Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh - sinh viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất đi về cõi vĩnh hằng, đã để lại cho đất nước ta, dân tộc ta và nhân dân ta một kho tàng di sản vô giá, đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực noi gương, học tập và làm theo.

Việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Nghệ An và Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội được Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - tỉnh Nghệ An cùng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội tổ chức tốt và có sự phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên tại Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An và Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với vị trí, giá trị nổi bật và ưu thế đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An, đồng thời nói lên sự đóng góp to lớn của hai di sản văn hóa này trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm qua và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong thời gian tới. Việc tổ chức Toạ đàm là hoạt động thiết thực để các cán bộ quản lý, cán bộ khoa học của hai cơ quan học hỏi thêm những bài học kinh nghiệm thực tế, bổ sung các tư liệu và kết quả nghiên cứu mới nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An. Qua đó, làm cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan, nghiên cứu, học tập nói chung và học sinh, sinh viên các trường học nói riêng.

Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt, có khuôn viên rộng 14,7 ha, gồm ba khu vực A, B và C, trong đó có các di tích Nhà sàn, Ao cá, Vườn cây, Phủ Chủ tịch và các nhà làm việc khác... là những công trình có ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người, từ ngày 19-12-1954 đến ngày 02-9-1969. Tổng số hiện vật vốn có tại Khu Di tích là hơn 1.700 đầu loại hiện vật với gần 4.000 đơn vị hiện vật gốc. Hiện nay Khu Di tích đang lưu giữ trưng bày 796 đầu loại hiện vật với 1.059 đơn vị hiện vật. Vườn cây có 1.271 cây đủ các loại: cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh và cây bóng mát. Ao cá có diện tích 3.320m2, với gần 4.000kg cá đủ các loại trắm, chép, trôi, mè, rô phi..., trong đó có nhiều loài cây, loài cá được Bác Hồ chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng. Tất cả đã và đang được bảo quản nguyên trạng và phát huy giá trị hiệu quả phục vụ khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật nơi đây đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau, là những minh chứng khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những cống hiến của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định: Bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Bác tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao to lớn của Hồ Chủ tịch.

Tọa đàm nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.

Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội có những đặc thù riêng khác với nhiều di tích khác: Công tác bảo quản ở đây được thực hiện trong điều kiện là một kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. Các di tích nằm rải rác không tập trung, hành trình giới thiệu cho khách tham quan dài, tuyến đường tham quan chật hẹp. Lượng khách vào thăm đông, nhất là vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết cho nên hiệu quả thuyết minh chưa cao, nhất là những đoàn khách đông. Đó là những khó khăn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội.

Vượt qua khó khăn, với nỗ lực cố gắng, tình cảm gắn bó và tinh thần trách nhiệm cao, các thế hệ cán bộ viên chức và người lao động Khu Di tích qua các thời kỳ đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Gần nửa thế kỷ qua, Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội đã mở cửa phục vụ khách tham quan và sau năm 1995 đã mở cửa 365 ngày trong năm, không nghỉ ngày nào. Kể từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ hơn 60 triệu lượt khách trong và ngoài nước, từ hơn 160 quốc gia trên thế giới đến thăm; trung bình hàng năm đón hơn 02 triệu khách trong và ngoài nước và gần 50 đoàn là nguyên thủ quốc gia, cao cấp quốc tế của Đảng và Nhà nước. Với sức lan tỏa rộng rãi, Khu Di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam.

Cũng như Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - tỉnh Nghệ An là một công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, từ lâu đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ, một điểm đến của du khách muôn phương trong hành trình về thăm quê Bác. Quảng trường được đặt tại Công viên trung tâm thành phố Vinh, có diện tích hơn 11 ha, được khởi công xây dựng năm 2000 và khánh thành vào ngày 19-5-2003. Nổi bật uy nghi trên Quảng trường là Tượng đài Bác Hồ cao 12m bằng đá granit đặt trên bệ và khán đài cao gần 6m dựa lưng vào dãy núi Chung (mô phỏng núi Chung ở huyện Nam Đàn) - một địa danh đã gắn bó với Bác Hồ từ thuở ấu thơ. Tượng đài Bác Hồ uy nghi mà giản dị, khắc họa hình ảnh quen thuộc của Bác với phong thái ung dung tự tại, với chiếc áo đại cán đã phai màu, đôi dép cao su quen thuộc như ngày nào Bác về thăm quê. Sân hành lễ có diện tích 22.760m2, có sức chứa khoảng 30.000 người, được chia thành 99 ô cỏ. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như hồ nước và đài phun nước nghệ thuật, có nhiều tính năng hiện đại, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho khách tham quan, vườn cây đủ các loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát của từ khắp mọi miền đất nước.

