Một bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long trên huyện đảo Phú Quốc

Khơi dậy và huy động nhiều nguồn lực cho hoạt động bảo tàng dựa vào đâu? Làm thế nào để hoạt động bảo tàng có hiệu quả đến cộng đồng?… Ý nghĩa thực chất của vấn đề “xã hội hóa hoạt động bảo tàng”?

Tạo ra nhiều hoạt động văn hoá nhằm góp phần cùng phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng huyện đảo Phú Quốc trở thành Trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, văn minh và hiện đại.

Xây dựng một bảo tàng tư nhân trên địa bàn huyện đã được nung đúc nhiều năm qua trong tâm thức của ngươi doanh nhân trẻ Huỳnh Phước Huệ chủ cơ sở trưng bày hiện vật biển, rừng và bán quà lưu niệm “CỘI NGUỒN” toạ lạc trên đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Trải qua hơn 9 năm hoạt động kinh doanh, mài mò tìm hiểu, sưu tầm, huy động hiện vật từ các nguồn trong nhân dân nhiều loại cổ vật quý hiếm qua các thời kỳ, hoạt động của cơ sở mang dáng dóc một bảo tàng tổng hợp và với các phương thức hoạt động tương đối hiệu quả trong phần trưng bày đã thu hút trên 80% khách du lịch tham quan Phú Quốc đến nơi đây. Mọi sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, hiện vật, con người, mọi thủ tục pháp lý đã được hoàn chỉnh, ngày 23/2/2009 cơ sở Cội Nguồn chính thức được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 411/QĐ-UBND cho phép thành lập bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Kiên Giang.

Bảo tàng tư nhân - Chuyện không dễ làm?

Không ít các nhà sưu tập tư nhân nhận xét khi Luật Di sản văn hóa ra đời đã tạo nên một làn gió mới đối với giới hoạt động bảo tàng nói chung và với giới sưu tập nói riêng. Trên cơ sở xã hội hóa hoạt động bảo tàng, Ở Kiên Giang chúng ta nói chung, Phú Quốc nói riêng đã xuất hiện một số nhà sưu tập thành lập nhóm, và đã ra đời vài câu lạc bộ của những nhà sưu tập tư nhân họ cũng có dự định tổ chức bảo tàng tư nhân…

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải nhà sưu tập nào cũng có khả năng xây dựng được một bảo tàng tư nhân đúng tiêu chuẩn hoặc về địa điểm, diện tích mặt bằng 500m², hoặc đạt chuẩn về điều kiện môi trường, trình độ chuyên môn công tác bảo tàng… 

Các nhà sưu tập tư nhân thừa nhận họ đã bỏ ra nhiều tiền để sưu tầm đồ cổ như một thú đam mê. Nhưng để có được điều kiện để xây một bảo tàng tư nhân thì phải đành… án binh bất động.

Bảo tàng Cội Nguồn - Bảo tàng tư nhân ở Phú Quốc (Ảnh: TL)

Sau khi Quyết định số 178/2004]QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020”, các dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai, và những chính sách kêu gọi đầu tư và ưu đãi cho người nước ngoài được thực thi, các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào Phú Quốc. Đó là niềm vui không chỉ của riêng Huỳnh Phước Huệ mà của tất cả mọi người trên huyện đảo chúng ta. Nhưng với góc độ là một người làm kinh tế, kết hợp với bảo tồn di sản văn hóa, Huệ tỏ ra lo ngại khi dự án được triển khai  không khéo sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa của Phú Quốc.

Do vậy, tranh thủ khi dự án mới triển khai, Huệ cố gắng sưu tầm tất cả những gì thuộc về Phú Quốc càng nhiều càng tốt với hy vọng mở một phòng trưng bày hay một bảo tàng của riêng mình để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc và nói gần hơn là bảo tồn di sản văn hóa của Phú Quốc. Huệ tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở hòn đảo tận cùng của Tổ quốc, đảo Phú Quốc, nên với tôi, Phú Quốc là tên gọi thân thương nhất, là tình yêu, là trăn trở, là nỗi nhớ khắc khoải mỗi lúc đi xa. Do vậy, khi trở về quê hương, tôi mong muốn đem hết tâm huyết của mình để quảng bá và gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của Phú Quốc thông qua Cội nguồn”.

Với ý nghĩa này, những năm qua cơ sở trưng bày hiện vật biển, rừng và bán quà lưu niệm “CỘI NGUỒN” đã từng bước xây dựng các khu trưng bày, tìm và bổ sung nhiều hiện vật từ đất, rừng, biển mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền của nhân dân sinh sống trên huyện đảo và đã phát huy tốt các giá trị đó, tạo được điểm nhấn một trong những mô hình văn hóa của địa phương thu hút khách tham quan, được các cấp lãnh đạo Trung ương và Tỉnh ngợi khen.

Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn Phú Quốc chính thức ra mắt và đi vào hoạt động đúng vào ngày 30/4/2009. (Ảnh: TL)

Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn Phú Quốc chính thức ra mắt và đi vào hoạt động đúng vào ngày 30/4/2009. Hiện nay, bên cạnh việc giới thiệu các hiện vật tại địa phương, việc sưu tầm hiện vật, cổ vật được cơ sở huy động từ nhiều nguồn trong nhân dân địa phương, thực hiện nhiều phương thức hoạt động mang tính hiệu quả cao, đậm bản sắc của dân tộc.

