Cứ đúng lệ kỳ, để chuẩn bị đón Tết, gần như từ cuối tháng 11 Âm lịch, ai nấy đều tất bật với công chuyện cuối năm, người nông dân lo bơm nước, bón đòng cho lúa, làm cỏ cho vườn, trồng thêm hoa, sửa lại kiểng; người công nhân sản xuất tăng ca tạo nhiều sản phẩm, hòan thành chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của xã hội trong dịp xuân về,…Ai công việc đó, sao cho đến ngày tảo mộ an tâm dừng mọi công việc để về quê cha - Đất Tổ, trước viếng mộ tổ tiên, sau đắp lại nấm mồ, những ngày Xuân đi mừng tuổi ông bà, chúc phúc người thân, chúc mừng năm mới.
Việc tổ chức lễ hội muà xuân, đón mừng năm mới của người Bến Tre tập trung từ ngày mùng 10 tháng Chạp (năm trước) cho đến ngày mùng 3 tháng Giêng (năm sau) gồm các hoạt động cơ bản như sau:
1.Tục lệ tảo mộ
Lễ tảo mộ có từ lâu đời, bởi “sống có nhà, thác có mồ” và “sanh con đẻ cháu, trước nối dõi tông đường, sau chăm sóc mồ mả tổ tiên” Do đó người Việt Nam nói chung, Bến Tre nói rằng, từ ngàn đời kế nghiệp vẫn giữ tròn đạo nghĩa cao quí ấy, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa “uống nước nhớ nguồn” cho cả dân tộc.
Ở Bến Tre, việc tảo mộ bắt đầu từ ngày mùng 10 Âm lịch và kéo dài đến ngày 25 tháng 12 Âm lịch (Ảnh: TL)
Ở Bến Tre, việc tảo mộ bắt đầu từ ngày mùng 10 Âm lịch và kéo dài đến ngày 25 tháng 12 Âm lịch kết thúc. Tuy nhiên, vào ngày 29 Âm lịch hoặc 30 Âm lịch (nếu có 30 Âm lịch), nhiều bậc cao niên động viên hướng dẫn cháu con đến các nghĩa địa dọn sạch cỏ dại, tôn lại nắm mồ những ngôi mộ không người thân chăm sóc, trước là để khỏi chịu “cảnh mồ hoang, mả lạnh, tủi hổ vong linh”, sau như để làm phước cho cháu con và cầu bình an gia đạo.
Trước ngày tảo mộ, con cháu mang phẩm vật tụ hội về nhà thờ chung và cùng lo việc “bếp núc”, chuẩn bị lễ vật cúng kính tổ tiên trong ngày tảo mộ, gia đình giữ việc thờ tự chuần bị mọi việc kể cả dụng cụ phục vụ việc tảo mộ vào sáng hôm sau.
Sáng ngày, trong khi cháu con lo tảo mộ, những người lớn và chủ gia đình lo nấu nướng, chế biến các món lễ vật dâng cúng tổ tiên, đến khoảng 9 giờ, tổ chức các cúng kính thổ công- thổ chủ, tổ tiên và ông bà quá vãng. Cúng kính xong, cháu con hội ngộ, biết thêm tông chi, họ hàng,…góp phần hạn chế “anh em ngày xa, sui gia ngày gần”.
Tại khu mộ, trước khi kết thúc việc tảo mộ, Trưởng tộc tổ chức thắp hương cúng kính các mộ phần, vừa để báo với người quá vãng việc tảo mộ đã xong, vừa để tri ân và cầu mong được tiếp tục phò trì, giúp sức trong năm mới,…
Tuy nhiên, số ít tộc họ bày cả lễ vật cúng kính tại mộ phần và chia tay sau khi kết thúc cuộc tiệc.
Sau ngày 25 Âm lịch, hầu hết các gia đình đều lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt đủ đãi khách trong những ngày trước trong và sau tết, trễ lắm đến ngày 28-29 Âm lịch hoàn tất mọi điều.
2. Lễ tiễn và rước ông Táo.
Lễ tiễn ông Táo được thực hiện vào chiều tối ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày này, gia đình bày mâm hương, hoa, trà bánh tại nhà bếp và thắp hương lễ tiễn ông bà Táo về chầu Ngọc để báo cáo kết quả việc “chăm sóc cơm ngon, canh ngọt cho gia chủ” qua một năm lo chuyện bếp núc. Sau nghi thức cúng kính, nhiều gia đình còn giữ tục lệ đưa những táo lò bị hư ra bụi tre hoặc gốc cây cổ thụ, thay vào đó là bếp lò tạm, đến chiều tối ngày 30 Âm lịch (hoặc 29 Âm lịch) sau lễ rước ông Táo, bếp lò mới được thay thế.
Lễ rước ông bà được tổ chức trong các ngày 28 hoặc 29 hoặc 30 Âm lịch. (Ảnh: TL)
3. Lễ rước ông bà
Lễ rước ông bà được tổ chức trong các ngày 28 hoặc 29 hoặc 30 Âm lịch. Trong ngày này, nhiều gia đình truyền thống, cháu con tề tựu đông đủ cùng lo chế biến các món lễ vật cúng kính tổ tiên.
Nếu cúng sáng, cháu con về chiều ngày hôm trước và nếu cúng chiều sẽ về vào sớm cùng ngày để cùng lo lễ vật cúng kính tổ tiên, ông bà vào buổi chiều.
