Mô hình bản văn hóa - du lịch ở Văng Pheo - Phong Thổ - Lai Châu

Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy, văn hoá các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu có nhiều kết quả đáng kể, hàng loạt các lễ hội cổ truyền được khôi phục và nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ như: Ngày hội văn hoá dân tộc Hmông tại Nặm Loỏng, thị xã Lai Châu; Hội Gầu Tào của dân tộc H Mông tại xã Giào San, huyện Phong Thổ; Lễ hội Nàng Han của dân tộc Thái Trắng tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội động Tiên Sơn tại huyện Tam Đường. Tiêu biểu nhất là chủ trương xây dựng các làng văn hoá dân tộc để phục vụ mục đích tham quan du lịch, trong số đó có bản văn hoá dân tộc Thái tại Vằng Pheo, huyện Phong Thổ.

Người Thái là tộc người lớn ở Lai châu, họ chiếm 33,7% dân số toàn tỉnh Lai Châu với hai nhánh Thái Trắng và Thái Đen, định cư lâu đời ở các bản làng và bảo lưu được nền văn hoá phong phú giàu bản sắc, biểu hiện qua hàng loạt các thành tố văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.

Người Thái ở bản Vằng Pheo của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là nhóm cư dân tiêu biểu của dân tộc Thái Tây Bắc với những đặc điểm của văn hoá Thái điển hình như: tập quán canh tác lúa nước và cách làm thuỷ lợi truyền thống “mương, phai, lái, lín” nổi tiếng, những ngôi nhà sàn bằng gỗ với hàng hiên rộng và chiếc Khau cút trên mái nhà, các nghề thủ công cổ truyền, trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm và cách tạo ra những bộ trang phục nổi tiếng của người phụ nữ Thái với chiếc áo cóm có bộ cúc bạc (Mák pém) long lanh, chiếc váy dài bó sát, chiếc khăn (Piêu) rực rỡ sắc màu của hoa rừng và cách búi tóc (Tằng cẩu) đặc biệt của phụ nữ Thái đen khi họ đã có gia đình.

Bên cạnh những nét tiêu biểu của văn hoá vật chất thì văn hoá tinh thần của người Thái cũng rất giàu có, đó là các loại nhạc cụ như cây đàn tính, là những bài hát, điệu múa khăn, múa xoè đặc sắc và những truyện thơ cổ giàu tính nhân bản như: Xống chụ xon xao, kho tàng ca dao, tục ngữ và các trò chơi dân gian, vẻ đẹp trong nếp sống và cách ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng, với thiên nhiên và nhiều lễ hội truyền thống mang màu sắc tộc người và thấm đậm chất dân gian như: Lễ hội Then kin pang, Lễ hội Nàng Han vào ngày 13-3 Âm lịch, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu vào ngày 15-9 Âm lịch hàng năm.

Khua luống trong Tết cốm mới của người Thái Trắng ở Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: TL

Chủ trương tiến hành xây dựng mô hình bản Vằng Pheo của người Thái Phong Thổ thành bản văn hoá - du lịch điểm của tỉnh Lai châu là chủ trương mang ý nghĩa văn hoá và xã hội sâu sắc, vì đây chính là việc hiện thực hoá vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hoá tộc người trong không gian văn hoá của chính cộng đồng dân tộc Thái ở Vằng Pheo, đồng thời, với việc phát triển dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan sẽ tạo ra cơ hội cho người dân Thái ở đây có dịp giới thiệu, giao lưu văn hoá của mình với các dân tộc khác và được hưởng những lợi ích kinh tế qua các hoạt động văn hoá đó.

Đến bản Thái Vằng Pheo hôm nay khách tham quan du lịch sẽ gặp một bản Thái khang trang, sạch đẹp mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Theo quy ước nếp sống mới, người Thái dọn dẹp vệ sinh toàn bản và trang hoàng 32 ngôi nhà sàn truyền thống được chọn làm các nhà sàn phục vụ khách du lịch, không còn cảnh nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà, mà nay họ còn trồng những luống hoa quanh nhà còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh lát gạch men nhờ tiền hỗ trợ của chương trình dự án của tỉnh, mỗi nhà khoảng 3-5 triệu đồng.

