Nghề làm bút lông ở làng Bạch Liên
Năm Kiến An thứ 15, Tôn Quyền từ nước Ngô sai Bộ Chất sang làm Thứ sử Giao Châu (địa phận phía Bắc và vùng Đồng bằng Bắc Bộ ngày nay) và vị “Nam Vang Học Tổ” tức là Sĩ Nhiếp làm Vệ tướng quân phong long biên hầu. Sĩ Nhiếp sau lại làm Thái thú Giao Chỉ, đến năm 226 thì mất. Sở dĩ Sĩ Nhiếp được người đời phong làm “Nam Vang Học Tổ” (Tổ sư nghề học nước Nam), vì dưới thời trị vì ở ngôi Thái thú, ông đã đem chữ Hán cho người dân nói chung và quan lại nói riêng. Từ đó, người dân Giao Chỉ bắt đầu có chữ để dùng làm văn tự, ghi chép lịch sử, giao dịch thông văn... Bởi thế mà nghề làm bút lông để viết chữ Hán ra đời đáp ứng nhu cầu học, viết của cộng đồng dân cư và các nho sinh quan lại... Với làng Bạch Liên, không rõ nghề làm bút lông có tự bao giờ, nhưng nếu căn cứ vào dã sử xung quanh nhân vật “Nam Vang Học Tổ” Sĩ Nhiếp thì nghề làm bút lông phải có ở nước ta từ khoảng hai nghìn năm trước. Ở làng Bạch Liên hiện nay còn có nhà thờ Tổ sư nghề bút và một số di vật, di tích có liên quan đến nghề.
Một là, quán mèo, quán nằm ở phía Nam làng, nơi đây xa là nơi mua bán mèo. Hàng tháng, chợ mèo chỉ họp vào các ngày 3, 7, 13, 18, 23, 28. Mèo từ các nơi đem về đây bán cho làng nghề, lấy lông làm bút. Quán mèo xưa không còn nguyên kiến trúc mà bị đổ nát cùng với việc thất truyền nghề làm bút. Nhưng trên nền móng cũ vẫn còn và dân làng xây dựng lại để làm nhà tiếp linh cho nghĩa trang. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, bút lông phải làm bằng lông dọc sống lưng và lông đuôi của con mèo, thêm bẹ chuối tươi ngâm nát lấy xơ, do đó mà xuất hiện chợ mèo ở đây.
Những chiếc bút lông phục vụ cho viết viết thư pháp (Ảnh: TL)
Hai là, ngôi nhà thờ Tổ sư nghề làm bút, ngôi nhà thờ Tổ mới được trùng tu dựa trên nền móng cũ. Trong nhà thờ còn giữ được một số đồ tự khí cổ rất có giá trị giúp ta có những tư liệu về lịch sử phát triển của nghề làm bút lông. Một khám thờ cổ, trong đó có treo một bức chân dung Tổ sư, vẽ bằng sơn ta theo lối sơn thếp, chân dung đã bị lở sơn nhiều chỗ nhưng vẫn nhìn rõ khuôn mặt trang phục của Tổ sư. Từ bức tranh chân dung này, dân làng đã tạo tác nên pho tượng Ngài và để thờ ở gian chính điện. Bức đại từ treo ngay phía trên ngang xà gian giữa có ba chữ Hán “Bạch Bút tự” nghĩa là nhà thờ nghề bút làng Bạch. Hai câu đối của hai vùng chợ xa có tiêu thụ bút của làng Bạch Liên tiến cúng nhà thờ, một câu của tỉnh Nam Định, một câu của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, câu đối của tỉnh Bắc Ninh ghi:
Tử nhi bất cực bách niên cố trạch thụ thân từ
Mê chi vụ minh nhất bút truyền tâm chân diệu thư.
Dịch là:
Chết mà không phai, trăm năm vẫn giữ gìn ngôi đền tốt hơn
Mê muội mà vẫn giữ được ngòi bút là người rất giỏi.
Tương truyền, việc bán bút ở hai vùng chợ này rất độc đáo. Người bán bút ngồi trong một chiếc chòi cao, che kín không nhìn thấy người. Khách mua đứng ở dưới nói vọng lên loại bút cần mua, người bán thả dây đeo một cái thúng nhỏ, đựng bút trong đó, người mua cầm bút rồi bỏ tiền vào thúng, người bán kéo lên. Cứ thế người bán, người mua không bao giờ biết mặt nhau.
(Ảnh: TL)
Chỉ có hai vùng bán bút của làng Bạch là Bắc Ninh và Nam Định. Có lẽ vì đây là vùng có nhiều nho sinh nên lượng bút lông mới tiêu thụ được. Bắc Ninh là vùng Kinh Bắc có Trường Luy Lâu, Nam Định có Trường thi trấn Sơn Nam.
Sau này, khi chữ Quốc ngữ được thay thế chữ Hán, người Pháp phổ biến bút sắt cho hợp với chữ Quốc ngữ làm cho nghề bút lông ở làng Bạch bị mai một và ngày nay coi như bị thất truyền.
Người dùng bút lông còn ít không đáng kể nên chủ yếu mua bút từ Trung Quốc.
Với những di vật, di tích về nghề bút của làng Bạch Liên còn lại hôm nay đã cho chúng ta biết về một nghề độc đáo, duy nhất ở nước ta, nghề có liên quan trực tiếp đến sự học và thành đạt của biết bao danh sĩ nho học ngày xưa. Và hào quang phát triển một thời của cây bút lông. Cây bút lông làng Bạch góp phần tạo nên biết bao hiền tài cho đất nước mà sử sách giờ đây vẫn rạng ngời văn hiến.
Nguyễn Nguyên Hoài