Mẫu Liễu Phủ Nấp, một pho tượng độc đáo
Bên cạnh đó, đối với Đạo Mẫu, việc tiếp nhận các ảnh hưởng từ các thần điện Trung Hoa để hình thành lối thờ theo kiểu Tam Phủ, Tứ phủ bao trùm lên tín ngưỡng dân gian bản địa thờ các thế lực tự nhiên và thờ nữ thần để tạo thành những qui chuẩn nhất định. Cùng với đó thì các hình thức tranh thờ Đạo Mẫu cũng bắt đầu trở nên phổ biến. Các tranh thờ này chính là khuôn mẫu cho việc hình thành các tiếu tượng học Đạo Mẫu trong các đền phủ vào thế kỷ XVII.
Như vậy sự hình thành của một điện Mẫu từ thế kỷ XVII là do sự hội tụ của nhiều nhân tố khác nhau. Trong đó tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng đồng thời xuất hiện với sự phát triển, tiếp biến của hệ thống điêu khắc điện Mẫu này. Hình ảnh tiếu tượng học của bà cũng được dựa trên các quan niệm, cũng như các thần tích, truyền thuyết về sự thăng giáng được truyền tụng. Cho dù ra đời khá muộn màng nhưng Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã chiếm ngôi vị cao nhất trong điện thờ Mẫu, đó là Đệ Nhất Thượng Thiên Thánh Mẫu. Sở dĩ có sự ứng chiếu này là do truyền thuyết về bà vốn là Đệ Nhị Công chúa Quỳnh Nương, do phạm tội đánh vỡ chiếc chén ngọc bị giáng trần vào nhà ông bà Lê Thái Công. Gốc tích này khiến dân gian coi bà như là vị mẫu thần của miền trời được cử xuống để cai quản cõi đất.
Trở lại với pho tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong hậu cung của Phủ Nấp, có thể nói đây là một pho tượng mang tính chất đặc biệt. Nó không chỉ đơn giản là bức tượng khắc họa Thánh Mẫu với những tính cách chung chung mà ít nhiều liên quan đến một nhân vật có thực với những thần tích và thần phả. Người ta nhìn thấy ở pho tượng này tính chất tương đồng của hình tượng Mẫu Liễu Hạnh ở đây với lối tạc tượng hậu rất phổ biến trong các ngôi chùa Việt vào thế kỷ XVII - XVIII, kể cả về kích thước cũng như phong cách. Điều này được thể hiện ra trong dáng ngồi xếp bằng rất nghiêm cẩn. Các nếp áo được tạc một cách giản dị với hai lớp áo choàng ở ngoài và một chiếc yếm đào phía bên trong. Cách phục trang giản dị này khiến cho pho tượng trở nên sống động gần gũi.
Đối sánh cách thức tạo hình của pho tượng này với những pho tượng Mẫu Liễu được thờ trong các chùa, phủ, người ta cũng có thể nhận thấy sự khác biệt rất căn bản. Nếu tính chất lý tưởng hóa theo mẫu thức được qui chuẩn từ các tác phẩm tranh dân gian thì Mẫu Liễu thường được tạc theo tư thế ngồi trên ngai, hai đầu gối song song, một tay đặt trên đầu gối, một tay ấn quyết, dáng vẻ thư thái, mặc áo màu đỏ (Mẫu Thượng Thiên). Hoặc bà được tạc theo tư thế ngồi xếp bằng khoan thai, hai tay đặt lên hai đầu gối. Trên đầu bà thường được tạc đội một cái vương miện lộng lẫy. Mẫu thức này không chỉ áp dụng đối với các tượng Liễu Hạnh được tạc thờ trong các đền phủ, mà còn được áp dụng để tạc các nhân vật Thánh Mẫu khác, như Mẫu Thoải, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn. Điều khác nhau duy nhất ở các tượng thờ mẫu này là màu sắc các trang phục. Một số những tượng mới sau này người ta chú ý hơn đến việc tạc khăn hoặc vương miện cho đúng với đặc điểm nhân dạng của các vị thánh.