Nhờ công tác tuyên truyền, giáo dục tốt nên người dân Thái nhận thức được việc cần thiết phải góp công của mình vào việc cải tạo đường đi thuận tiện để đón khách du lịch vào thăm mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái tại bản mình được, nay đường vào bản được cải tạo thành đường bê tông để ô tô con có thể vào tận bản mỗi gia đình gần đường chia sẻ một vài mét đất để có thể cải tạo con đường vào bản to và rộng hơn xưa. Như vậy, bằng cách làm linh hoạt đó chủ trương xã hội hoá công tác du lịch và bảo tồn phát huy văn hoá Thái đã mang lại hiệu quả khá bền vững tại địa phương.

Nhà sàn nơi sống và sinh hoạt của người Thái. Ảnh: TL

Khách du lịch nước ngoài tới thăm bản có thể nghỉ lại qua đêm trong các ngôi nhà sàn, ăn các món ăn đặc sản của người Thái như nếp nương đồ, khẩu lam, rau rừng, cá nướng, các món pho từ cá và thịt, các món nước chấm rất đặc biệt của người Thái như nậm phịa, chẩm chéo.

Chương trình biểu diễn văn nghệ của 2 đội văn nghệ của bản khá phong phú và rất đậm đà chất Thái truyền thống, đó là các điệu múa, bài ca đã được các nghệ nhân cao tuổi trao truyền và huấn luyện, khách tham quan rất thích thú và hâm mộ, đây cũng là dịp giúp họ hiểu thêm về một tộc người thiểu số rất giàu bản sắc ở Tây Bắc.

Năm 2008-2009, là năm được mùa của bản Thái Vằng Pheo trong việc thu hút khách du lịch, cả bản có 90 hộ thì 76 hộ tham gia làm du lịch, hầu như tháng nào cũng có các đoàn khách đến thăm, nhờ đó mà thu nhập của các hộ khá tốt, bà con phấn khởi và nhiệt tình trong việc bảo tồn và phát huy cũng như trao truyền lại cho con cháu những nét đẹp đặc sắc của văn hoá Thái truyền thống qua các điệu múa, bài ca và các món ăn của dân tộc mình.

Mô hình hoạt động của bản văn hoá - du lịch Vằng Pheo đã trở thành một điểm sáng của phong trào phát triển và bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu với cách triển khai đúng hướng như gắn việc bảo tồn các di sản văn hoá với phát triển du lịch văn hoá sinh thái đem lại thu nhập kinh tế cho bà con. Đặc biệt, việc ngành văn hoá Lai Châu đã có chủ trương quan tâm và khuyến khích các nghệ nhân văn hoá cao tuổi trong cộng đồng mở các lớp dạy lại các làn điệu dân ca, các điệu múa cổ, hay dạy cách làm những món ăn đặc sản của người Thái cho các cháu nhi đồng và thanh niên nam nữ của bản.

Những cô gái Thái vui nhảy múa trong lễ hội. Ảnh: TL

Kinh nghiệm thực tế của bản du lịch văn hoá Vằng Pheo Phong Thổ Lai Châu cho chúng ta một bài học là khi tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá dân gian mang tính cộng đồng được chính các chủ thể văn hoá đó thực hiện thì đó là cách bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể một cách sinh động và bền vững nhất, bên cạnh đó cũng cần thiết phải có chủ trương xã hội hoá tạo điều kiện cho các chủ trương đó đi đúng hướng và có hiệu quả, bằng những biện pháp linh hoạt trong việc vận động sự đóng góp của quần chúng nhân dân trong việc góp phần triển khai công tác du lịch văn hoá cùng với việc bảo tồn bản sắc văn hoá tộc người. 

Hy vọng rằng, trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng và hoạt động tốt ở các tộc người khác trong các tỉnh của Tây Bắc, như một phương thức năng động trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các tộc người trong khung cảnh đổi mới và phát triển ở Tây Bắc.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Nga