Lượn Slương của người Tày
Lượn thường được hiểu theo hai nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng, lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca người Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quan làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong slư (lượn phong slư). Theo nghĩa hẹp, lượn chỉ là những điệu hát giao duyên của người Tày mà thôi. Cả hai cách hiểu đều có lí, song có lẽ phổ biến hơn cả là cách gọi tên lượn theo nghĩa hẹp, tức là bộ phận hát giao duyên đối đáp của người Tày.
Lượn của người Tày gồm 3 loại: lượn cọi, lượn slương và lượn Nàng hai. Khác với lượn cọi là loại lượn sử dụng vần lưng để kéo dài khổ thơ, lượn slương chỉ dùng loại thất ngôn tứ tuyệt vào cuộc lượn, sau những bài mời của chủ bản, khi vào cuộc, chỉ có một đôi trai gái hát đối đáp với nhau, các bài hát đều hoặc nhập tâm, hoặc ứng khẩu chứ không phải có thầy dẫn như lượn cọi. Lượn slương thường được tổ chức vào ngày hội lồng tồng mùa xuân, hay vào những đêm trăng sáng trong dịp nông nhàn.
Lượn slương phân bố chủ yếu ở phía Tây - Nam của tỉnh - thuộc hai huyện: Thạch An, Phục Hòa tỉnh Cao Bằng và rộng khắp tỉnh Lạng Sơn. Có lẽ vì thế mà lượn slương còn có tên là lượn Lạng. Trong các thể loại lượn (lượn nàng ới, lượn cọi, lượn ngạn, lượn then, lượn hồng nhan tứ quý...), lượn slương là một trong những làn điệu dân ca danh tiếng, lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Lượn slương là hình thức hát giao duyên đặc trưng, phổ biến của bà con dân tộc Tày, nhất là những năm 60 thế kỷ XX trở về trước. Chủ thể chính là nam, nữ thanh niên giao lưu tình cảm, quyến luyến tìm hiểu nhau, rồi dẫn đến tình yêu đôi lứa. Ngôn ngữ của lượn slương rất tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng, bằng lối so sánh ví von kết hợp với tả thực, lượn slương đã chinh phục được đông đảo công chúng. Khi cất lên thành giai điệu thì lời ca bay bổng diệu kỳ, cuốn hút người nghe, kẻ hát. Giai điệu lượn slương êm ái, dung dị, ngọt ngào cảnh sắc núi rừng quê hương và lòng người da diết yêu thương, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Thể lượn slương sơ khai có lẽ do các văn nhân sáng tác, phổ biến. Về sau các thanh niên nam nữ dù ít học nhưng họ khéo chọn lời, ứng tác nhanh.
Có thể chia lượn slương thành 3 phần: Lượn đi đường, lượn sử và lượn chúc mừng. Trong đó phần lượn chúc mừng không phải là hát giao duyên, chỉ là lời cảm tạ của người lượn đối với gia chủ nên nó có tính chất gắn kết khá lỏng lẻo với cuộc lượn. Phần lượn sử với một thời gian khá lớn dành cho việc lượn về các truyện cổ dân gian của người Tày và các tích truyện có nguồn gốc Trung Quốc thể hiện chiều sâu của cuộc lượn slương khi tình cảm của người hát đã hết sức sâu nặng. Nhưng chính vì tính chất và nội dung của nó, lượn sử không có sức thu hút mạnh đối với người nghe. Còn phần lượn đi đường là phần chứa đựng nhiều tình huống bất ngờ nhất. Về mặt hình thức, đó là phút ban đầu thăm dò, tìm hiểu, làm quen, dỗi hờn, trách móc. Về mặt nội dung, tình cảm được diễn tả ở đây từ nỗi nhớ thương kín đáo, e ấp đến sâu sắc, mạnh bạo. Phần này rất được người nghe yêu thích và đây chính là phần trọng tâm của một cuộc lượn slương. Không có một cuộc lượn slương nào thiếu phần này dù cho hai phần kia có thể không lượn đến.
Đúng như tên gọi, lượn slương (nghĩa là lượn thương) nổi bật lên mục đích bộc bạch niềm thương nhớ nhuốm màu đau thương. Đó là nỗi buồn, nỗi đau cách biệt do cảnh ngộ và một niềm ước ao vô vọng về sự sum họp. Niềm bộc bạch nhớ thương này trong lượn slương đậm hơn rất nhiều nhu cầu giao duyên (tìm hiểu làm quen...) thường thấy ở các làn điệu dân ca giao duyên khác, khiến cho lượn slương nghiêng về phía diễn tả một tình yêu đã nặng sâu hơn là một tình yêu từ chớm hé. Và cách diễn đạt mang đậm sắc màu độc thoại hơn là những dấu hiệu hình thức của ngôn ngữ đối thoại.
Các chặng hát của lượn slương cũng như những làn điệu dân ca khác đều là những cái cớ, những khuôn mẫu tức cảnh để biểu lộ tán tỉnh. Chẳng hạn những chương như: Gà gáy, Đứng thuyền hái hoa hay Bốn mùa, Mười hai tháng thì đâu có nhằm mục đích miêu tả không gian và thời gian mà chỉ nhân đó để diễn tả lòng mình.
Đặc trưng của lượn slương cũng như các thể lượn khác của người Tày là hát công khai chủ yếu ở trong nhà, thu hút đông đảo bà con, cô bác trong làng đến lắng nghe, cổ xúy trước sự động viên khích lệ của người già và sự giúp đỡ tận tình của nghệ nhân từ khâu chuẩn bị, dẫn lượn và cả cuộc lượn. Nhưng hầu hết các thể lượn đều đặt theo thể thơ thất ngôn trường thiên (chữ thứ năm câu sau bắt vần với chữ thứ bảy câu trước), riêng lượn slương đặt lời theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Cũng như lượn cọi, lượn then, lượn slương có đủ các chương lượn mời, lượn khuyên, lượn đi đường, lượn tức cảnh, mừng nhà, mừng cánh đồng, lượn mười hai tháng, các loại trình chúc, lượn sử, lượn tích, lượn kết, lượn chia tay, v.v.
Lượn slương có những chương mà lượn cọi, lượn then chưa từng thấy như chương Năm canh khắc khoải hoặc chương Đi học. Những chương này phản ánh thực tế vùng lượn slương một thời ban đêm có tiếng mõ, tiếng trống của tuần đinh hoặc lính thú chứ không chỉ nghe tiếng gà, tiếng chim khuya như các vùng khác. Ở đây cũng gần hơn với nơi có trường ốc học hành thi cử, việc đi học mới trở thành ước vọng của tuổi trẻ.
Các sổ lượn slương chỉ thấy ghi lời của nam, không thấy ghi lời nữ. Trong đời sống, nam lượn đối, còn nữ dựa theo ý nam lựa lời đáp lại. Như vậy, có thể nói phụ nữ Tày phần nào sáng dạ, nhớ lâu, phản ứng nhạy bén hơn nam.
Lượn slương, vốn dân ca quý báu đậm đà bản sắc văn hóa của ông cha để lại cho chúng ta, sợi dây kết nối các chàng trai, cô gái, là chỉ tơ hồng xe duyên những lứa đôi. Đồng thời, là nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân các dân tộc. Lượn slương cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, phát triển trường tồn cho cả hậu thế tương lai.
Bàn Trung (tổng hợp)