Tượng Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Nấp (Ảnh: TL)
Pho tượng Mẫu Liễu ở Phủ Nấp không chỉ giản dị trong trang phục mà trên đầu của bà cũng không đội vương miện lộng lẫy, chỉ đơn thuần là một chiếc chụp tóc búi cao, khiến cho gương mặt của bà trở nên gần gũi đời thường. Điều này đã làm nên giá trị đích thực của pho tượng Liễu Hạnh ở đây là sự khác hẳn với những mẫu thức đã được biết đến trong dân gian về hình tượng của bà.
Hơn thế nữa, có thể nói cái khéo của các nghệ nhân dân gian khi tạc pho tượng này chính là sự liên hệ giữa hình thức tạo tác và vị thế đặt pho tượng tại Vỉ Nhuế, Phủ Nấp. Theo ghi nhận của các thần tích thần phả, cũng như những văn bia câu đối ở các phủ trong Quần thể Di tích Phủ Dày thì lần giáng trần đầu tiên của Mẫu là ở Quảng Nạp (Phủ Nấp - Vỉ Nhuế) nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định. Như câu đối ở phủ chính Tiên Hương: Tam Thế luân hồi, vu vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn ngũ bách dư niên quang thực lục / Lịch triều ba cổn, vi đế nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, ức niên vạn cổ điện danh bang. Hay câu đối ở chính Phủ Nấp do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển ghi năm 1915: Giáng vu Vỉ Nhuế do tiền sự / Địa hữu Sòng Sơn thuộc hậu thời cũng chứng thực về lần giáng trần đầu tiên này. Cũng theo truyền thuyết thì trong lần giáng trần đầu tiên này bà là một cô thôn nữ.
Theo Quảng Cung Linh Từ phả chí do đệ nhị giáp tiến sĩ Quốc Tử Giám Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh (người xã Châu Mỹ, huyện Đại An, nay là huyện Nghĩa Hưng, Nam Hà, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, năm Tự Đức thứ 33, 1880) chấp bút thì Tiên chúa giáng sinh vào ngày mồng 6 tháng 3 trong gia đình ông Phạm Đức Chính, thôn Quảng Nạp vào năm Thiệu Bình nguyên Niên (1434) được đặt tên là Phạm Thị Nga (hay Phạm Tiên Nga). Bà có nhan sắc nhưng không chịu lấy chồng, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, cứu giúp người nghèo tu sửa đền chùa. Ngày mồng 2 tháng 3 năm Quý Tỵ niên hiệu Hồng Đức (1473) Tiên chúa về trời, thọ 40 tuổi. Tác phẩm Cát Thiên tam thế thực lục (bản khắc gỗ 98 trang, hiện còn lưu giữ ở Ý Yên) cũng ghi chép nội dung tương tự.
Như vậy việc bức tượng đồng tạc Mẫu Liễu Hạnh trong dáng vẻ một thôn nữ được đặt ở Phủ Nấp là có căn nguyên. Đồng thời nó cũng cho thấy cái thâm ý của người xưa khi tạo tác một tác phẩm nghệ thuật, chứ không đơn thuần áp đặt một hình thức đã được mẫu thức hóa về một nhân vật được hiển thánh trong dân gian.
Ngoài ra, bên cạnh khám thờ của Mẫu Liễu Hạnh, người ta còn thấy có đặt tượng hai con vẹt trắng. Hình tượng này khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện về nàng Kính Tâm trong các truyền thuyết dân gian về quan âm tống tử. Mặc dầu chưa thể lý giải tại sao lại có tượng hai con vẹt chầu hai bên ban thờ bà chúa Liễu, nhưng người ta có thể cảm nhận tính chất dung dị và đời thường của nhân vật này.
ThS Trang Thanh Hiền