Là một trong số dân tộc rất ít người ở Hà Giang, nhưng đến nay người Pu Péo vẫn còn giữ được cơ bản những nét sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa truyền thống, tiêu biểu trong đó phải nói đến “Lễ vào nhà mới”.
Dân tộc Pu Péo. Ảnh: dongvan.gov.vn
Lễ cúng vào nhà mới của người Pu Péo bao giờ cũng được tổ chức vào gần sáng, từ khi gà mới gáy lần thứ nhất. Trước khi vào nhà mới, thầy cúng phải thắp hương cúng tổ tiên ở nhà cũ (nếu tách hộ thì phải cúng ở nhà bố mẹ đẻ của chủ nhà) để xin về nhà mới, sau đó cúng các vị thần linh chung quanh nhà rồi thắp hương ở bếp sưởi, bếp lò và cửa ra vào. Tiếp đó thầy cúng và chủ nhà mỗi người đốt một bó đuốc ở bếp sưởi của nhà cũ rồi cả nhà dẫn nhau đến nhà mới, mang theo một nia gạo, một chiếc nồi, ba ông đầu rau và một con gà trống.
Ðến nhà mới, thầy cúng vào trước, vung đuốc khắp nhà để đuổi tà ma, rồi ném đuốc ra ngoài cửa. Tiếp đến chủ nhà dùng bó đuốc nhóm đống lửa ở gian Thoang Plu cạnh nơi đặt bếp sưởi và đào một hố hình vuông (sâu 20 cm rộng mỗi chiều 50 cm) ở giữa nhà, chiếu thẳng với ban thờ tổ tiên và cắm ba nén hương vào đó.
Tiếp theo là nghi thức lễ giết gà cúng thần bếp. Sau khi cắt tiết, vặt lông và mổ gà, người ta đổ cả tiết, lông và nước làm lông vào hố bếp.
Lúc này, ông cậu (cậu em mẹ hoặc em vợ chủ nhà) mới lấp hố bếp, lấy ba hòn đá kê làm ba ông đầu rau và châm lửa vào bếp. Vì tục này mà người Pu Péo gọi các ông đầu rau nhà mình là Peo Chau (hòn đá của cậu). Sau đó, ông cậu treo một miếng vải đỏ ở giữa cửa để xua tà ma, vừa làm ông ta vừa nói to những lời chúc phúc cho gia chủ. Chỉ sau khi thực hiện xong nghi thức ở bếp thiêng và cửa ra vào mới được nhóm lửa bếp lò để đun nấu lễ vật cúng ở bàn thờ tổ tiên.
Người Pu Péo thờ đến ba đời (Pệ - đời bố mẹ; Tế ngân - đời ông bà; Tế gạo - đời các cụ), ứng với mỗi đời là một chiếc hũ (loog ten) đặt trên bàn thờ. Lễ vật cúng tổ tiên trong ngày vào nhà mới được tính theo số hũ thờ, thường thì mỗi hũ một con gà, năm nắm cơm nhỏ và một ít thịt. Sau khi cúng và đưa các hũ lên ban thờ mới, người ta lại phải cúng một lần nữa.
Mọi nghi thức phải hoàn tất vào lúc trời hửng sáng. Ðến khi trời sáng, họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng tân gia, người con gà, người chai rượu hoặc ít tiền chúc phúc cho gia chủ.
Nhà của người Pu Péo. Ảnh: vinaculto
Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở ở Đồng Văn vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ giân dân phong phú. Cùng với nghi thức về nhà mới còn Lễ cúng Thần Rừng vào ngày 6/6 Âm lịch hằng năm… những nét văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo đó đã đóng góp nhiều di sản văn hoá quý báu vào kho tàng văn hoá của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Theo cinet.vn