Lễ hội - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý

LTS: Ngày 16-5-2012, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Lễ hội- Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý”. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học và nhà quản lý văn hóa trên cả nước, với 30 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại các tiểu ban.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải nhấn mạnh: Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội được xem là một loại hình di sản tiêu biểu, vừa là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là một hình thức trình diễn dân gian hàm chứa các giá trị lịch sử, nghệ thuật. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại đòi hỏi phải giải quyết triệt để, kịp thời để công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nề nếp. Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị Hội thảo cùng trao đổi, góp ý, thảo luận làm rõ hơn nữa về mặt lý luận, nhận thức đối với bản chất, đặc trưng, giá trị, vai trò của lễ hội trong đời sống; cái chung và cái riêng của lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại; vấn đề quy hoạch và quản lý lễ hội; vấn đề quản lý môi trường; quản lý tiền công đức; vấn đề du lịch và phát triển bền vững; những giải pháp và kiến nghị nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung.

 Thế giới Di sản số 6-2012 (69) xin giới thiệu kết luận Hội thảo của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu và tham luận của PGS.TS Đỗ Văn Trụ tại Hội thảo.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu

“Lễ hội – Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý” là tiêu đề Hội thảo khoa học do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia tổ chức ngày 16 tháng 5 năm 2012 tại Hà Nội.

Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu về lễ hội, văn hóa dân gian, văn hóa học, nghệ thuật, xã hội học, dân tộc học, di sản văn hóa, Hán Nôm, tôn giáo... ; nhà quản lý trên những lĩnh vực có liên quan; đại diện một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý di tích...

Mục tiêu của Hội thảo là đi đến nhận thức chung về bản chất, đặc trưng, giá trị, vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội; các phương pháp tiếp cận về mối quan hệ giữa lễ hội với di sản văn hóa, với tôn giáo tín ngưỡng, du lịch và truyền thông. Trên cơ sở đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế, Hội thảo đề xuất và khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, tri thức và năng lực hoạt động thực tiễn trong tổ chức và quản lý lễ hội, bảo tồn bản sắc và phát huy giá trị của lễ hội. 

Để có điều kiện tập trung đi sâu trao đổi, thảo luận những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn đặt ra, Hội thảo chia làm 3 Tiểu ban:

Tiểu ban 1 về lý thuyết, nhận thức, phương pháp tiếp cận lễ hội.

Tiểu ban 2 về giá trị của lễ hội trong đời sống xã hội.

Tiểu ban 3 về giải pháp quản ký lễ hội.

Đây là những vấn đề mang tính lý luận, nhận thức có nhiều hướng tiếp cận khác nhau, đồng thời cũng là những vấn đề phức tạp mà thực tiễn đang đặt ra trong hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội. Vì vậy, chắc đây cũng chưa phải là cuộc Hội thảo cuối cùng. Tuy nhiên, với những bài tham luận được viết rất công phu, tâm huyết gửi tới Hội thảo và cuộc trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần khoa học nghiêm túc tại 3 Tiểu ban, những người tham gia Hội thảo mong muốn góp thêm cơ sở lý luận và khuyến nghị một số giải pháp thực tế, khả thi nhằm phát huy những kết quả tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Từ Hội thảo này, có thể rút ra một số vấn đề chủ yếu sau đây:

1. Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, lễ hội, đặc biệt là lễ hội cổ truyền, nói riêng, là đặc trưng tiêu biểu, dễ nhận biết nhất về bản sắc văn hóa dân tộc ta, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, có tính giáo dục cao về truyền thống, lịch sử, văn hóa; là chất keo kết dính, biểu dương sức mạnh của cộng đồng, thấm đượm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc.

2. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09-02-2011 về công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lễ hội; tổ chức thanh tra tại nhiều lễ hội lớn. Chính vì vậy, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức lễ hội diễn ra trên mọi miền đất nước với số lượng ngày một tăng, phong phú về loại hình, đa dạng về hình thức thể hiện. Nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của lễ hội được nâng cao thêm một bước. Ý thức bảo tồn và trao truyền văn hóa được Nhà nước và cộng đồng quan tâm. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lễ hội đã được bảo tồn, xây dựng hồ sơ khoa học, trong đó đã có một số di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới; một số lễ hội đã tạo được thương hiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội trong thời gian qua đã nảy sinh những lệch lạc mà nhiều nhà nghiên cứu và các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo. Tại Hội thảo này, nhiều bài tham luận đã khái quát thành những cụm từ như “đơn điệu hóa”, “trần tục hóa”, “quan phương hóa”, “thương mại hóa” lễ hội. Xu hướng đua nhau mở lễ hội không cần “có tích”, nâng cấp lễ hội không cần tiêu chí, đưa thêm vào nhiều yếu tố mới làm biến dạng bản sắc dân tộc của lễ hội có chiều hướng gia tăng. Tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã; bói toán, cờ bạc trá hình; đặt quá nhiều hòm công đức, đặt tiền giọt dầu một cách tùy tiện, khấn thuê…làm mất đi tính linh thiêng ở nơi thờ tự, tính văn hóa trong lễ hội. Tình trạng đó cần có giải pháp đồng bộ, khả thi để khắc phục từng bước những hiện tượng nêu trên, trả lại cho di tích, lễ hội không gian thiêng, an toàn, môi trường sinh thái nhân văn.

