Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Ok Om Bok

Ok Om Bok hay Lễ cúng trăng là một trong những lễ hội dân gian có từ rất lâu đời của dân tộc Khmer Nam Bộ. Lễ được tổ chức vào tháng 10 Âm lịch (ngày 15 tháng Ka-Đât theo lịch Khmer). Thời điểm này cũng là lúc kết thúc vụ mùa, người dân tổ chức lễ cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại mùa màng tốt tươi và sự no ấm. Lễ cúng trăng là sự đưa tiễn mùa mưa, chào đón mùa khô.

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer, Thần Mặt Trăng được xem là vị thần quan trọng nên được mỗi gia đình, mỗi Phum Sróc và cộng đồng người Khmer suy tôn và thờ cúng. Từ xưa, hàng tháng cứ vào ngày trăng tròn - ngày Rằm, người Khmer đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà, cầu cho vị thần này bảo hộ mùa màng để lúa thóc đầy bồ. Đến khi Phật giáo Nam Tông (Therevada) ảnh hưởng, người Khmer vẫn chọn ngày trăng tròn và ngày không trăng (ngày Rằm và 30 Âm lịch) hàng tháng đến chùa nghe kinh, niệm Phật cầu khấn các vị thần linh trong đó có Thần mặt Trăng sẽ phù hộ cho họ có cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Trong Lễ hội Ok Om Bok có nhiều nghi thức được tổ chức cúng tại nhà và cúng ở chùa. Buổi chiều, người dân chuẩn bị các vật cúng chủ yếu là nông sản mà họ sản xuất ra như: cốm dẹp, chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, cam, quýt… Đến tối, khi mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre, người ta sắp xếp các lễ vật đã chuẩn bị sẵn lên một cái bàn có trải vải đặt trước sân. Kế đến, gia chủ đóng vai trò là chủ tế thắp nhang kính cẩn khấn vái tạ ơn Thần Mặt Trăng năm qua đã phù hộ, độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu mong thần tiếp nhận những lễ vật và chứng giám lòng thành mà tiếp tục phù hộ cho gia đình năm sau vạn sự như ý. Sau đó, mỗi đứa bé cầm một cái Sala Tho nghe gia chủ đọc kinh dâng cúng và đút cho trẻ ăn cốm dẹp, chuối. Đầu tiên, bẻ nữa trái chuối đút vào miệng trẻ và đút một nắm nhỏ cốm dẹp rồi hỏi: “Con ước muốn điều gì?”. Đứa bé trả lời theo ý của chúng. Người hỏi đấm nhẹ vào lưng trẻ ba lần và nói rằng: “Con sẽ được như ý nguyện”.

Nghi thức đút cốm dẹp cho trẻ ăn được người Khmer lý giải qua nhiều mô típ chứa nhiều hàm ý như:

- Thứ nhất, đức Phật có dạy lòng tham của người trần tục là vô bờ bến, được một muốn mười, không bao giờ thỏa mãn. Nó cũng giống như đứa trẻ miệng đã đầy thức ăn mà vẫn muốn thứ khác nữa. Nên qua hành động này, người ta muốn nhắc nhở con người nên biết bằng lòng với hiện tại và nên biết điểm dừng.

- Thứ hai, theo tín ngưỡng của người Khmer, người ta quan niệm rằng: miệng là một trong những cơ quan hoạt động nhiều nhất của con người, nó có hai chức năng chính là nói và ăn. Những tội lỗi về ăn thì ít nhưng nói là rất nhiều. Lời nói dối, chửi rủa, nói xấu, xuyên tạc, châm biếm, chia rẽ người khác làm mất đoàn kết trong gia đình, xã hội. Người ta tin rằng, tất cả những tội lỗi vì nói sẽ được xóa hết trong lễ cúng trăng này.

- Thứ ba, ngày sinh, ngày đăng ngôi, ngày đi tu, ngày đắc đạo và nhập Niết Bàn của Đức Phật điều là ngày Rằm. Do đó, người Khmer chọn ngày Rằm để làm lễ cúng Trăng nhằm tưởng nhớ đến Đức Phật.

