Ngành Văn hóa Thủ đô với ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Kể từ năm 2010, sau khi Bảo tàng Hà Nội khánh thành phần xây dựng, ngành Văn hóa Thủ đô đều lấy địa điểm này làm lễ kỷ niệm ngày 23 tháng 11 - ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Theo tôi hiểu, dường như, đây là một chương trình mang ý nghĩa truyền thống của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, theo đó, mọi công trình, mọi dự án, mọi hoạt động của cả năm đều hướng tới ngày này như một điểm mốc để đánh giá, tổng kết và tôn vinh những tập thể, cá nhân, cùng những kết quả thuộc về hoạt động di sản của Hà Nội, theo đó, tất cả những cơ quan, những con người lao động và làm việc trong lĩnh vực này, có liên quan tới di sản nói chung và Hà Nội nói riêng đều tụ hội về đây để giao lưu, trao đổi, lắng nghe tổng kết của Lãnh đạo Sở và chiêm ngắm trưng bày chuyên đề của toàn ngành thực hiện ở Bảo tàng Hà Nội như một điểm khởi đầu cho chuỗi các sự kiện tiếp theo.

Năm 2017 này, sáng 23 - 11, chúng tôi được dự Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội” cùng với một cuốn sách cùng tên, được chỉ đạo và hối thúc quyết liệt để cho ra mắt độc giả đúng thời điểm có ý nghĩa này. Phòng trưng bày trang trọng với những bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội được huy động cùng với những Pa nô ảnh vô cùng chất lượng về những bảo vật quốc gia đang lưu giữ và phát huy tại các di tích như chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đa Tốn, đền Cự Linh, đền Quán Thánh v.v đã tạo nên những mảng khối bắt mắt đối với người xem. Tôi ấn tượng với cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội” không chỉ bởi chất lượng hình ảnh, thiết kế mỹ thuật, nội dung chuyển tải, kích thước, bố cục mà còn ở cả ý tưởng và sáng kiến của Hà Nội khi nơi đây đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của cả nước đối với du khách thập phương. Ý tưởng và sáng kiến này phải chăng sẽ là tiền đề cho các địa phương và đặc biệt với Trung ương có được những ấn phẩm tương tự để giới thiệu di sản Việt Nam ra thế giới, như một phương cách phổ biến trong công tác quảng bá văn hóa, nhằm nâng cao vị thế đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Có một điều đáng tiếc rằng, cuốn sách được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chụp ảnh vô cùng khó khăn, nhưng ấn phẩm chưa được như mong muốn, khi những người ấn loát chưa hiểu hết được sắc màu của từng bảo vật, khiến cho chất lượng chỉ đạt được 60-70% so với chế bản.

Sau khi xem trưng bày, chúng tôi vào hội trường để nghe báo cáo của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội về thành tích của ngành, đặc biệt trên lĩnh vực di sản, với những kết quả rất đáng khích lệ và tự hào. Lãnh đạo Sở cũng có những tuyên dương đối với những cộng tác viên có thành tích trong năm, đặc biệt biểu dương một nhà sưu tập đã hiến tặng đôi mỏ neo của hai con tàu cổ phát hiện ở sông Hồng, có niên đại thế kỷ 17 cho Bảo tàng Hà Nội. Đó là một chứng tích về quan hệ giao thương buôn bán của Thăng Long - Kẻ Chợ đối với thế giới mà phần trưng bày này của bảo tàng còn vô cùng trống thiếu hiện vật.

Những sự kiện như thế cho một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành, theo tôi là ấn tượng. Tuy nhiên, sau ngày này, các thiết chế khác của Thủ đô liên tiếp có những hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của công chúng và truyền thông.

