Mai An Tiêm - Huyền thoại và Di tích

Ở miền quê trù phú, núi sông kỳ tú thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, cách đây hàng ngàn năm là một hoang đảo nổi lên giữa biển khơi mênh mông, gắn liền với huyền thoại về Mai An Tiêm - người có công khai phá xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích “Quả dưa hấu” trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt thuở các Vua Hùng dựng nước.

Theo truyền thuyết: Mai An Tiêm tên là Mai Yển - hiệu là An Tiêm, là con nuôi Vua Hùng thứ 18. Thuở nhỏ, Mai An Tiêm là cậu bé thông minh, lanh lẹ. Lớn lên, Mai An Tiêm khỏe mạnh, chăm chỉ làm việc, lại khéo tay biết làm nhiều việc, nên được Vua Hùng quý mến và gả con gái nuôi làm vợ. Thời gian sau, vợ chồng Mai An Tiêm đã xây cất được nhà cửa khang trang, thóc gạo đầy nhà. Thấy thế, bọn người ganh tỵ tâu với Vua Hùng: “An Tiêm coi thường ơn vua. Hắn cho rằng của cải làm ra đều là nhờ ơn Trời và tài sức của hai vợ chồng hắn với các con”. Vua Hùng nghe tin giận lắm, liền truyền lệnh đầy cả gia đình Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang vắng ở biển đông.

Nơi hoang đảo, vợ chồng Mai An Tiêm cùng hai người con thương yêu của mình vật lộn với thiên nhiên, chọn hang đá làm nhà che mưa che nắng, dùng cành cây nhọn đào đất tìm nước uống, mài đá để lấy lửa, xuống biển mò cua bắt ốc để ăn... Một ngày kia, có một con chim trắng từ phía Tây bay tới làm rơi hạt cây màu đen xuống bãi cát trắng. Nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được, Mai An Tiêm đem hạt cây trồng thử. Mấy tháng sau, cây lớn bò lan trên mặt đất, có nhiều quả xanh thẩm to bằng đầu người lớn. Khi bổ ra ăn thử, thấy ruột quả màu đỏ, hạt đen, mùi vị thơm  ngọt. Mai An Tiêm đặt tên cho quả lạ đó là Tây Qua – vì chim đưa hạt từ phía Tây đến. Về sau, người Tàu ăn thấy ngon khen là “Hấu”, người về sau gọi trại đi là dưa hấu.

Lễ hội tưởng nhớ Mai An Tiêm tại xã Nga Phú (Nga Sơn, Thanh Hoá) (Ảnh: TL)

Mai An Tiêm đem hạt dưa gieo trồng khắp đảo. Khi có nhiều dưa rồi, Mai An Tiêm dùng que nhọn vạch chữ vào, thả xuống biển cho trôi đi khắp nơi. Thuyền buôn qua lại, vớt được trái dưa, ăn thấy ngon, liền tìm đến. Rồi từ đó tiếng đồn đi xa là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các thuyền buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng. Nhờ đó mà gia đình An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu. Tiếng đồn về quả dưa hấu khắp xa gần rồi đến tai Nhà Vua, Nhà Vua sai người ra đảo dò xét xem gia đình Mai An Tiêm ra làm sao, sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, Nhà Vua ngẫm nghĩ thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong Triều đình. An Tiêm về dâng cho vua cha giống dưa hấu mà mình may mắn có được, rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những nơi đất cát.  Kể từ đó, nước Văn Lang có thêm thứ trái cây danh tiếng. Chính vì vậy, người đời sau tôn An Tiêm là ông Tổ nghề trồng dưa hấu.

Ngày nay, trên vùng đất Nga Phú và một số xã lân cận còn có nhiều địa danh gắn liền với Mai An Tiêm. Nơi đảo hoang xưa gọi là bãi An Tiêm.   Ngọn núi - xưa kia là hoang đảo được nhân dân đặt tên là núi Mai An Tiêm. Hang đá - tương truyền là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm khi mới đặt chân lên nơi này được gọi là hang núi Mai An Tiêm. Ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì lập đền thờ hai vợ chồng chàng. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng An Tiêm trên đảo mỗi ngày  thêm đông đúc. Họ lập thành làng Mai An và dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật nổi tiếng ở Nga Sơn.