- Thứ tư, theo sự tích Đức Phật Thích Ca, lúc ngày còn mang kiếp con thỏ đã hiến thân thể cúng dường cho vị thần là chúa tể của các vị thần tên Têvôđa. Mô típ lý giải này bằng sự tích “Con thỏ và mặt trăng” như sau: Ngày xưa ở khu rừng nọ, có bốn con vật sống và kết bạn thân thiết (con thỏ, con khỉ, con rái và chó sói). Một hôm, thỏ bảo ba con vật kia rằng: Ngày mai là ngày Rằm, mình không được giết hại bất cứ con gì. Vì vậy, ngay ngày hôm nay chúng ta phải đi kiếm thức ăn để dành cho ngày mai. Cả nhóm vui vẻ thực hiện. Con rái thì kiếm được con cá, con khỉ kiếm được trái xoài, con chó kiếm được gói cơm khô. Hôm sau là ngày Rằm, thần Têvôđa bèn giả làm người ăn xin thử lòng các con vật. Trước tiên thần Têvôđa đến chỗ con rái xin ăn, con rái vui lòng bố thí con cá nhưng người ăn xin nhận mà không ăn và gửi lại nhờ con rái giữ lát sau sẽ lấy. Người ăn xin đến chỗ con khỉ, con chó sói để giả vờ xin ăn và cũng được con khỉ, con chó sói dâng trái xoài cùng gói cơm khô, ông cũng gửi lại cho hai con vật cất giữ. Người ăn xin lại đến chỗ con thỏ, thỏ nghĩ mình là con vật không ăn thịt, chỉ ăn cỏ làm sao có thịt cá để bố thí cho ông lão. Thôi thì chỉ có thịt của chính bản thân ta. Nghĩ vậy, thỏ liền nói:

- Xin ông chờ tôi nhóm lửa, ông sẽ có miếng thịt ngon.

Nói xong, thỏ đốt lửa lên, rồi nhảy vào lửa và nói:

- Mời ngài hãy lấy thịt của tôi mà ăn.

Nhưng thần Têvôđa đã kịp dùng phép không cho ngọn lửa đốt cháy thỏ, thỏ nhảy ra, lửa cháy to hơn, rồi nhảy vào nhưng vẫn không hề gì. Làm đến lần thứ ba thì thần Têvôđa hiện ra và nói:

- Ta là Têvôđa, giả làm người xin ăn để thử lòng các ngươi. Giờ thì đã rõ lòng hy sinh cao đẹp của ngươi. Tấm gương này cần để cho đời noi theo. Nói xong, thần hóa phép biến thành người cao lớn đến tận mây xanh và vẽ hình thỏ lên mặt trăng để nhớ mãi tấm gương hy sinh của thỏ. Vì vậy, người Khmer làm lễ cúng trăng, ngoài việc mừng mùa còn để tưởng nhớ đến thỏ là kiếp trước của Đức Phật.

Bên cạnh việc cúng trăng tại nhà, nghi thức cúng trăng tại chùa được tổ chức quy mô hơn ở gia đình bởi nó mang tính cộng đồng của Phum Sróc.

Để tổ chức lễ, ngay trong ngày Rằm người ta tìm ba cây tre thật thẳng đốn đem về làm bàn lễ. Hai cây trồng đứng cách nhau khoảng 4-5 m. Cây còn lại buộc vào hai cây kia nằm ngang song song với mặt đất tạo thành chiếc cổng. Cổng có trang trí hoa lá, bên dưới đặt một cái bàn dùng để vật cúng. Đồng thời người ta còn tìm những cây mía bứng lấy cả gốc đem về trồng phía trước hai bên bàn cúng.

Chuẩn bị vào lễ, vật phẩm dâng cúng được mọi người bày lên bàn gồm: cốm dẹp đã trộn, chuối, khoai, dừa, hoa, nhang đèn, Sala tho, nước thơm. Phía trước bàn dưới đất trải những chiếc chiếu để bà con ngồi làm lễ. Lễ vật bày xong là lúc mặt trăng  nhô lên nhìn rõ, mọi người tập trung lại ngồi trước bàn lễ quay mặt về hướng mặt trăng chắp tay trước ngực làm lễ. Vị Acha đóng vai trò chủ tế cùng những vị cao niên trong Phum Sróc kính cẩn thắp nhang tạ ơn Thần Mặt Trăng, đã phù hộ cho con người trong suốt thời gian qua khỏi bệnh tật, ăn nên làm ra. Mong Thần hãy chứng giám lòng thành của mọi người, thứ tha những lỗi lầm mà con người trong quá trình mưu sinh đã gây ra và xúc phạm đến Thần. Thần hãy mở rộng lòng nhân ái, tiếp tục làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người bình yên, no đủ, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Tóm lại, Lễ cúng Trăng Ok Om Bok là lễ hội dân gian truyền thống, gắn liền thành một lễ tục tôn giáo và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer Nam Bộ nên cần phải có giải pháp bảo tồn và phát huy đúng mức gắn với phát triển du lịch.

Hoàng Tuấn