Ngày Tết viếng Chùa miền Tây

Xuân về, Tết đến, có khi nào bạn nghĩ đến chuyện trút bỏ những ưu tư lo lắng của cuộc đời để viếng chùa ngày Tết, cảm nhận được cảm giác nhẹ nhàng, thư thái để lạc quan hơn về tương lai. Nếu được, xin mời bạn bắt đầu cuộc hành trình.

Trước tiên là chùa Phước Hậu, tọa lạc tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chùa  được xây dựng năm 1894. Năm 1994 chùa Phước Hậu được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia và được xếp vào hạng danh lam của Việt Nam.

Năm 2012, chùa đã cho khởi công xây dựng vườn kinh Phật được tạc trên những tảng đá xanh rất to lớn và nặng nề. Ngoài những tảng đã có trọng lượng hàng tấn trên đó khắc nhiều lời dạy của Phật, chùa Phước Hậu còn đang hoàn thành công trình kiệt tác độc đáo của cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đó là 252 tảng đá xanh có trọng lượng hàng trăm kg, chiều cao 1,2m, chiều ngang 0,8m, chiều dày khoảng 70cm trên có khắc những lời kinh, lời răn của Phật lên trên mặt đá rất công phu, tinh xảo.

Gọi là chùa “Sen nia” hay “sen vua” bởi chùa Phước Kiển (tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) hiện đang tồn tại một loại sen là có hình dáng như những chiếc nia khổng lồ, vào mùa nước nổi đường kính lên đến 4m, có tải trọng xấp xỉ 70kg.

Hòa thượng Thích Huệ Từ, Trụ trì chùa đã 56 năm, kể lại “…Đến nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc loại  sen kỳ lạ này nhưng tựu trung đều khẳng định chúng có xuất xứ từ Nam Mỹ…” 

Chùa Phước Hậu, tọa lạc tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.(Ảnh: TL)

Chùa Phước Kiển được xây dựng vào năm 1847, đến năm 1962 chùa mới được trùng tu. Điều kỳ lạ là hoa sen rất to, nở nhiều lần trong ngày và biến đổi màu sắc đẹp khác nhau. Cụ thể là màu trắng, hồng, tím tái. Khi nở nhiệt độ tăng rất cao, nhiều người dân xung quanh tranh thủ mang trà đến cạnh hoa sen lúc nở để hút lấy mùi thơm rất dịu. Hoa sen nở 3 ngày rồi mới tàn. Hạt sen được gieo mầm khoảng 4 đến 6 tháng sẽ tiếp tục ra hoa.

Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là một di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia rất nổi tiếng. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi. Chuyện kể rằng: năm 1912, khi Pháp huy động nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bốt thì phát hiện tượng phật bốn tay cao trên 1,7m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2m. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng Phật ấy. Hôm sau, Hòa thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gổ về chùa. Cho là ý trời nên chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.

Chùa Phước Kiển tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TL)

Cũng theo lời kể của hòa thượng Thiện Trí, chỉ riêng phần nền xây dựng ngôi chùa này cũng đã mất đến 16 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Linh Sơn cổ tự đã được 107 năm tuổi mang theo rất nhiều câu chuyện đầy huyền thoại. Ngày 6-12-1989 tượng Phật bốn tay và hai tảng đá cổ đã được công nhân di tích văn hóa cấp quốc gia. Cạnh đó Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất.

Du khách đến Cần Thơ rất thích thú khi được đến viếng chùa Long Quang (phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ). Đây là một trong những ngôi chùa cổ của đất Tây Đô đã trải qua 193 năm xây dựng, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993.

Ấn tượng đầu tiên là không gian rất thoáng mát rộng rãi với nhiều cây xanh và bảo tháp. Ngoài bộ tượng “Thập bát vị La Hán” mang ý nghĩa giúp cho con người hướng về những điều tốt đẹp của chân -  thiện - mỹ, chùa Long Quang còn được khách tham quan ngưỡng mộ bởi cảnh quan xinh đẹp, yên bình bởi hàng chục bức tượng gỗ được làm từ các loại danh mộc quý như các bức tượng ông Tiêu, ông Hộ Pháp, Phật bà Quan Âm Nam Hải… trên mỗi bức tượng đều khắc đậm dấu ấn nghệ thuật của những nghệ nhân có đôi tay tinh xảo trong lĩnh vực điêu khắc. Mỗi vẻ mặt của các bức tượng như chứa đựng những nỗi niềm, xúc cảm khác nhau trong nhân thế với hàm ý các vị đều hòa mình vào cuộc sống thế tục nhưng không nhiễm bụi trần. 

Chùa Phật Bốn Tay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: TL)

Quán âm Phật đài hay còn gọi là chùa Mẹ Nam Hải đã và đang là điểm tham quan mang tính tâm linh, tín ngưỡng của rất nhiều du khách khi đến với thành phố Bạc Liêu bởi lối kiến trúc, điêu khắc độc đáo, tinh xảo pha lẫn nét văn hóa thuần Việt. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8km. Tương truyền, trước đây chùa được xây cất tạm bợ ở ven biển xung quanh là nhiều ao đầm, lau sậy. Riêng bức tượng Phật Bà Quan Âm cao 11m được xây dựng năm 1973. Do sự bồi lắng của thiên nhiên, hiện nay tượng đài này đã cách bờ biển gần 1km. Năm 2004, ngôi chùa được mở rộng với nhiều hạng mục. Năm 2013, Quán Âm Phật Đài được xây dựng với qui mô lớn hơn trên diện tích gần 100ha  với các hạng mục chính như: cổng Tam quan, điện Thiên Thủ, điện Địa Tạng, nhà chư tăng, nhà khách, các tượng Phật trên khuôn viên... Hàng năm, nhà chùa tổ chức Lễ hội Quán Âm Nam Hải vào ba ngày: 22, 23 và 24 tháng 3 Âm lịch. Đây cũng là một trong 6 lễ hội đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận là lễ hội chính thức.

Chùa Long Quang thuộc phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ. (Ảnh: TL)

Tuy mỗi chùa mỗi vẻ, nhưng tựu trung đều mang lại cảm giác tịnh tâm, thư thái cho những ai đến viếng, nhất là mỗi khi xuân về, Tết đến.

Vân Anh

Có thể bạn quan tâm

Top