MEDLATEC và nỗ lực bảo tồn di sản nhà khoa học Việt Nam

Cách đây 17 năm, ngay từ những ngày còn khó khăn, Bệnh viện MEDLATEC, doanh nghiệp y tế tư nhân, đã quyết định đầu tư cho một lĩnh vực khá mới mẻ ở nước ta, đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Thời điểm ấy, quyết định này được coi là “liều lĩnh”.

Tìm về ngọn nguồn

Vào năm 1993, bác sĩ Nguyễn Anh Trí (khi đó công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô) bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Khi nhìn bút tích sửa chữa của các thầy cô trong từng trang luận án, ông nảy ra ý tưởng muốn lưu giữ làm kỷ niệm suốt đời nhưng chưa biết sẽ làm thế nào. Ba năm sau, khi tu nghiệp từ Nhật trở về, ông cùng bạn bè xây dựng Phòng Xét nghiệm lâm sàng tổng hợp, thuộc Bệnh viện Đa khoa Tràng An, tiền thân của MEDLATEC ngày nay.

Đến đầu những năm 2000, khi đơn vị này định hình hướng đi trên lĩnh vực xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm tại nhà, Phó Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí quay lại thực hiện ý tưởng bảo tồn bút tích của những người thầy ngành Y. Ông chia sẻ với bạn bè, người thân và được ủng hộ ngay vì họ cùng chung lý tưởng, mong muốn đóng góp điều gì đó cho đất nước.

Nhớ lại ngày đó, thành viên Hội đồng sáng lập MEDLATEC, bà Võ Thị Ngọc Lan cho biết: “Chúng tôi đã tính mua đất làm kinh doanh bất động sản để thu lợi nhuận. Nhưng cuối cùng nghĩ rằng không nên làm thế mà quay về nghề y, vì đó là nghề của mình. Tư tưởng lưu giữ bút tích của các thầy ngành Y cứ len lỏi mãi trong chúng tôi mà chưa thực hiện được. Cuối năm 2003, chúng tôi quyết định lên Hòa Bình để mua mảnh đất khoảng 1ha. Đó là manh nha đầu tiên cho sự khởi phát Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (CVDS) hiện nay”.

Lấn sân sang lĩnh vực mới, không có cách nào khác là phải biết đứng trên vai người khổng lồ, những người sáng lập đã tìm đến PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) để mời làm cố vấn chuyên môn. Với kinh nghiệm dạn dày và sự tâm huyết với ngành Bảo tàng, PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng, muốn làm được bảo tàng ở Hòa Bình thì bắt buộc phải định hướng lại cách làm việc, phải sưu tầm các tài liệu và triển khai nhiều vấn đề khác. Lúc ấy tất cả mọi người mới nhận ra việc trưng bày và bảo tàng Hòa Bình chỉ là một nhánh và bắt buộc phải thành lập ngay một Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hà Nội. Cơ duyên và ý tưởng nhân văn trong sáng đã đưa những con người nhiệt huyết và trách nhiệm với di sản của nhà khoa học xích lại gần nhau.

Vạn sự khởi đầu nan. Theo những người sáng lập, việc tổ chức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn khó hơn việc tổ chức vận hành một đơn vị y tế là MEDLATEC. Sau khi Trung tâm được ra mắt tại Văn Miếu (9-2008), báo chí rộ lên thông tin về sự ra đời của một trung tâm văn miếu hiện đại để ghi danh, lập bia các tiến sĩ mà chưa rõ thực hư là tiến sĩ thật hay là tiến sĩ giấy… Trước búa rìu của dư luận, những người sáng lập vẫn vững tâm, tìm và giải thích với từng nhà khoa học về ý nghĩa chân chính của Trung tâm. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã kiên trì cùng đội ngũ cán bộ trẻ của Trung tâm âm thầm thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản di sản nhà khoa học một cách thầm lặng.

