Nghề làm hương ở Kiền Bái

Xưa, những ai từng đến xã Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên), ngoài cảm giác yên bình, thư thái của làng quê, còn dễ bị mê mẩn bởi mùi thơm nhè nhẹ của hương trầm len lỏi giữa một làng nghề truyền thống lâu đời. Nay, ấn tượng đầu tiên khi đến đây là con đường làng chìm trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Không còn nức lên mùi thơm ngào ngạt của hương thơm Kiền Bái, cũng không thấy những cơ sở sản xuất hương mà thương hiệu đã từng được khẳng định. Liệu làng nghề làm hương này đã mai một?

Mùi thơm độc đáo hương Kiền Bái

Nghề làm hương ở Kiền Bái có từ rất lâu và được lưu truyền đến ngày nay. Nghề làm hương, nếu nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ rằng mình có thể làm được. Nhưng khi bắt tay vào thì thấy đây không phải là một công việc dễ dàng. Vậy nhưng ở làng có những người đã gắn bó với nghề đến mấy đời.

Sản xuất hương thơm ở Kiền Bái có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là hương se. Mỗi nén hương mỏng manh nhưng để làm ra cũng là cả một nghệ thuật. Hương se ra đời sau khi trộn bột hương được xay nhuyễn từ nhiều loại hương liệu, gồm các nguyên liệu: bột hương bài, thúy quế và hoa hồi. Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng của hương chính là hương liệu. Tuy nhiên, mỗi nhà lại có bí quyết pha trộn hương liệu riêng không thể lộ ra bên ngoài. Phối trộn nguyên liệu xong đến khâu se hương. Khâu này yêu cầu người làm phải thực hiện động tác nhanh, gọn mới làm ra được những nén hương đồng đều về kích cỡ. Thân hương nhẵn, khô, độ kết dính cao là đạt yêu cầu. Khi làm xong sẽ đến công đoạn phơi. Hương được phơi trên các nong tre hoặc dựng trực tiếp xuống nền đất. Nếu hương đóng vào bao tải mang đi tiêu thụ chỉ cần phơi 4 nắng là đủ, nhưng nếu cho vào túi nilon thì phải phơi đến 5 nắng cho hương khô kiệt, như vậy mới không bị mốc. Tất cả các công đoạn đều được làm một cách cẩn thận, chu đáo.

Cách làm đơn giản là vậy nhưng để nén hương thắp lên, có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là chân hương. Đó phải được làm bằng loại tre, nứa ngâm được trẻ nhỏ, đều tăm tắp, có vậy mới dễ cháy. Tiếp đến là bột hương được nghiền từ cây hương bài. Hầu hết các hộ sản xuất hương ở Kiền Bái đều phải đến tận các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… thu mua rồi đem về phơi khô, nghiền nhỏ. Ngoài ra, mỗi que hương thường có thêm thành phần nhất định từ nhiều loại dược liệu khác nhau như đại hoàng, mộc hương,cam thảo, đinh hương… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định.

Ở xã Kiền Bái ngày nay, cùng với việc làm hương theo phương pháp truyền thống, một số gia đình sử dụng máy móc vào sản xuất.

Làng nghề mai một

Xã Kiền Bái khác với những nơi khác, chỉ có duy nhất 1 làng văn hóa nên rất tập trung cho việc thờ cúng. Xã có đình làng, chùa và Từ phủ là địa danh di tích lịch sử kháng chiến đã được công nhận. Bởi vậy việc thờ cúng tín ngưỡng tâm linh ở đây rất được chú trọng, cần sử dụng nhiều hương.

Tuy nhiên, hương Kiền Bái chưa kịp khẳng định dấu ấn trong lòng người tiêu dùng thì hiện giờ đã phải đối mặt với những nguy cơ đánh mất hoàn toàn nghề làm hương đã được gìn giữ bao năm nay. Cách đây vài năm, hương không đủ chỗ phơi phải tràn ra cả đường, hàng chục nhân công lành nghề thoăn thoắn làm việc. Thời kì thịnh vượng ấy qua không lâu thì hương Kiến Bái đã nhanh chóng rơi vào tình trạng suy yếu bởi những tác động tiêu cực của nền kinh tế. Giá nguyên liệu đầu vào, giá hương liệu ngày càng cao, chưa tính tiền thuê nhân công, tiền bao bì, rồi các khoản phát sinh khác, nên nhiều người không trụ được với nghề. Hơn nữa, là môi trường làm việc không bảo đảm, phải tiếp xúc với hương liệu nghiền nhỏ, khi trộn bụi bay tứ tung, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Công việc vất vả nhưng thu nhập từ làm hương chỉ ở mức ổn định so với mức sống ở nông thôn. Thứ nữa, do thị trường tiêu thụ hẹp dần nên các hộ chỉ sản xuất cầm chừng, bán đến đâu làm đến đó. Mặc dù thời gian bảo quản của hương từ 3-5 tháng, nhưng các gia đình chỉ dự trữ lượng hương nhỏ trong nhà. Vì hương chỉ bán chạy vào ngày rằm, mồng một và các ngày lễ, Tết, nên các hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ làm túc tắc, tranh thủ thời gian rảnh. Đó là chưa kể đến phải cạnh tranh giá thành với sản phẩm ở các tỉnh khác đến, đa dạng hơn về chủng loại khiến làng hương truyền thống đang đứng trước nguy cơ “xuống dốc không phanh”.

Nghề làm hương cũng rất nhiều vất vả, phải những người có tâm với nghề mới gắn bó được lâu dài. Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, i vọng tết năm nay sẽ đem đến sức sống mới cho những người dân nhiệt huyết với nghề. Không chỉ cần sự nỗ lực, quyết tâm, người dân đang cần sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, giúp họ duy trì và mưu sinh bằng nghề truyền thống.

Thanh Lương

Top