Một tư liệu mới về hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài

Bảo tàng Hồ Chí Minh với chức năng là cơ quan nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và giới thiệu các tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua luôn luôn quan tâm đến công tác sưu tầm tài liệu hiện vật ở cả trong và ngoài nước. Công việc này đã được sự nhiệt tình ủng hộ không chỉ các cá nhân, các cơ quan ở trong nước mà còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình và có kết quả cụ thể của các cá nhân, các tập thể và cơ quan nước ngoài. Hàng ngàn các tư liệu, hiện vật mới đã được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng. Nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu với bạn đọc của Tạp chí Thế giới Di sản một trong những tư liệu mới đó.

Như chúng ta biết, cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản về hoạt động tại Trung Quốc và các nước Đông Nam châu Á. Rất nhiều báo cáo của Người được gửi từ đây cho Quốc tế cộng sản và các Đảng cộng sản trên thế giới. Trong các báo cáo đó có tấm bản đồ Malayxia (bao gồm cả Xingapo ngày nay vì đến năm 1965 Xingapo mới tách ra khỏi Malaixia) Nguyễn Ái Quốc vẽ tay và đánh dấu các địa phương, nơi có các tổ chức Công hội.

Tấm bản đồ được lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Anh, do một người bạn của nhà văn, nhà báo Mỹ- chị Lady Borton, tìm thấy và chuyển cho chị vào năm 2005 và chị Lady Borton đã chuyển cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khi chuyển cho Bảo tàng chị Lady Borton có nói rằng đây là bản bạn chị đã scane lại theo đúng kích thước và màu sắc của bản gốc. Đây cũng đã là điều rất quý rồi vì các bạn không thể cho bản gốc và bản gốc vẫn được lưu giữ ở Lưu trữ Quốc gia Anh.

Điều rất quý và quan trọng là kèm theo tấm bản đồ có ghi tên một số địa danh và  các ký hiệu về các tổ chức công hội ở Malaixia, Nguyễn Ái Quốc còn có một bản chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Huy Hoan, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, một chuyên gia dịch các bút tích tiếng Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm ở Bảo tàng khẳng định đây chính xác là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản ghi chú bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc đều có nội dung giống nhau. Cụ thể như sau:

 Bản đồ này căn cứ vào hiện trạng điều tra trước tháng 10-1929, nay đã có nhiều thay đổi.

 Xiêm, Răngun, Java và công hội ở đó cùng châu Bali (châu Bali rất ít người java) hiện chuyển trực thuộc Tổng Công hội Malaixia chỉ đạo.

 Bản đồ có thể không thật chuẩn xác, chủ yếu là đánh dấu vị trí và các thành phố.

 Trừ bán đảo Malaixia, những vùng khác chỉ vẽ sơ lược.

 Địa danh ghi bằng tiếng Anh có thể chưa chuẩn, chỉ để tham khảo.

 Việt Nam cũng có công hội, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ có chịu sự chỉ đạo của Tổng Công hội Mã Lai hay không?.

Ở phần ghi chú này tác giả còn ghi rõ thời gian và địa điểm: MôHan, ngày 3 tháng 3. ( năm 1930).

Để cho người đọc hiểu rõ các ký hiệu trên bản đồ, ở phần chú thích còn ghi lại các ký hiệu đó và mỗi ký hiệu đều có nội dung riêng và cụ thể như sau:

Tổng công hội các địa phương;

Công hội hoặc phân hội ở các địa phương;

Chi bộ của công hội (chi hội) hoặc chưa thành lập chi hội;

Khu công nhân nghèo;

Trung tâm sản xuất cao su;

Trung tâm sản xuất thiếc;

Trung tâm sản xuất quặng sắt.

Từ tấm bản đồ và những ghi chú kèm theo là những tư liệu rất quý để làm rõ thêm hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh sau khi Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa xuân năm 1930.

TS Nguyễn Thị Bình

Top