Mứt Mỹ Chánh đón xuân

Trong ngày Tết, mâm cỗ Tết với bánh chưng xanh, câu đối đỏ và hộp mứt Tết đã trở thành một nét truyền thống không thể thiếu ở Việt Nam. Đến làng nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh, nằm sát ngay Quốc lộ 1A ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vào những ngày rộn ràng đón xuân mới này, mùi mứt gừng nồng cay, ấm lòng người đánh tan giá rét mùa đông đang được các hộ dân rim (ngào với đường) thơm lừng, bủa vây mọi ngả đường trong làng.

Mứt gừng Mỹ Chánh được xem là đặc sản Quảng Trị làm quà rất giá trị. Vị ngon của mứt gừng với thương hiệu lâu đời ngoài vị ngon còn nhiều câu chuyện lý thú về mứt gừng nơi xứ sở của đặc sản này.

Bên dòng Ô Lâu, suốt cả mấy chục năm qua, cứ vào dịp xuân về, làng mứt gừng Mỹ Chánh lại đỏ lửa. Để nói chính xác nghề làm mứt gừng Mỹ Chánh có từ bao giờ thì không ai nắm rõ, nhưng với những người am hiểu về địa phương này thì cho rằng, nghề làm mứt ở Mỹ Chánh có từ trước năm 1945, chủ yếu để phục vụ gia đình mình. Về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được đưa ra các chợ để bán và trở thành món đặc sản ngày Tết được nhiều người biết đến. Trước đây, việc làm mứt diễn ra trong từng hộ gia đình nhỏ lẻ, nhưng ngày nay, các cơ sở làm mứt đã mở rộng quy mô với sự tham gia của hơn chục nhân công.

Mứt gừng Mỹ Chánh - Đặc sản Quảng Trị.

Một số cụ già trong làng kể rằng, khi sinh ra và lớn lên đã thấy người trong làng làm mứt gừng rồi, nghe bảo trước kia mứt gừng hàng năm đều phải tiến công cho vua chúa sử dụng Tết và lễ lạt trong cung. Cứ thế, bao thế hệ con cháu lớn lên đều coi nghề làm mứt gừng là nghề truyền thống của làng, tất cả con em trong làng đều được cha, mẹ chỉ bảo cho cách làm mứt gừng hằng mong nghề truyền thống của làng không bị mai một. 

Lại có người cho rằng, nghề làm mứt gừng ở đất này có từ hơn trăm năm trước. Tương truyền, bà Nguyễn Thị Bích, vợ Vua Quang Trung là người làng Mỹ Chánh. Giai thoại kể rằng, vì lo cho sức khỏe của chồng nên mỗi lúc Vua Quang Trung đi xa, bà Bích lại xắt gừng thành từng lát rồi sấy khô trên than cho Nhà vua mang theo bên mình để ngậm nhằm phòng bị cảm lạnh và giữ ấm cơ thể. Cách làm này của vị thứ phi đã cho thấy gừng như một phương thuốc hữu dụng nên người làng Mỹ Chánh cũng học theo. Sau đó với những biến tấu trong công đoạn dần hình thành nên cách làm mứt gừng và phổ biến đến tận bây giờ. Lúc đầu việc làm thứ mứt này chỉ nhằm phục vụ cho gia đình và xuất hiện trong một vài hộ nhỏ lẻ. Dần dà về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được đưa đi tiêu thụ ở các nơi khác trong địa bàn tỉnh Quảng Trị, rồi sau đó lan ra các tỉnh lân cận và bây giờ thì đã nức tiếng vang ở khắp vùng Bình Trị Thiên.

Hàng năm, đến hẹn lại lên, cứ vào độ giữa tháng 11 Âm lịch thì các cơ sở làm nghề mứt gừng Mỹ Chánh lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu, nhân công để bắt tay vào sản xuất. Những người có tay nghề lâu năm luôn được các cơ sở thuê với tiền công từ 200-300 nghìn đồng một ngày. Theo những người làm mứt lâu năm, làm mứt gừng không khó, nhưng làm ngon thì cần có nhiều kinh nghiệm và phụ thuộc vào nguyên liệu. Thứ nhất là nguyên liệu phải tươi, đủ độ cay nồng; thứ 2 là phải tuân thủ các khâu từ sơ chế cho đến đóng gói. Ở mỗi khâu đều có tính chất quan trọng để cho ra một sản phẩm thơm ngon, nhưng cũng có những khâu cần tay nghề cao mới làm được.

