Nghề dệt chiếu ở Long An

Nghề dệt chiếu lác (cói) đã gắn liền với quá trình đi khai hoang, mở đất của người Việt ở Long An. Từ thế kỷ XVII, lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đã đến khai cơ lập nghiệp ở vùng đất này, trong hành trang văn hóa của mình, họ mang theo nghề dệt chiếu lác.

Sản phẩm chiếu lác ở Long An được phân biệt với các vùng khác chủ yếu dựa vào kỹ thuật, nguyên liệu, hình thức và chức năng của từng loại. Ngày nay, các cơ sở dệt còn tạo ra rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu lác đạt yếu tố mỹ thuật cao, phong phú về chủng loại và mẫu mã để phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau trong nước và xuất khẩu. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: các loại thảm cói, túi xách, dép cói, nón cói, chiếu du lịch, chiếu nôi, chiếu giường phòng, nệm xe, nệm ghế, gối cói, sọt, khăn chiếu, khay…Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề dệt chiếu lác là một trong những nghề có truyền thống lâu đời của người dân các địa phương ở Long An như Cần Ðước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức… Trong đó, xã Long Ðịnh, huyện Cần Ðước, đã được chọn là địa điểm đại diện trong hồ sơ công nhận nghề dệt chiếu lác ở Long An là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống của gia đình và là di sản cần được bảo tồn. Tháng 12-2014 nghề dệt chiếu lác ở Long An chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ðến với làng nghề Long Ðịnh mới biết, nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống đang được người dân ở đây bảo tồn. Sẽ không lạ gì nếu khi đến đây du khách bắt gặp nhiều gia đình với nhiều thế hệ làm chiếu lác, những nghệ nhân tuổi đã thất thập cổ lai hi vẫn nhanh nhẹn trong từng thao tác làm chiếu.

Ðến với làng nghề Long Ðịnh mới biết, nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống đang được người dân ở đây bảo tồn. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và đan lác thành chiếu. Dệt chiếu có 2 phương pháp cơ bản là dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Trong đó, chiếu hoa gồm 2 loại là dệt hoa và in hoa, nhằm tạo hoa văn, đề tài theo mẫu thiết kế sẵn hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Có thể kể đến một số loại chiếu dệt hoa thông thường như chiếu phệt, chiếu sọc Miên, chiếu hột mè, chiếu lảy…

Sản phẩm chiếu lác ở Long An được phân biệt với các vùng khác chủ yếu dựa vào kỹ thuật, nguyên liệu, hình thức và chức năng của từng loại. Nguyên liệu dệt chiếu truyền thống ở Long An có hai loại cây: lác và đay. Cây lác là nguồn nguyên liệu chính gồm hai loại lác hoang và lác trồng. Với sự phát triển của nghề, năng suất và chất lượng lác hoang không đáp ứng được yêu cầu nên lác hoang đã dần mất đi. Thay vào đó, người dân trồng lác để đáp ứng nguồn nguyên liệu. Cây đay là nguồn nguyên liệu sau cây lác. Ðay được trồng nhiều ở các huyện Ðồng Tháp Mười như Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng.

Lác sau khi thu hoạch được chẻ và phơi. Trước khi dệt, người thợ dệt phải rũ lác, đảo lác và mắc sợi đay tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu cần có hai người: một người ngồi dệt dập khung dạo, một người chuồi sợi ngồi bên cạnh. Ðây là quy trình dệt cơ bản đối với chiếu thông thường. Với từng loại chiếu khác nhau, có những nguyên tắc kỹ thuật, cách thức chuẩn bị nguyên liệu đặc trưng khác nhau.

Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và đan lác thành chiếu. Ảnh: internet

Công cụ dệt chính là chiếc khung dệt, gồm 6 bộ phận liên kết với nhau bằng những đường trân: cọc nêm liên kết với đòn ngang để mắc sợi dọc vào; đòn ngang để căng sợi dọc nối từ đòn ngang bên này luồn qua khung dạo với đòn ngang bên kia; đòn kê được đặt cố định để nâng sợi dọc và khung dạo không chạm đất; khung dạo là bộ phận quan trọng nhất của chiếc khung dệt để thực hiện kỹ thuật dệt chiếu: tạo mặt sợi dọc và chia đôi sợi dọc khi khung dạo ở tư thế sấp, ngửa để thực hiện động tác kỹ thuật đưa sợi ngang vào và nêm chặt sợi ngang; cây chuồi sợi; sợi lác; ghế cho người dệt ngồi. Ngoài ra còn có dụng cụ xơ dầu, làm bằng sợi đay trông tựa như cái chổi nhỏ. Xơ dầu dùng để quét dầu lên sợi đay để khi dệt được trơn, dễ dệt và tránh đứt sợi đay.

Cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh phương pháp dệt chiếu thủ công, nhiều hộ đã chuyển sang dệt chiếu máy để tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất và đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu của thị trường. Các cơ sở dệt còn tạo ra rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu lác đạt yếu tố mỹ thuật cao, phong phú về chủng loại và mẫu mã để phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau trong nước và xuất khẩu. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: các loại thảm cói, túi xách, dép cói, nón cói, chiếu du lịch, chiếu nôi, chiếu giường phòng, nệm xe, nệm ghế, gối cói, sọt, khăn chiếu, khay…

Ngày nay, dù các loại chiếu trúc, chiếu nhựa có mặt đa dạng trên thị trường nhưng chiếu lác truyền thống vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Do vậy, sản phẩm chiếu làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu. 

Làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh giờ không chỉ là một làng nghề mưu sinh bình thường, đây còn là một điểm đến du lịch văn hóa nổi bật mà du khách nên ghé đến thăm khi có dịp đi tour du lịch đến Long An. Ðến để thêm yêu sản phẩm Việt, đến để thêm yêu thương hơn các làng nghề truyền thống Việt Nam, nơi có những người dân tận tụy, đang từng ngày gắn bó với nghề và ra sức bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu năm này.

Thu Hiền

Top