Mùa xuân đắm đuối khúc Hát Xoan

Khi tiết trời trở nên rét ngọt xen lẫn những làn mưa xuân nhè nhẹ, là lúc các phường Xoan ở tỉnh Phú Thọ lại nhộn nhịp chuẩn bị những canh hát đón chào năm mới.

Vì chỉ được biểu diễn ở cửa đình vào các ngày hội xuân đầu năm, nên những câu hát cổ của người dân Phú Thọ còn được gọi là Hát cửa đình (Khúc đình môn). Hát Xoan được tổ chức thành phường, gọi là phường Xoan. Mỗi phường hát có từ 12 đến 18 người, gồm các đào (nữ), kép (nam) Xoan, độ tuổi từ mười tám đến đôi mươi, là những nam thanh - nữ tú. Đứng đầu phường Xoan là một ông Trùm, có uy tín, nắm vững lề lối, thuộc nhiều bài bản, đồng thời ông là người biết chữ Nôm, biết tổ chức và luyện hát cho các đào - kép. Theo các nghiên cứu về văn nghệ dân gian, hiện nay ở Phú Thọ có 4 phường Xoan chính: ở làng Phù Đức, làng Kim Đới, làng Thét, làng An Thái và có 18  đình làng  tổ chức lễ hội có Hát Xoan.

Truyền thuyết nói về nguồn gốc ra đời của khúc Hát Xoan cũng rất đa dạng. Theo các bậc tiền bối trong phường Xoan kể lại, thời Hùng Vương, nhờ có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi mà Hoàng hậu đã đỡ đau khi trở dạ và sinh nở được ba hoàng tử khôi ngô, tuấn tú. Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa, rồi vời nàng vào cung dạy hát múa cho các Mị nương. Khúc hát đó được dân làng gọi là Hát Xuân bởi khi ấy đang là mùa Xuân, nhưng vì “Xuân” là tên húy nên gọi trệch đi là Hát Xoan. Tuy nhiên, trong dân gian Phú Thọ lại truyền tụng một câu chuyện khác về sự tích Hát Xoan, xưa kia ba anh em Vua Hùng đến vùng đất Phú Thọ lập nghiệp, lúc dừng chân ở khu rừng gần thôn Phù Đức để nghỉ ngơi đã gặp một nhóm mục đồng. Lũ trẻ lấm lem bùn đất nhưng chơi đùa rất vui vẻ. Có vài trẻ ngân nga khúc đồng dao, còn những bé khác lại chơi đánh vật, chơi kéo co… Thấy vui trong lòng, Đức Thánh Cả liền truyền lệnh cho những người tùy tùng dạy múa hát cho mục đồng địa phương và Hát Xoan ra đời từ đó. Theo như truyền thuyết này, Phù Đức được coi là phường Xoan gốc.

Thực tế cho thấy, những câu chuyện được truyền tụng lâu đời trong dân gian thường đan xen một số chi tiết hư ảo, hư cấu. Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất cho rằng, Hát Xoan được phát tích ở vùng trung du, đồng bằng miền Bắc và xuất hiện từ buổi đầu dựng nước của người Việt – tức là thời kỳ Nhà nước Văn Lang do Hùng Vương trị vì. Theo thời gian, Hát Xoan đã thấm đượm và được bồi tụ bởi nhiều sắc màu văn hóa từ tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt…

Một chương trình Hát Xoan đầy đủ theo truyền thống, diễn ra liên tục trong một buổi hay một ngày hoặc một đêm với ít nhất 24 tiết mục. Các tiết mục được trình diễn thành ba chặng hát: Chặng thứ nhất: Hát mời Vua về dự hội với dân làng (4 bài), chặng thứ hai: Hát Quả cách (14 bài) và chặng thứ ba: Hát giao duyên nam - nữ, giữa đào Xoan/thôn nữ với kép hát/trai làng (6 bài). Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung và cách trình bày, cũng có thể chia làm hai phần: Phần Hát  lễ (bao gồm chặng thứ nhất và chặng thứ hai với nội dung hát thờ) và phần Hát hội (với nội dung hát giao duyên là chính, có trai làng cùng tham gia hát biểu diễn với phường Xoan).

Điểm nổi trội của Hát Xoan là Hát Quả cách. Đây là lối hát cách hay còn gọi là trình diễn các quả cách, mà nội dung gồm những bài hát mừng chúc đức vua và các bài ca nói về lịch tiết, lịch sử, nghề nghiệp của cư dân nông nghiệp trồng lúa. Theo các nhà nghiên cứu, gọi là “Quả cách” vì “quả” là một bài ca dài, giống như một áng văn, một chương đoạn, một diễn ca… Còn “cách” là một lối hát, một bài bản cụ thể.

