Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn

Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn trở thành “quốc lễ” của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Chùa Côn Sơn có tên chữ  là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, tức là ngôi chùa được trời ban phước lành. Cuối thế kỷ XIII, Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo mang ý thức dân tộc, tự chủ đã dựng liêu Kỳ Lân cho các tăng ni tu hành. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị tổ xác lập thiền phái này thường về đây tu hành, hoằng dương phật pháp. Đặc biệt, đệ tam Tổ Huyền Quang khi về trụ trì chùa Côn Sơn đã xây dựng Côn Sơn trở thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.

Lễ hội Côn Sơn khai hội vào ngày 16 tháng Giang âm lịch hàng năm.

Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, Trúc Lâm Đệ tam Tổ viên tịch tại chùa Côn Sơn. Lễ kỷ niệm ngày giỗ của Thiền sư Huyền Quang trở thành lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn, ngày quốc tế ân ban của dân tộc để tưởng nhớ công lao vĩ đại của 3 vị tổ Phật giáo Việt Nam: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn trở thành “quốc lễ” của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Thực hiện Đề án Nâng cấp Lễ hội truyền thống Côn Sơn- Kiếp Bạc giai đoạn 2006- 2010, nhiều nghi lễ, diễn xướng, trò chơi dân gian được phục dựng thành công với nội dung phong phú, chuẩn mực, giàu chất dân gian, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 2012, Lễ hội chùa Côn Sơn được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mở đầu các nghi lễ trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn là lễ khai hội, tổ chức vào sáng 16 tháng Giêng Âm lịch với sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương cùng các tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương. Sau chương trình biểu diễn văn nghệ và trống hội chào mừng rộn rã, đại diện lãnh đạo tỉnh, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đọc diễn văn khai hội và cung tuyên thân thế, sự nghiệp của Đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Trong không khí linh thiêng, trang trọng, hòa cùng tiếng trống chiêng, tiếng nhạc lưu thủy hành vân, mọi người kính cẩn dâng nén tâm hương trước Phật, Thánh, tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân cùng niềm tin ước nguyện được linh ứng.

Sau khi làm lễ dâng hương khai hội, các đại biểu cùng nhân dân tham gia nghi lễ rước nước, mộc dục. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội chùa Côn Sơn, mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm tượng), đồng thời biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng; biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc...

Lễ rước được tổ chức long trọng, hoành tráng kéo dài hàng ki lô mét với đầy đủ nghi trượng, cờ hoa, lễ phẩm... rước từ chùa đến hồ Côn Sơn. Tới hồ, đoàn nghi lễ rước bình thủy lên thuyền rồng đến nơi nước trong và sạch nhất làm lễ xin nước. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, bình thủy được rước về chùa, an vị, các nhà sư làm lễ trì chú, mộc dục theo nghi thức truyền thống của Phật giáo. Kết thúc buổi lễ, những người tham dự lễ mộc dục lần lượt tưới lên thần vị Tam tổ Trúc Lâm những giọt nước thơm tinh khiết và đồng tâm niệm cho thân tâm an lạc, quốc thái dân an...

Lễ rước nước hội mùa xuân Côn Sơn.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào sáng 17 tháng Giêng Âm lịch. Núi Ngũ Nhạc nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn, có 5 đỉnh. Đây là năm ngọn núi thiêng tượng trưng cho năm phương (tứ phương và trung phương) mỗi phương ứng với một hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Năm miếu mang những chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Vì thế, trong tín ngưỡng dân gian tế trời đất tại Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an...    

Lễ tế trời đất được tổ chức tại Trung Nhạc Miếu do các pháp sư thực hiện. Vật phẩm gồm lễ chay, lễ mặn, hương hoa, ngũ cốc... Sau khi pháp sư thực hiện xong các nghi lễ cúng, tế đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban Ngũ cốc cho nhân dân. Ngũ cốc dâng tế là 5 loại hạt: thóc, ngô, đỗ, vừng, lạc đã được chọn lọc kĩ, lại được Phật, Thánh, Trời, Đất chứng giám… mang về trộn vào Thóc giống, Ngô giống, Đỗ giống, vừng giống, lạc giống gieo trồng; mùa màng bội thu, muôn dân no ấm, thanh bình… để đầu năm sau lại mang Ngũ cốc lên tế tạ ơn Trời, Đất.

Lễ đàn Mông Sơn thí thực diễn ra vào tối ngày 23 tháng Giêng Âm lịch. Đây là nét văn hóa tâm linh tiêu biểu trong Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn. Theo quan niệm Phật giáo, thế giới cõi âm có vô vàn cô hồn không nơi nương tựa. Lập đàn thí thực để thể hiện uy linh Phật pháp và tinh thần từ bi hỉ xả cứu độ chúng sinh, cứu vớt cô hồn tại chốn Phật đường. Đây là hình thức đại chay đàn, mang tính phát chẩn quốc gia, diễn ra nơi quốc tự.

Côn Sơn là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, “quốc tự” của đất nước. Lễ hội Côn Sơn được coi là “quốc lễ”. Bởi vậy, tổ chức lễ đàn Mông Sơn thí thực tại chùa Côn Sơn là nét đẹp văn hóa Phật giáo, thể hiện uy linh của tam tổ Trúc Lâm, Tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; đồng thời bố thí cho các cô hồn âm thế trong toàn quốc Việt Nam để cứu độ chúng sinh, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, thiên hạ thái bình...

