Màu đỏ trong ngày Tết của người Việt

Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Đây cũng là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Trong không khí thiêng liêng của những ngày Tết cổ truyền, màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm.

Ở Việt Nam, mỗi độ Tết đến Xuân về, không khó để nhận ra sắc đỏ luôn là tông màu chủ đạo trong việc trang trí nhà cửa, trang phục cũng như các món ăn. Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc, phù hợp với không khí sum vầy và thiêng liêng. Nếu như màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang và thịnh vượng, chói lóa lẫn uy nghi thì chỉ cần một chút đỏ cũng đủ để vực dậy tinh thần. Đó chính là sức mạnh vô biên của màu đỏ. Chính vì vậy, đỏ được xem như một vị thần may mắn đem bình an, may mắn đến cho tất cả mọi người.

Ở Việt Nam, mỗi độ Tết đến Xuân về, không khó để nhận ra sắc đỏ luôn là tông màu chủ đạo trong việc trang trí nhà cửa, trang phục cũng như các món ăn

Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ Giao thừa đến rạng sáng Tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết “mồng Một” mới thôi! Ngay việc chọn trang phục màu đỏ để mặc cũng là một phong tục rất được ưa chuộng trong ngày Tết.

Ngày xuân màu đỏ xuất hiện khắp nơi, từ bàn thờ gia tiên cho đến góc bếp, cửa sổ, lối đi, góc vườn... Màu đỏ thể hiện tâm lý của gia chủ, cầu mong thần may mắn sẽ gõ cửa khắp nơi. Gia đình có thể sử dụng màu đỏ với tất cả các không gian trong nhà, tuy nhiên cách trang trí phải hợp lý để tạo sự hài hòa với các gam màu khác và tạo được tâm trạng phấn chấn, vui vẻ.

Gối màu đỏ với chữ Phúc - Lộc - Thọ ở phòng khách

Với phòng khách, là nơi có tần suất sử dụng lớn đặc biệt là trong dịp Tết thì có thể bài trí đôi câu đối, gối tựa sofa màu đỏ thêu chữ Phúc - Lộc - Thọ hay hình rồng phượng, mai lan cúc trúc để giúp ngôi nhà thêm đậm chất Á Đông, thảm trải sàn cũng cùng với tông màu này sẽ làm cho không gian rực rỡ hơn.

Để trang hoàng nhà cửa và thưởng xuân, từ các nhà Nho cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Gọi là câu đối đỏ vì theo quan niệm dân gian, màu đỏ là biểu tượng của sự sống mãnh liệt, của sự may mắn. Câu đối cũng còn được gọi là liễn. Liễn thường là những dải giấy màu đỏ hay hồng đào, hai đầu dải giấy có làm trục bằng gỗ hay bằng tre để khi treo lên thì dải câu đối được ngay ngắn. Cũng có khi liễn không cần có trục và chỉ là những dải giấy để tiện dán vào những nơi cần treo như ở hai bên bàn thờ, các cột nhà hay ngõ. Trước đây ở chốn thôn quê, mỗi khi Tết người ta còn cẩn thận dán liễn đỏ ở cửa chuồng trâu, bò hoặc thân cây dừa, nhãn, ổi,… để ngụ ý mong cho mọi sự được tốt đẹp như lợn, trâu, bò chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn.

Câu đối đỏ được các thầy Nho ưa chuộng

Trên bàn uống nước, sắp một đĩa hạt dưa bằng sơn mài màu đỏ hoặc bình hoa bằng gốm sứ tạo thêm nét sinh động. Trong những góc nhà chưng một vài chậu hoa cúc, mãn đình hồng với biểu tượng của sự quây quần, sum họp.

Ngoài mai và đào, người Việt còn chưng một cây quất đầy quả và nơ đỏ, tượng trưng cho một mùa xuân no đủ và sung túc. Hoa cắm cũng ưu tiên những loại hoa sắc đỏ luôn mang đến sự may mắn, tươi mắt và tràn đầy năng lượng, tạo nên không gian đầy màu sắc cho ngôi nhà trong những ngày vui đầu năm, ngụ ý cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình an khang và sung túc.

Hoa đồng tiền là loại hoa tượng trưng cho tiền tài, mang lại ước vọng về một năm mới thịnh vượng và tài lộc. Với hai loại đồng tiền đơn và đồng tiền kép, loại hoa này còn có nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, cam, vàng… giúp cho bình hoa ngày Tết của gia đình thêm bắt mắt, ấn tượng.

Hạt dưa đỏ là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt

Thông thường người ta thường nghĩ đến hoa hồng khi nhắc đến tình yêu, tuy nhiên, ngày Tết có thêm sắc đỏ của hoa hồng càng làm phong phú thêm bình hoa ngày Tết trong gia đình. Hoa hồng sắc đỏ cánh dày, lâu tàn, khoe nét đẹp đằm thắm, ấm áp tạo không khí sum vầy cho gia đình, loại hoa này cũng bán khá phổ biến tại chợ hoa, shop hoa tươi mà giá không cao. Trạng nguyên đỏ, một loài hoa có ý nghĩa vinh hiển, học vấn, công danh được thành công trong dịp năm mới.

Những cánh hoa đỏ thắm tượng trưng cho niềm vui về sự học hành đỗ đạt, trong nhà có con cái đang chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học bày hoa này cũng là lời chúc, sự mong muốn được đỗ đạt, công danh rạng rỡ. Một loại hoa chậu khác cũng được yêu thích trong dịp Tết chính là hoa sống đời. Loài hoa nhỏ nhắn nhưng màu sắc rực rỡ mang một sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Nó tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong gia đình.

Cánh hoa đồng tiền đỏ thắm tượng trưng cho niềm vui về sự học hành đỗ đạt

Bếp ăn cũng được tô điểm mà. Ng‎ời Việt sử dụng khăn ăn màu đỏ, bàn màu đỏ, có thể xếp khăn ăn màu đỏ và đặt lên bát sứ màu trắng và dùng giấy đỏ lót dưới đĩa ăn. Phòng bếp sẽ nổi bật hẳn, tạo nên sự khác biệt và đặc sắc trong mâm cỗ của ngày Tết.

Hoa tươi, nhang trầm và bộ lư đồng là vật không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Bạn có thể chọn hoa lay ơn đỏ hoặc hoa sen để chưng trên bàn thờ và ngày Tết. Bên cạnh mâm ngũ quả với đủ loại trái cây, một cặp dưa hấu to tròn giúp cho bàn thờ gia tiên ấm cúng thêm trong ba ngày Tết.

Màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền. Trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nhưng những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được nét bản sắc dân tộc.

Hoài Nam

Top