Nét văn hóa trong lễ hội làng
Nhộn nhịp người, xe, con cháu gần xa đang sinh sống học tập, công tác khắp mọi miền Tổ quốc, nô nức hướng về với cội nguồn, với quê hương, nơi chốn rau cắt rốn để dự lễ tế tổ đầu xuân, phong tục đó đã có từ lâu, trong tâm thức của người dân Việt. Ngày nay, kinh tế đã khá hơn, con người luôn bận rộn trong vòng quay của kinh tế thị trường, nhưng dòng người vẫn tiếp tục ngược xuôi về quê lễ tổ mỗi năm một đông đúc hơn. Những lúc như vậy thì lòng tôi tự hỏi: Đây là văn hóa hay là tín ngưỡng? Phải chăng đây là nét đẹp văn hóa tâm linh, một nhu cầu không thể thiếu của con người trong thời hiện đại.
Lễ Kỳ Yên ở đền Nguyễn Tri Phương, tỉnh Đồng Nai.
Không phải là hoài cổ nhưng cũng phải ngược lại thời gian để tự lý giải cho mình đâu là tín ngưỡng? đâu là văn hóa tâm linh?
Ngược dòng thời gian, cách đây 670 năm, vào cuối thời nhà Trần, năm 1378, ba cụ tổ Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh cùng nhau đến mảnh đất này khai cơ lập ấp trên một vùng đất hoang sơ với nhiều gò bãi đang trong quá trình bồi tụ đặt tên là Thổ- Đôi- Trang, theo ý niệm về phong thủy thì đây là vùng đất có bút dọi, nghiên soi, hội tụ khí thiêng của đất trời, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, đậu đạt cho con cháu sau này. “Đất lành chim đậu”, không lâu sau dòng họ khác nối tiếp nhau về hội tụ, tạo nên xóm làng trù phú đông vui. Đến năm 1528, Bao vĩnh hầu Hồ Nhân Hy đổi tể Thổ Đôi thành làng Quỳnh Đôi “ví như viên ngọc đỏ tươi” và tên gọi làng Quỳnh thân thương được bắt đầu từ đó. Viên ngọc đỏ vẫn tỏa sáng, mặc cho bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, những con người Quỳnh Đôi vẫn cố kết bền chặt với quê hương, với cộng đồng làng xóm bởi một bản sắc văn hóa làng mà dòng chủ lưu của văn hóa ấy là gia đình -làng - nước.
Để có một làng văn hóa, xã Anh hùng như ngày nay, quả là một kỳ tích, cùng với sự gian truân của bao thế hệ cha ông, tổ tiên chúng ta đã bền bỉ khai khẩn ruộng đồng, xây dựng bảo vệ làng quê, đất nước trong suốt hơn 6 thế kỷ.
Nhân dịp đầu xuân, trong không khí tưng bừng, rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội làng, lễ giỗ tổ (tế họ), chúng tôi chỉ xin nêu lại những sự kiện, những nhân vật mang tính tiêu biểu làm nên bản sắc văn hóa làng Quỳnh. Đây cũng là lời tri ân với các thế hệ tiền bối, với các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì nghĩa lớn, vì quê hương đất nước.
Các sinh hoạt văn hóa được thể hiện qua các lễ hội ở làng được biểu thị rất rõ qua sinh hoạt tế lễ của các dòng họ, để vượt lên các quan hệ họ tộc riêng lẻ từ xưa Quỳnh Đôi đã có các lễ hội của làng như lễ Kỳ Phúc, lễ Khai hạ…liên kết thành sức mạnh cộng đồng để bất cứ mỗi người dân nào cũng tham gia vào lễ hội; tiêu biểu là Lễ Kỳ Phúc đầu xuân, dân trong xã rước kiệu thần từ đền Thần về đình làng để người dân cúng tế cầu thần linh bảo hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, học hành đỗ đạt, mọi nhà bình an hưởng phúc, dân an, vật thịnh… Do điều kiện mà qua nhiều năm lễ hội này bị thất truyền, năm 2012 bắt đầu khôi phục lại, cứ ba năm tổ chức rước một lần, còn hàng năm vẫn tổ chức Lễ Kỳ Phúc ở đền Thần. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh mang tính truyền thống, thể hiện chiều sâu, độ dầy về văn hóa cộng đồng làng xã, sẽ trở thành biểu tượng cao nhất của tinh thần đại đoàn kết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, tạo ra sức mạnh nội sinh để chúng ta tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước.
Cắt băng khánh thành cổng làng Quỳnh Đôi - Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.
Nhìn lại quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ làng, chúng ta tìm thấy ở tổ tiên ông bà chúng ta những điều quý giá cần được trân trọng, gìn giữ, đó là: sức mạnh đoàn kết gắn bó cộng đồng, đức tính cần cù hiếu học, trọng lễ nghĩa; là tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự tôn về quê hương và trách nhiệm cá nhân với cộng đồng làng xã.
Đây là những bài học có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực từ cha ông chúng ta để lại, ngày nay chúng ta cần phải học tập, áp dụng vào thực tại khi mà toàn dân đang sôi nổi thi đua hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Hồ Thanh Khương