Lễ đàn Mông Sơn được thực hiện uy nghi, chuẩn mực gồm các nghi thức: Nhiễu đàn, đọc khóa cúng, bắt quyết, múa long hồ, sái tịnh chân ngôn, khai hoa kết ấn, dâng lục cúng, thỉnh mời cô hồn, tuyên sớ cầu an... Kết thúc lễ đàn, những người tham dự chen nhau vào cướp đồ lễ (cướp cháo thí) để lấy may, bởi “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.

Lễ hội chùa Côn Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, độc đáo mà còn hấp dẫn bởi các hoạt động hội đa dạng, phong phú mang tính đặc thù như:

Thư pháp: là một phong tục đã có từ lâu đời, một thú chơi sang nhất trong bốn thú “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng“. Tuy nhiên, chơi thư pháp không phải nơi nào cũng có, thư pháp thường chỉ xuất hiện ở những vùng văn hiến mà điển hình là Di tích Côn Sơn. Vào những ngày lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn, du khách đi lễ đầu năm thường xin một con chữ để mong cầu cho những ước mơ, khát vọng của mình được như ý. Bởi vậy, nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành; những câu nói tình nghĩa về quan hệ: cha mẹ - con cái, vợ -chồng, thầy - trò...; các con chữ thể hiện phúc, tài, lộc; sự nghiệp hiển vinh... Hay những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn của danh nhân Nguyễn Trãi, Huyền Quang cũng được du khách rất yêu thích.

Đối với người Việt, cho và nhận chữ đầu năm là một mỹ tục. Thế nên, thư pháp còn mang cả giá trị phi vật thể, không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Hội thi bánh chưng, bánh dày tổ chức vào ngày 14, 15 tháng giêng Âm lịch. Hội thi có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương. Bánh đạt giải sẽ được rước lên chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc Linh Từ, đền Kiếp Bạc... kính dâng lên Phật, Thánh. Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy không chỉ mang lại không khí vui nhộn cho lễ hội mà còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc bởi bánh chưng, bánh giầy là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt được lưu truyền từ bao thế hệ nay. Cùng với hội thi bánh chưng, bánh giầy, liên hoan pháo đất cũng là một trong những nội dung thu hút đông đảo du khách tham gia. Trong thời tiết se lạnh của mùa xuân, hội thi pháo đất như làm không khí của lễ hội nóng lên bởi không khí thi đấu diễn ra vô cùng sôi nổi trong tiếng trống, tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả. Hội thi không chỉ là một sân chơi rèn luyện sức khỏe mà còn thể hiện sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của thế hệ cha ông để lại; đã mang lại cho Lễ hội mùa xuân Côn Sơn một sức hút rất lớn với khách thập phương, tạo sự phong phú và chiều sâu cho lễ hội.

Đấu vật: Được tổ chức vào ngày 16 - 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại khu vực sân trước tam quan chùa, hội vật xuân Côn Sơn thu hút hàng trăm đô vật là thanh, thiếu niên đến từ các địa phương trong tỉnh và một số địa phương có phong trào vật phát triển như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Trò chơi đấu vật trong hội Côn Sơn.

Hội vật Côn Sơn ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

Ngoài ra còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người xứ Đông: Hát quan họ, múa rối nước, đập niêu, chọi gà, đu tiên... Các hoạt động hội, trò chơi dân gian đã góp phần tạo nên hội Côn Sơn- Kiếp Bạc  vui tươi, lành mạnh đem lại cho du khách những phút giây thư giãn, sự cảm nhận, khám phá đầy thú vị.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn năm 2017 sắp tới, ngoài những lễ nghi truyền thống, Lễ khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên hoa sẽ được long trọng tổ chức vào sáng ngày 16 tháng Giêng Âm lịch. Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa có từ thời Trần do Đệ tam Tổ Huyền Quang tôn giả xây dựng. Trong lịch sử chùa Côn Sơn, Cửu Phẩm Liên Hoa có ý nghĩa đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật và ý nghĩa Phật giáo. Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi có Phật Adiđà thường trú. Ở đó đường tu để đạt đến chính quả gồm chín phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen. Phật Adiđà ngự ở tầng phẩm cao nhất, tiếp dẫn chúng sinh về miền Cực Lạc. Các phẩm còn lại tùy theo công quả tu tập chúng sinh sẽ được vãng sinh vào các phẩm khác nhau.

Với những ý nghĩa như vậy, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa còn là nơi ngự trị của hàng ngàn, hàng vạn vị phật cùng vô vàn những linh hồn thiện tâm, thiện đức. Bởi vậy, sau lễ khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, buổi tối sẽ diễn ra nghi lễ Liên Hoa Hội Thượng, nguyện cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh... Một trong những nghi thức quan trọng của Lễ Liên Hoa Hội Thượng là nghi thức thả đèn hoa đăng, bởi Phật Adiđà còn có danh hiệu là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu khắp nhân gian, soi rọi đường cho chúng sinh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí tuệ. Ngài dùng trí tuệ để giáo hóa chúng sinh, từ trong đêm tối, nhờ vào ánh sáng trí tuệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được thắp lên là thêm một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người; là ánh sáng xua tan khổ đau, xóa bỏ thù hận để xây dựng một đất nước tươi đẹp, phồn vinh; là lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc...

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn với nội dung phong phú, chuẩn mực, đậm chất dân gian, trở thành điểm hẹn thiêng liêng của đồng bào cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Ngô Thị Lượng

Top