Tôi ấn tượng với trưng bày của Di tích Nhà tù Hỏa Lò với tiêu đề “Tìm lại ký ức”. Đó là những ký ức của những phi công Mỹ trong chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Máy bay của họ bị bắn rơi, họ bị bắt làm tù binh và bị giam giữ tại Hỏa Lò cho đến khi trở về Mỹ chiến tranh kết thúc. Ký ức tốt đẹp của họ trong nhà giam qua sự đối xử nhân đạo của nhà nước ta đối với tù binh, ký ức về sự tuyệt vọng không có ngày về xum họp với gia đình, ký ức về chiến tranh và sự tàn khốc của chiến tranh… Tất cả đều được kể bằng hình ảnh và hiện vật, với sự lựa chọn tiêu biểu và đặc trưng. Đặc biệt, nhân chứng lịch sử/phi công Mỹ/tù binh, có mặt hôm đó tại buổi khai mạc trưng bày đã tặng cho di tích nhiều hiện vật có liên quan tới sự kiện nêu trên, với những câu chuyện đầy xúc động, khiến ông nghẹn ngào, không nói lên lời, làm tất cả cử tọa đều rưng rưng lệ. Đó là một thành công, theo tôi, là ngoài sự mong đợi, để nhân dân Mỹ và thế giới hiểu rõ hơn chiến tranh chống Mỹ của chúng ta, về sự bao dung và nhân đạo của người Việt Nam đối với kẻ thù, và sự cởi mở khi Việt Nam và Mỹ đã đẩy lùi quá khứ, hướng tới sự thịnh vượng của hai quốc gia trong tương lai. Tôi cũng quan sát tới vị trung tướng phi công Việt Nam - người đã bắn hạ máy bay Mỹ trong chiến tranh, nay ngồi trò chuyện với “kẻ thù” trong một buổi khai mạc trưng bày về chính ký ức của họ, với sự chan hòa, cảm thông, sẻ chia, thiết nghĩ cũng là một thành công khác, bên cạnh nội dung của cuộc trưng bày.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Cũng thuộc chủ đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội có cuộc Triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và căn hầm chỉ huy tác chiến T1” nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng trận oanh kích Hà Nội năm 1972 của không quân Mỹ bằng máy bay B52. Đây cũng là một cuộc triển lãm có ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, được lồng ghép trong kỷ niệm chiến thắng vĩ đại của nhân dân Hà Nội 45 năm trước. Cuộc triển lãm cũng là những ký ức hào hùng, trong đó chứa đựng nhiều mất mát, đau thương, nhưng vì độc lập tự do của Tổ quốc, Hà Nội lại một lần nữa chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó là một trong những thông điệp của triển lãm gửi tới khách tham quan, trong đó có thế hệ trẻ Thủ đô và cả nước.

Ngoài những cuộc trưng bày nêu trên, tôi cũng quan tâm tới cuộc triển lãm ảnh vô cùng bí hiểm và hấp dẫn với tên gọi: Nhịp đập. Đây là công trình hợp tác giữa Bảo tàng Hà Nội với Bảo tàng quốc lập Đài Loan và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Những bức ảnh đẹp, chất lượng, nói về đa dạng sinh học cũng là một nội dung có ý nghĩa trong kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tôi không thể thống kê hết những hoạt động có ý nghĩa của ngành Văn hóa Hà Nội trong tháng di sản văn hóa Việt Nam, mà chỉ đơn cử đôi ba hoạt động trọng tâm và ấn tượng, như là một cái cớ để nói về một thông lệ gặp mặt hàng năm nhân ngày lễ trọng mà ngành Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã làm được trong nhiều năm qua. Và, với tư cách cá nhân, những cuộc gặp mặt ấy mỗi năm đều đem đến cho tôi những cảm nhận khác nhau, nhưng đầy hào hứng và nhớ mong ngày ấy năm sau, thiết nghĩ cũng nói lên tấm lòng mình và chắc chắn là tấm lòng của những người có mặt trong ngày Di sản Văn hóa Việt Nam hàng năm của Hà Nội.

TS Phạm Quốc Quân

Có thể bạn quan tâm

Top