Cho đến vài năm sau đó, những câu hỏi đại loại như “Cơ quan tư nhân à? Tư nhân sao lại đi làm văn hóa? Có được lâu bền không? Có vì mục đích trục lợi?” luôn là câu hỏi mở đầu cho những câu chuyện khi nghiên cứu viên của Trung tâm tiếp cận với các nhà khoa học. Và cùng với những câu hỏi đó là ánh mắt dè chừng, thái độ dò xét, thậm chí không ít lần, các nghiên cứu viên của Trung tâm bị cánh cửa của nhà khoa học đóng sầm ngay trước mặt. Không nản chí, Ban lãnh đạo của MEDLATEC luôn đồng hành, họp bàn hàng tuần cùng cán bộ của Trung tâm để phân tích những khó khăn và tìm cách vượt qua. Mặc dù là những người làm việc ở ngành y tế nhưng Ban lãnh đạo MEDLATEC đam mê với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà khoa học. Bằng kinh nghiệm tổ chức, quản lý, họ đã đầu tư, động viên và luôn ủng hộ để hiện thực hóa những ý tưởng chuyên môn của công việc có ý nghĩa này.

Những ngày lăn lộn mua đất, giải phóng mặt bằng ở Hòa Bình cũng là những ngày tháng không thể nào quên. Cả một vùng đồi hoang sơ, chỉ có ngô, sắn, đu đủ và mía… cũng không thể làm nản ý chí của những người sáng lập. Họ di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình đa phần bằng xe máy để triển khai mở rộng dự án thành lập Công viên, đếm từng gốc chuối, cây sắn để đền bù cho người dân, không để họ thiệt. Nhớ lại lúc đó, bà Võ Thị Ngọc Lan tâm sự: “Chúng tôi nói thật với bà con là nơi đây sẽ là nơi mà con em của toàn thôn, xã làm việc. Vì lợi ích của con em chúng ta thì bà con nên ủng hộ dự án. Khi chúng tôi phân tích như vậy thì nhân dân đều nghe và ủng hộ. Nhìn vạt rừng hoang sơ, rắn rết, người bản địa còn ngao ngán, chứ không ai nghĩ đến một cơ ngơi như ngày hôm nay”.

GS Nguyễn Anh Trí thực địa tại Công viên Di sản

Trái ngọt

Từng bước, từng bước kiên trì, nỗ lực, qua hơn 12 năm gây dựng, hàng nghìn nhà khoa học đã gửi trọn niềm tin vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bằng cách trao tặng những tài liệu hiện vật gắn bó cả đời, đồng thời kể những câu chuyện, tự ghi lại ký ức cuộc đời cho Trung tâm. Hàng vạn bản thảo, thư từ, sổ ghi chép, thậm chí là nhật ký của các nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau được lưu giữ, bảo quản và giới thiệu thông qua các trưng bày và bằng những xuất bản phẩm. Khối lượng di sản ngày một nhiều thêm, phong phú, đa dạng về loại hình và là những tư liệu quý giá phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, nhất là sử học, nhân học.

Di sản của các nhà khoa học đang lưu trữ tại Trung tâm đã lan tỏa giá trị qua các bài viết, các cuốn sách, những thước phim tư liệu về các nhà khoa học. Những sản phẩm đó là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu của cả Trung tâm, khi nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam là việc hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ ở nước ta.

Lễ tiếp nhận tài liệu của GS Tôn Thất Tùng, 2012

Song song với việc tích góp tư liệu tại TTDS, CVDS đang được xây dựng tại Hòa Bình chính là một địa chỉ khai thác và phát huy giá trị di sản nhà khoa học mà những con kiến nghiên cứu viên đã tha về tổ. Những con kiến ấy mặc dù chỉ học một ngành như di sản văn hóa, lịch sử, nhân học, lưu trữ, nhưng họ thực sự đa năng trong công việc, có thể vừa làm nghiên cứu, sưu tầm vừa có thể làm trưng bày, lưu trữ, bảo quản, vừa trở thành những hướng dẫn viên du lịch tại CVDS.

Từ khi mở cửa đón khách (cuối 2017) đến nay, CVDS đã đón 150.000 lượt khách tham từ khắp nơi trong cả nước, với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau… Không gian xanh, sạch với những công trình kiến trúc có một không hai, cộng với giá trị di sản cốt lõi của nhà khoa học chính là điểm khác biệt, thu hút mọi đối tượng khách đến đây.

