Mối quan hệ giữa Hát Xoan Phú Thọ trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Hát Xoan Phú Thọ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đó là sự ghi danh có ý nghĩa mang dấu ấn lịch sử về loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng Đất Tổ. Bài viết này tôi trình bày đôi nét về vai trò Hát Xoan Phú Thọ trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng là để tri ân với tổ tiên của dân tộc Việt Nam đã để lại trên miền đất cội nguồn.

Chúng ta đều biết Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại là đặc trưng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chính vì lẽ đó mà tôi cho rằng, Hát Xoan Phú Thọ bản thân là một di sản cực kỳ quý hiếm, có những giá trị tự thân về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ nghệ thuật mà nó còn có mối quan hệ khăng khít máu thịt với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong Hát Xoan có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có Hát Xoan Phú Thọ. Trong lịch sử của mình, Hát Xoan Phú Thọ nuôi dưỡng, bảo tồn Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Khi trình diễn Hát Xoan thì ngẫu nhiên,  chặng Hát Xoan đầu tiên giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám là một nghi thức linh thiêng hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính. Vì vậy, vai trò Hát Xoan cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bởi vì, như trên tôi đã nói Hát Xoan Phú Thọ trong lịch sử của mình đã mang bản chất nội tại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (Ảnh: TL)

Càng điều tra, nghiên cứu, khảo sát về Hát Xoan Phú Thọ chúng ta càng nhận ra giá trị tự thân vô cùng quý của Hát Xoan Phú Thọ.

Tôi có may mắn sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, đặc biệt được nghe nhiều các nghệ nhân Hát Xoan ở các làng Xoan cổ: An Thái, Thét, Phù Đức, Kim Đới trình diễn. Đặc biệt, gần đây tham dự việc phục hồi hát nước nghĩa giữa các làng cổ trong tiến trình thực hiện Dự án Chương trình quốc gia về Hát Xoan Phú Thọ ở làng Hoàng Chuế (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) với làng Thét, làng Cao Mại (Thị trấn Cao Mại - huyện Lâm Thao) với làng An Thái. Tôi dần dần ngộ ra một điều, chính việc Hát Xoan nước nghĩa giữa làng Xoan gốc với các làng Xoan lan tỏa đã góp phần duy trì và bảo tồn làm sống lại không khí Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Thờ cúng Hùng Vương được cộng đồng ở các làng khi làm lễ đã thực hành chu đáo, bài bản nghi lễ thờ cúng Hùng Vương rồi mới tổ chức Hát Xoan, tạo nên môi trường gắn kết cộng đồng một cách tự nhiên.

Hát Xoan có mối quan hệ khăng khít máu thịt với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Ảnh: TL)

Khi trao đổi với các nhà nghiên cứu cũng như các nghệ nhân, tôi nhận thức một cách sâu sắc giá trị tiềm tàng của Hát Xoan Phú Thọ, nó không ồn ào mà sâu lắng, không phô trương mà đằm thắm mượt mà. Đó phải chăng là cái duyên, cái giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã ăn sâu, hòa quyện vào Hát Xoan Phú Thọ từ thuở dựng nước Văn Lang.

Chính điều đó có thể đã trả lời một câu hỏi của nhiều người còn băn khoăn: tại sao Tổ chức Unesco lại đánh giá cao Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tại Hội nghị Liên Chính phủ tổ chức tại BaLi (Inđônêxia) với số phiếu đồng thuận cao nhất và vì sao Hát Xoan chỉ diễn ra ở một số làng lại trở thành Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại? Tôi được biết, rất nhiều người trước đây khi xem, nghe trình diễn Hát Xoan Phú Thọ thực sự đã ngấm vào cộng đồng với sự lan tỏa đáng kinh ngạc. Nếu như trước đây chỉ có 4 làng với 31 cửa đình lan tỏa thì ngày nay Hát Xoan diễn ra ở các địa phương, các cơ quan, trường học, khu dân cư.

(Ảnh: TL)

Hát Xoan Phú Thọ được trình diễn ở các hội nghị, liên hoan ở dưới đó khi diễn ra các sự kiện.

Điều gì đã làm nên thành tựu ấy? Điều gì làm nên sức sống của Hát Xoan Phú Thọ?... Có lẽ câu chuyện sẽ còn dài, còn phải có điều tra trong cộng đồng để có đánh giá tổng kết, nhưng tôi tin chắc rằng ẩn sâu trong đời sống cộng đồng của Di sản Hát Xoan chính là ở Hát Xoan ngoài giá trị về âm nhạc,… chắc chắn có âm hưởng đặc trưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà nó lưu giữ bảo tồn.

Tuấn Hoàng

Top