Tổng diện tích hoạt động trên 1,5 ha gồm các hạng mục: nhà trưng bày cổ vật 316m2, nhà trừng bày mỹ nghệ lũa gỗ 204m2, nhà trưng bày tranh nghệ thuật, ảnh thời sự về đất nước con người và kinh tế, văn hoá, xã hội huyện Phú Quốc qua các thời kỳ 864m2, khu quà lưu niệm, trưng bày sản phẩm ngọc trai 450m2, nhà sàn truyền thống vùng nông thôn Phú Quốc 146m2, nhà tổ đường họ tộc, tín ngưỡng dân gian 99m2, kho lưu trữ 224m2, khu bảo tồn chó xoáy, đại bàng biển, ó biển…2.000m2, phần còn lại dành cho hệ thống cây xanh, đường đi vào các khu, hồ nước, thác, suối tự tạo… Với 2.645 cổ vật (gốm, đá, sứ, đồng, gổ hóa thạch) đã được Hội đồng thẩm định Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang kết hợp Bảo tàng lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh giám định 1.120 cổ vật gồm: công cụ đá thời Tiền-Sơ sử, cổ vật từ các tàu đắm quanh vùng biển Phú Quốc, cổ vật sử dụng trong cuộc sống của người dân Phú Quốc, gốm Việt Nam…có niên đại từ thế kỷ XI - XIX…, 540 hiện vật (bàn ghế và tác phẩm nghệ thuật chế tác từ lũa gổ; dụng cụ ngành nghề truyền thống địa phương: nước mắm, trồng tiêu, khai thác, đánh bắt hải sản…; đồ dùng sinh hoạt gia đình nông thôn qua các thời kỳ; phiên bản trống đồng Ngọc Lũ; xương cá ông, bò biển, heo rừng, nai, nanh heo rừng; máy hát đĩa đầu thế kỷ XX), 300 thư mục, tài liệu về Phú Quốc, trên 100 tác phẩm tranh nghệ thuật dân gian, trừu tượng, hiện đại đã trở thành một bảo tàng tổng hợp của Phú Quốc.

Bảo tàng tư nhân một hoạt động xã hội hoá cần một “cú hích”?  

Một góc ở Bảo tàng Cội Nguồn (Ảnh: TL)

Tạo điều kiện phát huy giá trị của các nhà sưu tập tư nhân như thế nào để mang lại hiệu quả việc xã hội hóa hoạt động bảo tàng hiện nay? Từ những kinh nghiệm thực tiễn công tác thời gian qua, anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang đặt vấn đề: dù ở hình thức bảo tàng tư nhân hoặc phòng trưng bày sưu tập tư nhân thì cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trong đó có các bảo tàng nhà nước. Việc cùng phối hợp nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu sưu tập, hướng dẫn nghiệp vụ chắc chắn sẽ là công việc hữu ích và có sự tương tác qua lại giữa bảo tàng nhà nước, bảo tàng tư nhân và các nhà sưu tập tư nhân.

Sự tương tác qua lại này rất có ý nghĩa lớn trong trường hợp bảo tàng tư nhân được đánh giá có tầm cỡ quốc gia. Nhiều ý kiến cũng nêu vai trò “bà đỡ” của các cơ quan quản lý song song với chính sách bảo vệ, bảo quản của nhà nước về sưu tập quý hiếm. Như vậy, để tạo điều kiện tốt về xã hội hóa hoạt động bảo tàng, nhà nước cũng nên dành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi, thỏa đáng hơn cho hoạt động này. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm để ngăn ngừa sự “chảy máu cổ vật” ra khỏi địa phương thậm chí ra nước ngoài.

Trong khi ở một số tỉnh, thành trong nước mở các chiến dịch “hồi hương các di sản văn hóa” của địa phương họ bị trôi nổi ở các nơi thông qua nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp như quỹ bảo vệ di sản, phát triển di sản thông qua ngân sách của công ty, của tư nhân... thì vấn đề này ở tỉnh ta còn quá nhỏ bé, ít ỏi.

Một góc ở Bảo tàng Cội Nguồn (Ảnh: TL)

Xã hội hóa hoạt động bảo tàng cần khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng lực trong toàn dân. Chính vì thế, thực sự vẫn cần có những “cú hích” thúc đẩy hoạt động công tác bảo tàng, sưu tập từ nhà nước đến tư nhân .

Phú Quốc với Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc- một bảo tàng tổng hợp của tư nhân đầu tiên ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo thêm mô hình mới trong hoạt động văn hoá ở địa phương, cần được nhiều sự quan tâm từ các ngành, các cấp tạo điều kiện kiện tốt để bảo tàng chuyển tải, phát huy tốt chức năng hoạt động, là địa chỉ để người dân và nhất là các em học sinh huyện nhà nghiên cứu học tập, giữ gìn và phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của Phú Quốc.

Thái Khanh