3. Lâu nay, dư luận xã hội cho rằng, ở nước ta tổ chức lễ hội quá nhiều. Tại Hội thảo này có một số bài viết phân tích khá kỹ về số lượng các loại lễ hội để “giải mã” dư luận đó. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội cổ truyền (còn gọi là lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, hội, hội lệ), 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, 332 lễ hội lịch sử cách mạng và 41 lễ hội văn hóa – thể thao – du lịch (gọi chung là lễ hội hiện đại hoặc lễ hội mới, lễ hội đương đại). Mặc dù lễ hội cổ truyền, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài chiếm tới gần 95%, nhưng chủ yếu do cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo và giới trẻ tự đứng ra tổ chức, tự lo kinh phí là chính. Còn lễ hội hiện đại chỉ chiếm khoảng gần 5%, nhưng dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất và có nhiều bức xúc nhất, vì số lượng mấy năm nay tăng lên đột biến, trở thành “phong trào”, có xu hướng nâng từ cấp thấp lên cấp cao, quy mô mở rộng, huy động lực lượng lớn văn nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia, hình thức lễ hội na ná như nhau, mời quá nhiều khách là cán bộ nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tốn nhiều công sức, tiền của của Nhà nước, chưa tính đến hiệu quả các mặt, kể cả hiệu quả về kinh tế một cách thiết thực. Cộng đồng là chủ thể của lễ hội trở thành người đi xem hội.

4. Giữa lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại có cái chung, nhưng cũng có nhiều nét riêng cần nhận diện rõ để có cách tổ chức, phương pháp quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp. Nhưng dù là lễ hội cổ truyền hay lễ hội hiện đại cũng đều phải lấy cộng đồng là chủ thể thực hành, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lễ hội. Việc chuyên nghiệp hóa lễ hội, nhất là lễ hội cổ truyền, coi trọng quá mức mục tiêu kinh tế, thậm chí có nơi còn “đấu thầu” tổ chức lễ hội làm biến dạng ý nghĩa, tính đặc trưng, bản chất vốn có của lễ hội.

5. Để góp phần đưa công tác tổ chức và quản lý lễ hội đi vào nền nếp, phát huy bản sắc văn hóa, tính đa dạng, phong phú của lễ hội dân tộc, Hội thảo đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị sau đây:

5.1. Cần tiến hành một cuộc tổng điều tra khoa học, toàn diện, làm rõ nguồn gốc, đặc trưng, giá trị, quy mô, kể cả nguồn tài chính tổ chức lễ hôi; xác định quan điểm, tiêu chí và phương pháp phân loại về lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại ở nước ta, do một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành chủ trì. Trên cơ sở kết quả điều tra, cơ quan nhà nước nghiên cứu, xem xét loại hình lễ hội nào cần quy hoạch, cần phân cấp quản lý và xây dựng quy chế quản lý, cơ chế chính sách phù hợp với tính chất, đặc trưng của lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại.

5.2. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta không có sự nối tiếp liên tục về tổ chức lễ hội. Đó là một khoảng trống về mặt trao truyền văn hóa lễ hội. Ngày nay, tâm thức xã hội, sự biến đổi của lễ hội, cơ cấu của xã hội, đời sống kinh tế, môi trường sinh thái... cũng thay đổi nhiều. Vì vậy, chủ trương cộng đồng là chủ thể của lễ hội là đúng, nhưng trong điều kiện xã hội hiện nay, không thể “khoán trắng” cho cộng đồng, mà rất cần sự chung tay góp sức của các cụ cao niên hiểu biết về lễ hội trong cộng đồng, các nhà khoa học nghiên cứu về lễ hội và những người làm công tác quản lý di tích, các vị chủ trì cơ sở thờ tự phối hợp nghiên cứu sâu từng lễ hội dưới sự bảo trợ của chính quyền cơ sở, tạo sự đồng thuận của cộng đồng và hướng dẫn cộng đồng thực hành lễ hội. Có như vậy, cộng đồng ngày nay mới có thể trở thành chủ thể thực sự của lễ hội.

5.3. Lễ hội là hoạt động xã hội không thể thiếu sự quản lý của Nhà nước để việc tổ chức lễ hội đạt mục tiêu phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa, cố kết cộng đồng, an toàn, an ninh, trật tự. Tuy nhiên, vì tính chất và quy mô lễ hội khác nhau, nên việc tổ chức quản lý cũng phải linh hoạt phù hợp với tình hình và điều kiện ở từng nơi, khó có thể có một mô hình chung cho việc quản lý lễ hội ở tất cả các địa phương. Tại Hội thảo, các bài tham luận cũng như thảo luận ở các Tiểu ban, các đại biểu đều khẳng định và đánh giá cao vai trò của chính quyền và các ban, ngành của địa phương trong hoạt động tổ chức lễ hội; đồng thời cũng đề nghị cơ quan nhà nước không nên làm thay, can thiệp quá sâu vào những vấn đề chuyên môn của lễ hội để tránh làm biến dạng bản chất, đặc trưng, giá trị của lễ hội. Vai trò quan trọng nhất của cơ quan nhà nước là điều hành việc bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với lễ hội; nghiên cứu bảo tồn di sản lễ hội bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hóa lễ hội, cho cộng đồng tổ chức lễ hội; khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với lễ hội; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho di tích và người dân dự hội.

