Lễ Kathina của người Khmer

Với đồng bào Khmer, chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Vì mọi hoạt động văn hóa tinh thần của cả cộng đồng người Khmer trong các dịp lễ hội luôn gắn chặt với ngôi chùa. Được tổ chức lễ Kathina là niềm tự hào và nguyện ước của mỗi gia đình người Khmer, thỏa niềm ước nguyện của lòng thành kính, lòng sùng đạo của người Khmer với chùa chiền, với văn hóa dân tộc mình.

Kathina theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, Kathina (viết là Kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo.

Kathina là lễ cầu mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên vui hạnh phúc. Những người đến chùa dự lễ ngoài việc cầu an cho gia đình ở kiếp này, họ còn cầu cho kiếp sau mình được sức khỏe, xinh đẹp, phú quý, con cái hiếu thảo...

Lễ dâng y Kathina là ngày lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng, nhất là các lễ vật thiết yếu dùng trong nhà chùa và dùng trong sinh hoạt của chư tăng; trong các lễ vật đó, chiếc áo cà sa là một lễ vật rất quan trọng không thể thiếu. Ngoài việc dâng các lễ vật thiết yếu đến ngôi Tam bảo, các tín đồ phật tử và các mạnh thường quân còn đóng góp kinh phí (gọi là dâng bong bạc), mục đích là để trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến đại đức chư tăng để các ngài yên tâm tu học, phụng sự phật pháp.

Theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa chỉ được tổ chức lễ dâng y mỗi năm một lần, ngày bắt đầu là 15 tháng 9 Âm lịch, hay còn gọi là ngày xuất hạ và kết thúc vào dịp lễ Óc – Om – Booc (15 tháng 10 Âm lịch). Trong vòng một tháng, mỗi chùa chỉ được ấn định một ngày cụ thể để thông báo cho phật tử biết và tiến hành làm lễ dâng y. Đại lễ dâng y thường do một thí chủ đứng đầu khởi xướng và mời các thí chủ khác cùng tham gia hùng phước, thông báo với chư tăng về thời gian tổ chức lễ để các ngài làm lễ thọ y. Trường hợp không có người đại diện khởi xướng, lễ dâng y sẽ được tổ chức với hình thức tập thể, do Ban Quản trị nhà chùa đứng ra tổ chức và kinh phí để mua các vật dụng đến chư tăng được quyên góp mỗi nhà một ít tùy lòng hảo tâm. Ngoài ra, để tăng thêm phần long trọng nhiều chùa còn kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống để vui chơi giải trí vào ban đêm.

Muốn được tổ chức lễ Kathina nhiều gia đình phải hợp lực và có sự chung tay của các con cháu, anh em trong tộc họ. Thế nhưng, chi phí cao không làm họ thui chột đi tinh thần với văn hóa dân tộc, vì với họ, chi phí càng cao đồng nghĩa với việc lễ Kathina của gia đình họ, dòng họ được tổ chức chu đáo và thành công.

Tuy tốn nhiều chi phí như vậy, nhưng không phải gia đình, dòng họ nào trong phum sóc muốn tổ chức là được, điều đó phải có sự đồng ý, chấp thuận của vị sư cả trong chùa, của cả phum sóc. Có năm, nhiều gia đình, tộc họ nào đó muốn đứng ra tổ chức một đám rước Kathina riêng nhưng cũng chưa chắc được, bởi vì, nếu trong năm đó, phật tử trong bổn sóc có nhiều người muốn được tổ chức thì phải có buổi họp tại hội đồng của chùa, sau đó sẽ đi đến quyết định lễ Kathina năm đó sẽ được rước chung hay do một gia đình, một dòng họ nào đó tổ chức. Thông thường, khi được tổ chức lễ Kathina, nhiều gia đình sẽ cúng dường thêm cho nhà chùa một kỷ vật nào đó như chiếc giường, bàn ghế, tủ… để ghi nhận thời gian tổ chức, lòng thành kính của họ đối với nhà chùa, cũng như góp phần trang bị vật dụng cho nhà chùa.

Hiện nay, khi đời sống kinh tế của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã được nâng lên rõ rệt thì các lễ Kathina hằng năm tại các chùa luôn được tổ chức lớn hơn, mang đầy đủ nét văn hóa truyền thống hơn. Trung bình hàng năm mỗi chùa có từ 3-5 đám rước. Thậm chí còn có nhiều đám rước của Phật tử ở các phum sóc và tỉnh, thành lân cận. Vì là lễ dâng y lên sư sãi của bổn chùa nên việc tiến hành tốn rất nhiều chi phí, mọi thứ phải chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu.

Lễ dâng bông, dâng y cà sa của đồng bào Khmer thường diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên diễn ra tại chùa, các sư sãi đọc kinh cầu nguyện để phum sóc an lành, cầu phúc cho mọi người gặp nhiều may mắn. Ngày thứ hai, đồng bào Phật tử trong phum sóc sẽ tổ chức một đám rước quanh phum sóc và xung quanh chánh điện như minh chứng cho lòng thành thành của họ trước khi làm lễ dâng bông và dâng áo cà sa lên sư sãi. Để tăng thêm phần long trọng cho đám rước, nhiều gia đình còn kết hợp thêm các loại hình nghệ thuật truyền thống vào lễ rước như tổ chức hát, múa Rô băm, Dù kê…

Lễ dâng bông của từng địa phương, tuy cách làm cây bông mỗi nơi có khác nhau đôi chút nhưng việc tiến hành lễ và mục đích lễ ở cả khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung đều rất giống nhau. Tất cả đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao. Điều này dễ dàng nhận thấy qua hình ảnh ngôi chùa ở từng phum sóc. Dù nhà ở của con sóc còn đơn sơ, đời sống còn khó khăn nhưng ngôi chùa của họ vẫn cứ uy nghi, tráng lệ. Trong không gian yên bình, ngôi chùa vươn mái cong lên nền trời xanh như một niềm kiêu hãnh, một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng. Lễ hội dâng bông, dâng y cà sa của người Khơmer mang ý nghĩa sâu sắc cho việc tín ngưỡng và làm theo những gì phật dạy để từ đó hình thành nên nhân cách con người. Thông qua các hoạt động trong ngày lễ đã tạo nên sự gần gũi và thân thiện, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm trong đồng bào dân tộc Khmer và các dân tộc anh em từ đó cũng được thắt chặt hơn.

Thanh Mỹ

 

 

Top