(Ảnh: TL)

Trải qua những biến cố thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, nhiều địa danh gắn liền với An Tiêm đã thay đổi, ngôi đền thờ Mai An Tiêm bị đổ nát hoàn toàn, nhiều đồ thờ bị hư hỏng. Đến năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ để có quy mô kiến trúc chữ “Đinh” với 5 gian nhà tiền đường và 3 gian hậu cung. Di tích Mai An Tiêm đã được xếp hạng cấp Tỉnh và là một trong những di tích trọng điểm nằm trong quần thể di tích thắng cảnh  phục vụ phát triển du lịch của huyện Nga Sơn. Trong thời gian tới, đền thờ Mai An Tiêm sẽ được tu bổ, tôn tạo khang trang với 5 gian tiền bái và 3 gian hậu cung phỏng theo kiến trúc đình đền Việt Nam. Cổng tứ trụ gồm 4 cột theo cổng tứ trụ truyền thống, trên đỉnh trụ đắp Phượng lật, bốn mặt lồng đèn đắp hoa văn trang trí hính Long - Ly - Quy - Phượng.

Hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng 3 Âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội với nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, đức tính kiên trì nhẫn nại và tình yêu quê hương xứ sở của Mai An Tiêm, đặng góp phần động viên thế hệ hôm nay phát huy truyền thống của ông cha thuở trước, đem hết năng lực, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây là khu vực chợ Nễ Châu, địa danh cuối cùng của Phố Hiến hạ - trung tâm thương cảng Phố Hiến thời kỳ phồn thịnh thế kỷ XVI - XVII.

Chùa Nễ Châu nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. (Ảnh: TL)

Tương truyền, chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thời Tiền Lê, quy mô ban đầu còn nhỏ. Khi Lê Hoàn đi qua đây đã cho khởi công xây dựng một ngôi chùa mới trên đất làng Phương Cái (ngày nay là thôn Nễ Châu), thay thế cho ngôi chùa cũ đã đổ nát. Khi Chùa xây xong, dân làng Phương Cái không đủ tiền trả công thợ. Lê Hoàn truyền rằng: “Nếu làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa thuộc về làng đó”. Bấy giờ, dân làng Nễ Châu nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nên đã trả được công cho thợ nên chùa thuộc về làng Nễ Châu từ đó.

Theo truyền thuyết dân gian, sách “Đất Hưng Yên” của Phạm Như Tiên và gia phả họ Nguyễn thì di tích đền và chùa Nễ Châu gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Bà sinh ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thân, quê ở Nễ Châu. Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây để chống quân Tống xâm lược, thấy bà xinh đẹp đã lấy làm vợ và xây cho một “Ngọc Dinh Thự” ở chợ Nễ Châu. Lê Hoàn còn mua thêm đất, phong cho Nguyễn Thị Ngọc Thanh làm Chính nhất Phu nhân. Bà đã có công giúp đỡ nghĩa quân cất giấu lương thảo, giặt giũ quần áo... Giặc tan, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, một phần do không có con, hơn nữa cha mẹ lại già yếu không có người phụng dưỡng, Ngọc Thanh đã xin Nhà Vua cho ở lại quê hương, Lê Hoàn đồng ý và cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu Trung Quốc Đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom Bà.

Ngày 15-8, Nguyễn Thị Ngọc Thanh qua đời, Nhà Vua thương tiếc đã cho lập đền thờ Bà ngay trước cửa Chùa Nễ Châu để phụng thờ và phong làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”. Ngày 10-9 Âm lịch, Lê Long Kính mất, được dân làng Nễ Châu phong làm Thành Hoàng làng và cũng được thờ tại Đền cùng với Ngọc Thanh Hoàng hậu.