Nhiều nhà khoa học, du khách rất khâm phục tầm nhìn của  MEDLATEC, khi đã nhận ra những giá trị tiềm tàng và phổ biến điều ấy cho công chúng. Bà Phan Việt Liên, vợ cố GS.TS Trần Linh Sơn (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá: “Trung tâm đang cố gắng hết mình để từng chút, từng chút kỳ công gỡ các sợi chỉ, gắn kết chúng lại với nhau, làm cho tấm thảm ngày càng rực rỡ, hoàn thiện, để các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng, được tự hào học tập và noi theo... Những việc mà Trung tâm đã và đang làm thật to lớn và đáng quý biết bao”.

Dưới góc nhìn của người bảo tồn và quản lý các di sản văn hóa, TS Lê Minh Lý (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) khẳng định: “Trong gần 70 năm qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc để bảo vệ di sản văn hoá vật thể, di sản thiên nhiên và di sản văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, có một loài hình di sản vô cùng quan trọng, gắn bó hàng ngày với cuộc sống mà chúng ta chưa nhận thức được, đó là di sản của các nhà khoa học. Di sản này đang bị lãng quên. Nhìn lại chặng đường vừa qua có thể nói TTDS đã có một tầm nhìn chiến lược với phương pháp tiếp cận bảo vệ di sản của quốc tế”.

Hướng tới tương lai

Hiện nay MEDLATEC đã phát triển hệ thống lên 3 cơ sở và 28 văn phòng tại Hà Nội cùng chi nhánh tại 42 tỉnh thành trong cả nước, hoạt động đa lĩnh vực trong y tế, dược phẩm, công nghệ thông tin trong y tế, xây dựng các công trình y tế,... Với việc giữ vững nguồn đầu tư, MEDLATEC luôn coi sự phát triển Trung tâm Di sản và Công viên Di sản là một nhiệm vụ then chốt, chiến lược và là niềm tự hào của người MEDLATEC. Công viên Di sản được vận hành để trở thành một điểm đến độc đáo, mang tính khoa học, giáo dục văn hóa không chỉ cho vùng Tây Bắc mà là điểm đến của du khách cả nước. Nơi đó sẽ có một bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam, một trung tâm lưu trữ, một thư viện khoa học đa lĩnh vực… Rất nhiều nhà khoa học đã tin tưởng, gửi gắm với niềm tin vào bảo tàng trí tuệ Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh. Đó chính là CVDS - một nơi mà khách tham quan không chỉ giải trí mà còn học tập, tiếp lửa đam mê để sống, cống hiến giá trị cho xã hội, cộng đồng.

Một buổi họp bàn để triển khai công việc tại TTDS

Nói về tâm huyết, tầm nhìn chiến lược trong tương lai, người sáng lập  MEDLATEC, GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: Sau 24 năm hình thành và phát triển, từ những ngày đầu hoạt động, thành viên sáng lập chỉ mong muốn có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, đến nay, MEDLATEC đã tìm ra và tạo dựng, tự nhận lấy trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Các thế hệ của MEDLATEC kế cận nhau tạo thành một cuộc chuyển giao lý tưởng, đam mê một cách êm ái và bền vững. Sự nghiệp bảo tồn di sản nhà khoa học Việt Nam không tính bằng năm, chục năm mà phải tính bằng đời người, nhiều đời người, bởi các thế hệ nhà khoa học Việt Nam sẽ luôn luôn bổ sung và phát triển. Công việc này luôn luôn tiếp diễn.

Trong tầm nhìn chiến lược đó, trách nhiệm bảo tồn di sản nhà khoa học Việt Nam sẽ không chỉ là của  MEDLATEC, mà của tất cả những người tâm huyết với sự nghiệp này để gìn giữ một loại hình di sản mang giá trị lịch sử, nhân văn, khoa học cho cộng đồng, xã hội. Chúng ta cùng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, nơi di sản sẽ luôn được nâng niu, gìn giữ và tỏa sáng.

Thiên Hương

 

Top