    Mỗi Quả cách có 3 phần: Giáo cách, Đưa cách và Kết cách. Giáo cách là phần mở đầu, còn gọi là “Giang đầu” hoặc “Bỉ đầu” do một người dẫn cách hát. Nội dung chính của Quả cách được gọi là Đưa cách, được trình bày bởi một nam dẫn cách, tốp nữ hát - múa phụ hoạ đệm theo). Kết thúc Quả cách là Kết cách và phần này thường do một cô đào hát. Cuối mỗi bài Quả cách thường kết thúc bằng lời kết, ví như:

“Cách ấy đã qua

Giở qua cách khác”

Hát Xoan ở Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Các nhà nghiên cứu âm nhạc và lịch sử đã đồng quan điểm khi khẳng định, Hát Xoan là nghệ thuật hát thờ Vua Hùng, vì thế phần Hát lễ là không thể thiếu để bắt đầu cho một chiếu Xoan. Phần Hát lễ bao gồm Hát chúc, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám (nghi thức mở đầu). Tiếp theo là 14 Quả cách, mỗi quả có nội dung khác nhau, kể về cách làm ăn, kinh nghiệm đồng áng, hoặc kể về một sự tích và cách trình bày cũng thay đổi.

Hát Xoan không chỉ dừng lại ở việc hát và múa, mà loại dân ca cổ này còn là sự hội tụ của nghệ thuật diễn xướng. Đào - kép phường Xoan không chỉ biết múa, hát mà còn phải biết “diễn”. Đây là đặc điểm chính của phần Hát hội. Việc trình diễn hết sức hấp dẫn bởi ca từ, âm nhạc, múa và diễn xướng rất phong phú, sinh động. Toàn bộ phần hát lề lối cuối của Đúm, Xin hoa - Đố chữ, Cài hoa - Mó cá… là các màn đối ca nam - nữ. Ví như:

Xin huê (Xin hoa):

Anh xin nàng chút huê trong đụn

Huê trong đụn anh thuận huê gì?

Cài huê (Cài hoa):

Thơm thanh một cánh huê hò

Lòng anh muốn lấy nhà trò họ Xoan

Sự ứng đối giữa đào (nữ) và kép (nam) diễn ra rất ngẫu hứng và sinh động. Khi bị người nam hát chọc tức, người nữ đã dùng quả Đúm để làm phương thức trả lời. Đúm bao gồm một bọc trầu cau cùng những đồng tiền và một chiếc khăn. Quả Đúm từ tay đào được liệng sang phía kép. Kép nào bị Đúm rơi trúng vào thì lập tức phải hát trả lời. Điều đáng lưu ý là chỉ có nữ mới được liệng Đúm khi Hát Xoan. Bởi là lối hát giao duyên giữa nam và nữ nên câu hát đối có phần tự do, phóng khoáng. Nhưng vì diễn xướng giữa chốn cửa đình nên những ca từ trong lời chọc ghẹo nam – nữ không được lả lơi, mà phải nghiêm túc.

Hát Đúm:

Đào ơi, đào dích lại đây, đào dịch lại đây

Anh cầm quả Đúm trao tay cho đào

Khi nhận được quả Đúm, chàng kép đã cất tiếng hát gửi tới đào Xoan:

Đúm này kết ở tay ta,

Nào đào hát Đúm đâu là đứng lên;

Nhác trông mơn mởn màu da,

Đào ơi đứng dậy, đôi ta hát thờ.

Lắng nghe câu hát của chàng trai, nếu cô gái ưng ý sẽ lại ngân nga:

Đúm ơi, ta dặn Đúm nghe,

Tìm nơi quần trắng, áo the, Đúm vào.

Đúm vào, người hỏi làm sao,

Em là quả Đúm, em vào kết duyên.

Cứ thế, bên này đào hát, liệng Đúm; bên kia kép bắt lấy và hát chọc ghẹo lại… Mỗi điệu hát như một ca cảnh được diễn trên chiếu Xoan hết sức hấp dẫn. Cuộc vui diễn ra sôi nổi và cuốn hút khiến những người tham gia mê mải suốt đêm xuân.

Về vùng Đất Tổ linh thiêng, trong không khí những ngày xuân, bất cứ ai cũng muốn thưởng thức Hát Xoan với ước vọng về một năm mới đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc. Được đắm mình trong những khúc hát cổ, người nghe sẽ cảm nhận được tấm lòng thành kính của con dân Lạc Việt ngàn năm với Vua Hùng, với Tổ tiên. Những câu Hát Xoan đã nuôi dưỡng, sưởi ấm tâm hồn và làm giàu có thêm nền văn hóa của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Bùi Thị Ánh Vân

 

Top