Trải qua những biến đổi của thời gian, chùa Nễ Châu từng được trùng tu lớn vào thời Hậu Lê (thế kỷ thứ XVI, XVII - đúng vào thời kỳ phồn thịnh nhất của Phố Hiến). Dấu ấn kiến trúc chùa còn lưu giữ tại di tích hiện nay như hệ thống tượng pháp... mang đậm giá trị điêu khắc thời Hậu Lê. Chùa được thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc. Ngoài phần tiền đường và chính điện như các chùa khác, chùa Nễ Châu còn có hai dãy hành lang được đặt hàng trăm pho tượng với đầy đủ các sự tích của nhà phật. Trong hệ thống tượng tại chùa, bộ tượng Tam Thế và tượng Tuyết Sơn có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao.

(Ảnh: TL)

Năm 2004, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định trùng tu tôn tạo di tích cổ Phố Hiến giai đoạn II. Đây là dự án lớn, có nhiều hạng mục cần tu sửa, nguồn kinh phí cấp theo kế hoạch hàng năm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở kinh phí được cấp, cuối năm 2005 di tích được khởi công tôn tạo, tu sửa các hạng mục như: Tam quan, gác chuông, hành lang tả, hữu, nhà tiền đường, nhà tăng, tháp sư, nhà tổ, sân chùa và đường ra tháp với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, các hạng mục công trình kể trên đã hoàn thành và bàn giao cho Ban Quản lý di tích chùa. Cuối năm 2008, lễ khánh thành công trình trùng tu tôn tạo Di tích chùa Nễ Châu đã được tổ chức trang trọng.

Chùa có kiến trúc kiểu “Nội đinh ngoại quốc” bao gồm các hạng mục: tiền đường, thượng điện, nhà tổ và hai dãy hành lang. Tiền đường gồm 7 gian, dài 15m, rộng 5m. Hai bên đầu hồi là hai cột đồng trụ cao 3,5m, trên đỉnh cột đắp hai con nghê quay đầu vào nhau. Mái chùa lợp ngói mũi, chính giữa đường bờ nóc đắp nổi 3 chữ  Hán “Thụy Ứng tự” (chùa Thụy Ứng). Toàn bộ hệ thống hiên được chạm khắc rồng và hoa lá cách điệu. Kết cấu kiến trúc toà tiền đường kiểu vì kèo đơn giản. Trên thượng lương ghi rõ năm trùng tu “Bảo Đại nguyên niên (1926)”. Trên xà dọc được trang trí bằng các bức trấn phong chạm khắc hình lưỡng long mềm mại và tinh xảo. Các bức trấn phong đã được đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc, hoa văn trang trí thể hiện nét văn hóa thời Lê. Nối tiếp toà Tiền đường là toà Tam bảo dài 12m, rộng 5m. Toà Tam bảo có kết cấu kiến trúc kiểu vì kèo đơn giản. Hệ thống tượng thờ tại toà Tam bảo rất đa dạng và phong phú. Trong đó, có giá trị hơn cả là tượng Tuyết Sơn, đây là pho tượng gỗ cổ có niên đại từ thời Lê. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi suy tư, hai tay bó gối với thân hình gầy guộc, trán và chân tay nổi rõ những đường gân.

Chùa Nễ Châu thường tổ chức tế lễ hàng năm vào các ngày 15 tháng Giêng và ngày 15-8 Âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh và ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Ngày 10-9 (Âm lịch) kỷ niệm ngày mất của Lê Long Kính. Ngoài ra, vào những ngày lễ lớn của nhà Phật như: ngày Phật Đản, lễ Vũ Lan… cũng được tổ chức long trọng tại chùa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Những năm gần đây, chùa thu hút nhiều khách địa phương và du khách thập phương về dâng hương cầu may, thưởng ngoạn còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị trong đó có nhiều pho tượng quý. Năm 1992, chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, là một trong những công trình điêu khắc nghệ thuật có giá trị thuộc Quần thể Di tích Phố Hiến.

Hữu phong (Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Top