nhiều tình cảm yêu mến không những của người xứ Nghệ mà còn trên khắp mọi miền tổ quốc bởi dân ca xứ Nghệ là niềm tự hào, là cốt cách, là văn hóa của chúng ta.

Ngô Thục Khuyên