Sau khi rước ông bà, trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 (cúng tất), sáng cúng bánh nước - trưa, chiều cúng cơm, đêm Giao thừa cúng bánh nước, đồng thời trải chiếu mới và gối chăn màn trên bộ ván (hoặc bộ giường nhà trên) để ông bà nghỉ ngơi trong những về dự lễ tết với cháu con.
4. Lễ chúc mừng năm mới
Lễ chúc mừng năm mới bắt đầu từ sớm ngày mùng Một Tết và kéo dài đến mùng 7 Âm lịch, nay đến ngày 3 Âm lịch kết thúc việc chúc Tết - mừng Xuân.
Sáng sớm ngày mùng 1 Âm lịch Tết, con cháu cùng nhau về nhà thờ chung thắp hương mừng xuân, tưởng nhớ công đức ông bà và chúc thọ - mừng tuổi người thân, sau đó đến chúc Xuân bà con dòng họ. Theo thứ tự, người có vai vế lớn nhất trong đoàn (hoặc lớn tuổi nhất trong đoàn) thắp hương chúc Xuân người quá vãng tuần tự lớn trước, nhỏ sau. Kế tiếp là chúc Xuân, mừng tuổi ông bà chú bác hiện hữu trong nhà và cùng nhau ăn bánh mức hoặc uống rượu mừng Xuân và chúc gia chủ măm mới “An khang - hạnh phúc”, “giàu sang - tấn lộc”… Trong xóm ấp, mọi người cùng nhau chúc xuân, chúc phúc giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm.
Sui gia thường thăm viếng nhau trong ngày mùng 2 Âm lịch (sui trai sang nhà sui gái trước).
5. Cúng tất mùng 3 Âm lịch
Sớm ngày mùng 3Âm lịch, gia đình bày mâm bánh tét gồm 5 đĩa và 1 đĩa gạo muối để cúng đất đai và tết cây, vườn tược… Sau ba tuần trà, gạo muối rãi tứ phương với ước nguyện năm sau đời sống sẽ cao hơn năm trước. Trưa, hoặc chiều, gia đình bày mâm cúng “Tất” gồm con gà trống luộc chín kèm cháo rau,… trước sân. Trên các ban thờ, bày lễ vật cúng kính “tống - tiễn” tổ tiên với lòng tri ân và cầu mong sẽ được sự giúp sức của “Thành hoàng bổn cảnh và tổ tiên” trong năm mới. Sau ba tuần rượu và tuần trà kết thúc nghi lễ.
Mừng năm mới cơ bản kết thúc sau nghi lễ cúng tất mùng 3 Âm lịch.
Hát Sắc bùa Phú Lễ (Ảnh: TL)
Ngoài các nghi lễ trên, ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, từ thập niên 70 ( thế kỷ XX) trở về trước, trong khoảng thời gian từ đêm 30 Âm lịch đến hết tháng Giêng có tục Hát Sắc bùa.
Theo Gia Định thành thông chí cuả Trịnh Hoài Đức “Đêm 28 tháng chạp, na nhân ( tục gọi nậu sắc bùa)đánh trống gõ phách, một bọn mười lăm người đi theo dọc đường trông nhà hào phú nào mở cửa ngõ thì dán lá bùa nơi cửa niệm thần chú rồi nổi trống phách lên ca xướng những lời chúc mừng . Người chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng. Xong nhà này lại qua nhà khác cũng làm như vậy đến chiều buổi trừ tịch mới thôi”. Hát Sắc bùa không phải là sản phẩm riêng của Phú Lễ, mà là một tục lệ có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam. Đây là loại hình sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, mang tính nghi lễ pha tạp với pháp thuật đạo giáo và chỉ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán.
Hát Sắc bùa Phú Lễ ra đời vào khỏang giữa thế kỉ XVIII, sau đó lan rộng ra các xã lân cận như Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức, An Bình Đông, Bảo Thạnh… (huyện Ba Tri) và xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm). Tuy nhiên chỉ Phú Lễ là duy trì loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này cho đến những năm 70 của thế kỉ XX, do ông Trần Văn Hậu, con rể của ông Hồ Đức Quan thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát.
Diễn xướng sắc bùa vừa mang tính lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, cầu cho năm mới phong đăng hòa cốc, mùa màng cây cối tốt tươi, tống quỷ, trừ ma, cầu cho trăm nghề tấn phát, cầu bình an gia đạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu giải trí của cư dân trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, những bài hát mang tính nghi lễ và những bài chúc nghề nghiệp, câu kết của bài sắc bùa thường thể hiện ổn định hai câu chúc: Năm mới giàu sang, gia quan tấn lộc hoặc Năm mới giàu sang, gia quan tấn tước.
Hát Sắc bùa hiện có nguy cơ mai một cao, một phần do nghệ nhân lưu giữ đã từ trần, mặc khác ngày xuân đối với nghệ thuật dân gian này xã hội không còn nhu cầu.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Diễn xướng Sắc bùa Phú Lễ” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông cha ta có câu “giấy rách phải giữ lấy lề”, hy vọng, các giá trị di sản văn hóa mùa xuân ông cha ta tạo dựng nên sẽ được tiếp tục lưu giữ và bảo tồn, phát huy trong đời sống xã hội đương đại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng!
Lư Hội