5.4. Về khái niệm “mê tín dị đoan” vẫn còn có nhận thức khác nhau. Có nhà nghiên cứu đề nghị tách riêng cụm từ này thanh 2 từ độc lập, vì xử lý việc thực hành gọi là “mê tín” không còn phù hợp với nhận thức chung của xã hội hiện nay. Có người cho rằng, không có cái gọi là “mê tín dị đoan” trong bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng cũng như trong lễ hội cổ truyền, mà chỉ có những cá nhân, những hành vi lợi dụng đức tin/niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của cá nhân, cộng đồng vào những mục đích phi văn hóa, trục lợi; vì vậy, cần xác định rõ đối tượng cần quản lý và đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Trong tham luận của mình, có nhà nghiên cứu đề nghị loại bỏ khái niệm “mê tín dị đoan” như là công cụ quản lý văn hóa, nghiên cứu kỹ để có đủ lập luận đề xuất đưa ra khỏi Hiến pháp khái niệm này. Đây là việc phức tạp, nhạy cảm, cần được nghiên cứu kỹ càng, có căn cứ khoa học, lập luận chặt chẽ, thuyết phục mà tại Hội thảo này chưa có điều kiện giải quyết ngay được. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể tổ chức một số cuộc họp chuyên gia về văn hóa dân gian, văn hóa học, xã hội học, ngôn ngữ học, Hán Nôm, triết học, luật pháp...nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận về khái niệm này và những vấn đề có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định trình hay không trình lên cấp có thẩm quyền bỏ khái niệm “mê tín dị đoan” trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến khái niệm “mê tín dị đoan” là việc cấm đốt đồ mã, lợi dung lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, đứng trên quan điểm nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho di tích (chống hỏa hoạn), cho người dự hội, bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn trong lễ hội, chống hành vi lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân để trục lợi thì việc ban hành những quy định về quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, hiệu lực thực thi trên thực tế của một số quy định là không cao, vi những hiện tượng nêu trên gắn với quan niệm về tâm linh, rất khó phân biệt đâu là hành vi lợi dụng, đâu là việc thực hành nghi lễ ở nơi thờ tự và trong lễ hội. Vì vậy, nên có cách làm thực tế hơn, theo đó Nhà nước chỉ đưa ra những yêu cầu chung mang tính nguyên tắc cần đảm bảo trong hoạt động lễ hội. Trên cơ sở những yêu cầu chung mang tính nguyên tắc đó, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các Ban quản lý di tích, các cơ sở thờ tự, Ban tổ chức lễ hội…ban hành các quy định cụ thể sát hợp với từng di tích, nơi thờ tự và lễ hội do mình quản lý hoặc tổ chức nhằm hạn chế đến mức có thể việc đốt vàng mã, đồng thời vận động, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các quy định đó. Không ai có thể làm thay, làm tốt hơn, hiệu quả hơn những người trực tiếp quản lý ở cơ sở.

5.5. Về việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, tiền lễ ở nơi thờ tự và lễ hội là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm. Các tham luận tại Hội thảo ít đề cập đến, nhưng lại rất sôi nổi khi thảo luận tại các Tiểu ban. Hiện nay, mô hình quản lý ở nơi thờ tự và tổ chức lễ hội rất khác nhau. Ở một số khu di tích lớn có Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích, các vị chủ trì cơ sở thờ tự, chính quyền cơ sở quản lý mặt bằng bên ngoài cho thuê dịch vụ, một vài nơi còn có hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy khó mà áp dụng một mô hình chung cho mọi nơi. Tuy nhiên, ý kiến chung của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham gia Hội thảo đều cho rằng, tiền công đức, tiền giọt dầu, tiền lễ ở nơi thờ tự, ở lễ hội mang tính tâm linh, là thiện tâm của người cúng tiến, nhưng đồng thời cũng là tài sản của xã hội. Vì thế, tổ chức, cá nhân quản lý nguồn thu này có nghĩa vụ thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, chi đúng mục đích, tránh lợi dụng làm lợi ích riêng, giải quyết hài hòa, hợp tình, hợp lý giữa công sức đóng góp cũng như nghĩa vụ của tập thể, cá nhân trong việc bảo tồn di tích, nơi thờ tự và tổ chức lễ hội. Muốn vậy, cơ quan có thẩm quyền của địa phương cần có văn bản hướng dẫn các khoản chi, như chi cho bảo tồn, tôn tạo di tích, nơi thờ tự, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội, công đức, từ thiện v.v... và cách thức thực hiện công khai, minh bạch.

Tổ chức và quản lý lễ hội là tổ chức và quản lý một lĩnh vực rất đặc thù, là quá trình kiên trì tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thuyết phục, vận động quần chúng, trong đó rất cần tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

PV

Top