Một văn kiện quan trọng của Bác Hồ chuẩn bị kháng chiến

Đó là bản Chỉ thị của Người “Công việc khẩn cấp bây giờ” năm 1946 được gửi đi các cấp lãnh đạo, các địa phương để đẩy mạnh công việc sửa soạn kháng chiến.

Tài liệu được Bác viết tay, gồm hai trang trên giấy đã đánh máy một mặt. Bản gốc được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Ảnh chụp bản gốc văn kiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như chúng ta biết, sau khi ở Pháp về nước tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy nhân dân Việt Nam rất khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh lớn do thực dân Pháp gây ra. Vì vậy, Người đã giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên chiến khu cũ tìm địa điểm, chuẩn bị cho việc di chuyển cơ quan của Đảng và Nhà nước; đồng thời cho chuyển ngay một số trang thiết bị kỹ thuật về căn cứ địa. Người cũng chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhanh chóng thu mua muối, bí mật chuyển lên các kho ở Việt Bắc chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Người cũng đích thân về thăm và kiểm tra vùng Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Đông), Hậu Ái (Hoài Đức, Sơn Tây) để chuẩn bị cho cuộc trở lại Việt Bắc.

Buộc phải chuẩn bị chiến đấu là điều ngoài ý muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta. Người đã từng tuyên bố khi phóng viên báo Pari- Sài Gòn rằng: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm… Cuộc chiến tranh sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do.”

Và tài liệu “Công việc khẩn cấp bây giờ” đã ra đời thể hiện tinh thần ấy. Đọc tài liệu chúng ta thấy rõ những quan điểm cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ gian khổ và nhất định thắng lợi.

Trước hết Chỉ thị nêu rõ “Kháng chiến và Kiến quốc” là hai nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta phải chuẩn  bị. Để thực hiện hai nhiệm vụ này thì chúng ta phải thực hiện “Một mặt phá hoại; Một mặt kiến thiết. Phá hoại để ngăn địch; Kiến thiết để đánh địch”. Hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc đều cần phải có người, hơn nữa phải có rất nhiều người để thực hiện các công việc về quân sự, kinh tế, chính trị. Do đó trong Chỉ thị Bác đặt ra nhiệm vụ tăng cường đoàn kết toàn dân để chủ động chuẩn bị con người có đầy đủ phẩm chất cách mạng, có tinh thần yêu nước để thúc đẩy những công việc trên các mặt:

Về quân sự: tổ chức bộ đội, dân quân, chỉ huy bộ đội, làm khí giới, cung cấp lương thực…

Về kinh tế: Tăng gia sản xuất gạo, muối, mua bán thủ công mỹ nghệ, vận tải…

Về chính trị: Thực hiện công tác tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, động viên nhân dân…

Đặc biệt trong lúc này Bác rất chú trọng người thực hiện nhiệm vụ về giao thông. Người nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” Bác đặc biệt chú trọng đến vai trò của người đảng viên. Người nêu rõ đảng viên phải gương mẫu, phải rửa sạch những thói hẹp hòi, phô trương hình thức, tự cao tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hóa. Người đề ra những tiêu chí cụ thể để người đảng viên phát huy được vai trò của mình. Đó là phải nêu cao tính “kỷ luật, hoạt bát, siêng năng, dũng cảm, có sáng kiến, làm kiểu mẫu. Trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe”. Nếu người đảng viên phát huy được vai trò lôi kéo được nhiều người hăng hái tham gia kháng chiến; chọn được đông đảo thanh niên để huấn luyện, đào tạo họ thì đó chính là đảm bảo kháng chiến thắng lợi.

Một nội dung quan trọng trong chỉ thị đó là sự nhất quán quan điểm về kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Bác viết: “Ta phải hiểu và phải cho dân ta hiểu rằng: cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ. Dù địch thua đến 99%, nó cũng rán sức cắn lại, vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang…”.Vì vậy “ nó sẽ tàn phá khủng bố rất dữ dội. Mục đích là mong làm cho dân ta hoảng sợ, do hoảng sợ đến đầu hàng”. Bác cũng giải thích vì sao ta phải kháng chiến trường kỳ. Bởi vì địch thực hiện chiến tranh chớp nhoáng nên dân ta phải kiên quyết chống lại cho qua giai đoạn “chớp nhoáng” của địch thì chúng sẽ thất bại, ta sẽ thắng. Phải xây dựng cho được niềm tin đó trong nhân dân. Bác viết: “Ta phải có và phải làm cho dân ta có Tín tâm Quyết tâm. Dùng lời lẽ giản đơn, rõ rệt mà giải thích cho quần chúng. Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân. Qua khỏi trận khủng bố ráo riết của đích, thì ta sẽ thắng lợi.”

Những ngày sống trong độc lập, tự do và hòa bình do Cách mạng Tháng Tám đem lại sẽ không còn nữa. Nhưng những ngày hạnh phúc đó sẽ trở thành động lực và niềm tin của nhân dân ta. Trong phần cuối của Chỉ thị quan trọng này Bác đã nhắc đến động lực và niềm tin đó. Người viết: “Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật, leo lói trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân… Ta sẽ tổ chức du kích khắp nơi. Tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê…”

Đúng như tên gọi và ý định của tác giả, bản Chỉ thị ngày 5 tháng 11 năm 1946 của Bác đã biến thời gian hơn một tháng cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến trở thành lực lượng vật chất vô cùng quý báu để toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới. Ngày 13 tháng 12 năm 1946, Hội nghị các khu trưởng từ Khu 4 trở ra được triệu tập tại Hà Đông để kiểm điểm tình hình và xây dựng kế hoạch tác chiến. Đến lúc đó, theo tài liệu của Bộ Quốc phòng, cả nước ta đã có 8 vạn quân chính quy, khoảng 1 triệu dân quân du kích và tự vệ, 12 chiến khu (1, 2, 3, 10, 12 ở Bắc Bộ, 4, 5, 6, ở Trung Bộ và 7, 8, 9 ở Nam Bộ, chiến khu 11 là Hà Nội).

Trước sự ngang nhiên khiêu khích của thực dân Pháp, ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp phiên bất thường (mở rộng) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi phân tích sâu sắc âm mưu của địch và tình hình cả nước, Hội nghị quyết định: động viên sức người, sức của của toàn dân tộc, tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị cũng quyết định nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến là: toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với lời thề “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Như vậy, ra đời hơn một tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cùng với các nghị quyết khác của Đảng, Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của Bác đã đặt cơ sở vững chắc cho đường lối của Đảng ta về một cuộc kháng chiến trường kỳ, nhất định thắng lợi.

TS Nguyễn Thị Tình

Top