Tích cực khai thác, phát huy giá trị của một công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An đã tổ chức tốt công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan, dâng hoa, tưởng niệm, vui chơi, giải trí tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Tổ chức tuyên truyền bằng pano, áp phích, cờ vui, cờ phướn, thảm hoa chữ trang trí trên địa bàn thành phố Vinh trong các ngày lễ, Tết, tạo thành điểm nhấn tuyên truyền. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh chuyên đề; tổ chức trưng bày, chiếu phim, giới thiệu sách; giải đua xe đạp, chạy việt dã tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, thu hút đông đảo khách tham quan. Hàng ngày tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh các tin, bài viết, bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người xứ Nghệ... Xây dựng và từng bước hoàn thiện trang tin điện tử. Xuất bản sách, ảnh, phim phóng sự, tờ giới thiệu về công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tới đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nôi.

Trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, đã khẳng định “suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”; và những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện. Năm 2003, với Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, có thể nói hầu hết các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn Hà Nội, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đơn vị, trường học… đều chọn Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội làm địa điểm triển khai Chỉ thị này. Cũng trong năm 2003, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - tỉnh Nghệ An được khánh thành và đưa vào phát huy giá trị phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan nói chung và cho học sinh, sinh viên nói riêng được Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An luôn luôn coi trọng, nhất là từ năm 2006 khi Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cơ quan đã chủ động cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ khách tham quan, từ khâu tổ chức đón tiếp đến nội dung thuyết minh, không ngừng đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như: giới thiệu thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản sách, ảnh; đi nói chuyện về Bác Hồ tại các cơ quan, đơn vị, trường học và địa phương; tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học, nhiều buổi sinh hoạt chính trị, truyền thống, lễ báo công, kết nạp đảng viên, lễ phát động thi đua, sơ kết, tổng kết cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức tốt, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng sâu sắc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hàng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội đón hơn 2,5 triệu khách trong và ngoài nước và gần 50 đoàn là nguyên thủ quốc gia, cao cấp quốc tế của Đảng và Nhà nước đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Tổ chức sinh hoạt chính trị, lễ báo công, kết nạp Đảng, sơ kết, tổng kết cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho 2.270 đoàn với 59.950 lượt người. Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An mỗi năm đón tiếp, phục vụ hơn 3,5 triệu người tham quan, vui chơi, giải trí; trong đó đón tiếp, hướng dẫn cho 580 đoàn khách, tổ chức dâng hương, dâng hoa, báo công, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hơn 250 đoàn trong nước và nước ngoài.

Những buổi tham quan, học tập hay sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - Nghệ An đã để lại nhiều ấn tượng, cảm tưởng tốt đẹp và tình cảm trân trọng, mang lại hiệu quả giáo dục nhất định. Những con số nêu trên đã khẳng định giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ với nhân dân Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế.

Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh ở Nghệ An.

Việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An trong những năm qua là rất thiết thực và hiệu quả. Để tiếp tục có những đóng góp quan trọng, trong thời gian tới nhất thiết cần làm tốt những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt đi sâu vào thực trạng và kết quả tham quan, học tập thực tế của du khách nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An.

Thứ hai, cần làm rõ những khó khăn, hạn chế của công tác tuyên truyền, giáo dục  tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với khách tham quan nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng; những giá trị và ý nghĩa của Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An được thể hiện ở từng điểm di tích, từng kỷ vật và những câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An để mọi người học tập và làm theo.

Thứ ba, cần đưa ra những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong việc chủ động, phối hợp và tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng khách tham quan nói chung và cho học sinh, sinh viên nói riêng tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An.

Trên đây là một vài suy nghĩ đối với việc nâng cao chất lượng truyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Hà Nội, nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Quảng trường Hồ Chí Minh - tỉnh Nghệ An, quê hương nghĩa nặng tình sâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nguyễn Văn Công

Top