Sau khi luộc xong thì vớt ra xả lại bằng nước sạch rồi trộn đều với đường theo tỷ lệ: 1 - 1,2 (1kg gừng trộn với 1,2kg đường). Ảnh: Dân Việt.

Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất mứt Tết, tất cả các hộ dân đã hợp đồng trước với các chủ vựa thu mua nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên và ở thị trấn Lao Bảo trong tỉnh để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ những xe gừng tươi được mua về, người dân nơi đây sẽ gọt vỏ, đem thái lát mỏng rồi rửa sạch và đem đi luộc cùng nước chanh cho thơm. Tất nhiên, luộc với nước chanh với tỉ lệ thế nào thì đó là bí quyết riêng của từng hộ gia đình nơi đây.

Sau khi luộc cùng nước chanh sẽ đến công đoạn rim để cô đặc gừng. Đây được xem là một công đoạn cực kỳ khó, và ở đây cũng chỉ dành cho những ai có tay nghề cao, có kinh nghiệm nhiều năm mới được đảm nhận. Trong công đoạn rim gừng thì khó nhất là bí quyết giữ mức lửa ra sao để gừng chín tới, không cháy mới là công phu nhất. Và ở mỗi giai đoạn các xoong gừng sẽ chuyển bếp ở các nhiệt độ khác nhau. Và cuối cùng là trộn đường với gừng với tỉ lệ thích hợp nhất để làm nên những miếng mứt gừng cay nhẹ, nồng nàn vị độc đáo.

Để gìn giữ và phát triển thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, làng nghề mứt gừng đã có hương ước. Theo đó, các hộ sản xuất mứt gừng phải tuân thủ chế biến mứt theo đúng quy trình thủ công truyền thống, để giữ nguyên hương vị đặc trưng của mứt gừng Mỹ Chánh. Trong quá trình sản xuất các hộ tuyệt đối không sử dụng hóa chất và cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác… Hộ nào vi phạm hương ước của làng sẽ không được tiếp tục sản xuất.

Người dân làng nghề đang trăng (không cho các miếng gừng dính vào nhau) sau khi rim. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN).

Tháng 12-2012, sản phẩm mứt gừng Hải Chánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu và cấp giấy chứng nhận bao bì, nhãn mác. Trong ký ức của những người làm mứt gừng Mỹ Chánh vẫn còn nhớ những thời gian đi xuống của làng nghề này. Đã có lúc, vì không tìm ra thị trường, không cạnh tranh nổi với những loại mứt được sản xuất công nghiệp, người làng mứt không thể đỏ lửa dù tết đã đến gần. Nhưng có vẻ như khi hàng hóa tràn ngập, thật giả lẫn lộn thì những giá trị đích thực sẽ trở lại và đó là cơ hội cho làng mứt Mỹ Chánh trở mình.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, mứt gừng Mỹ Chánh đã xây dựng được chỗ đứng của mình trên thị trường. Không chỉ xuất đi Thừa Thiên Huế và Quảng Bình mà nay còn có mặt tại Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù nghề làm mứt gừng chỉ là nghề phụ và làm thời vụ chưa đầy 1 tháng, bắt đầu vào đầu tháng 12 Âm lịch và kéo dài đến khoảng ngày 27 Tết thì kết thúc, nhưng đem lại nguồn thu nhập tương đối cho người dân nơi đây. Ở làng Mỹ Chánh, nhiều gia đình đã gắn bó với nghề này từ mấy chục năm nay. Và với họ, nghề làm mứt gừng là một nghề khá cực nhọc bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, thế nhưng nơi đây nghề làm mứt như ăn sâu vào máu thịt, trở thành một nếp sống với họ, niềm vui của họ.

 

Thu Hường (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Top