Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh

Từ xa xưa, nón đã hiện diện trong đời sống thường ngày của người Việt Nam, qua nhiều chuyện kể và tiểu thuyết. Chiếc nón lá Việt Nam là một phần cuộc sống của người Việt Nam. Chiếc nón lá chính là biểu tượng của Việt Nam, là đồ vật truyền thống và phổ biến trên khắp mọi miền đất nước.

Nón là người bạn thủy chung của những con người lao động một nắng hai sương. Trên đường xa nắng gắt hay trong những phút nghỉ ngơi khi làm đồng, ngồi bên rặng tre, cô gái có thể dùng nón quạt cho ráo mồ hôi. Trong nghệ thuật, tiết mục múa nón của các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện tính dịu dàng, mềm mại và kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc nón lá ngày trước, ngoài để che nắng che mưa, còn là vật trang sức rất có duyên, mang nét trữ tình thầm kín của người con gái Việt Nam.

Làm nón hay còn gọi là nghề chằm nón. Chằm nón đã xuất hiện từ lâu đời ở Tây Ninh. Ngày nay, có nhiều nơi sản xuất nón lá được gọi là “xóm nón lá” như ở ấp An Phú, An Hòa (Trảng Bàng), “làng nón lá Ninh Sơn” (Thị xã Tây Ninh). Họ làm được tất cả các loại nón: nón Bài Thơ (Huế), nón Bình Định, nón thêu, nón dày, nón thưa, vốn rất nổi tiếng ở miền Trung nhưng ở Tây Ninh không dễ kiếm lá buôn, dây thao, nguyên liệu làm nón Bài Thơ, ngược lại nguồn trúc và lá mật cật lại rất dễ tìm.

Nón lá trông thật giản dị, nhưng để tạo nên chiếc nón lá thì thật công phu và tỉ mỉ. Vật dụng làm nón gồm: lá, chỉ và khung nón. Người dân Tây Ninh chọn loại lá mật cật là nguyên liệu chính để làm nón. Đây là loại nón thông dụng dành cho người lao động và được sản xuất đại trà để bán. Đặc điểm nổi bật của loại nón này là khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác. Nón Tây Ninh từ lâu luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng nên sản xuất làm 3 hạng nón: hạng nón thường, nón dày, nón lỡ.

(Ảnh: internet)

Việc tổ chức làm nón ở Tây Ninh qui mô, khoa học, sản xuất chia ra ba công đoạn để giảm giá thành, như: làm khung tre, lựa lá và chằm nón. Khung nón làm bằng tre, loại tre cật Tây Ninh, khung có hình chóp, kích cỡ bằng chiếc nón. Khung và bộ vành với 16 chiếc vòng lớn nhỏ được chuốt nhỏ nhắn, tròn và khéo, cân xứng, nghệ thuật và nhẹ nhàng.

Nón làm bằng lá mật cật luộc chín, phơi khô và vuốt thẳng. Lá phải chọn lá già, lá mật cật, đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi/sấy và ủ khô sao cho lá còn giữ màu trắng tự nhiên vẫn xanh-trắng mịn màng, không bị ngả màu đen hay vàng. Lá phải cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi lợp, sau khi chằm không bị co bị dúm lại. Lá mật cật dược kết dính đều đặn tỉ mỉ, khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt. Người ta xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm. Vừa chằm vừa gác các nan tre được chuốt nhỏ, đều và trùm lên khuôn để làm sườn nón.

 Giai đoạn cuối cùng là chằm nón bằng những sợi chỉ trong suốt dọc theo nan tre. Chính giữa hai lớp lá được đặt vào các hoa văn, hoặc câu thơ cắt bằng giấy, có khi là hình cầu Tràng Tiền, núi Ngự, Sông Hương...

Hầu hết các phụ nữ ở Ninh Sơn, cũng như ở An Phú, An Hoà đều biết chằm nón. Người thợ nón Tây Ninh mỗi ngày làm ra từ 2 đến 4 cái nón tùy theo hàng. Những chiếc nón ra lò ở đây trông “rất Huế” nhưng không phải Huế, do bàn tay những nghệ nhân Tây Ninh khéo léo, bằng những đường kim mũi chỉ sắc sảo. Ðó là những người thợ nón bước vào nghề từ lúc còn bé 5, 6 tuổi đến già, yêu cái nghề làm nón và cả đời làm nón Huế dầu chưa có một lần bước chân đến Huế.

(Ảnh: internet)

Nón hàng làm nhanh hơn nón dày giá cả nón dày, đắt gấp đôi nón hàng. Nghề chằm nón không giàu nhưng với tiền lời ít ỏi từ công chằm nón đã giúp cho bà con ở đây có cuộc sống thanh đạm. Nón lá vốn là thành phần quan trọng trong trang phục của phụ nữ vùng nông thôn, là nét độc đáo riêng. Dẫu rằng ngày nay phụ nữ có xu hướng theo Âu hoá, nhưng hễ còn người dân ra đồng là còn cần chiếc nón lá.

Bên cạnh một số nghề thủ công truyền thống kể trên, ở Tây Ninh còn có một số nghề khác như: nghề đan lát sản xuất các sản phẩm bằng mây, tre, nứa. Nghề mộc sản xuất các sản phẩm tủ, bàn, sa lon, ghế … Nghề rèn sản xuất các sản phẩm công cụ và các công cụ sinh hoạt gia đình... cho thấy sự đa dạng, phong phú của bức tranh những nghề thủ công truyền thống ở Tây Ninh. Chính những nghề thủ công truyền thống ấy đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Ninh được nâng cao. Ngoài giá trị vật chất, các nghề thủ công còn tạo nên một bản sắc độc đáo cho từng địa phương làm đa dạng hoá nền văn hoá dân tộc Việt Nam.

                                                          Hoài Nam (Tổng hợp)