Trải qua biến thiên của lịch sử, địa phương còn giữ được những nét đẹp văn hóa tinh thần của cha ông để lại, đó là lễ hội “Kén rể”, một sinh hoạt độc đáo nằm trong vùng đậm đặc các lễ hội dân gian các lễ hội dân gian như hội “kéo lửa nấu cơm thi” của làng Lương Quy, hội rước Vua đền Sái - làng Nhội, hội kết chạ Lỗ Khê – Hương Trầm, hội kéo rắn của Xuân Nộn…
Đình và chùa Đường Yên tọa lạc trên khu đất đầu làng, một quần thể di tích đẹp và đầy đủ điều kiện để tổ chức lễ hội với quy mô lớn như lễ hội “kén rể”. Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình làng thì Đường Yên thờ bà Lê Thị Hoa, một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên, được làng tôn vinh thờ phụng. Chuyện kể rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ nghĩa đánh giặc Đông Hán (năm 40 – 43) thì ở làng có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lựu) tuổi 17 – 18 vẫn chưa lấy chồng, tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng. Bà chiêu mộ quân sĩ ở các nơi và về Đường Yên làm lễ khao quân vào ngày 25 tháng Chạp. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận lên ngôi vua, Hai Bà phong tước cho bà Lê Hoa là “Nữ sử anh Phong”, “Tuệ Tĩnh phu nhân”. Thời Lê Thái Tổ gia phong “Giảm uyển cương nghị”, thời Nguyễn Duy Tân tặng phong “Dực bảo trung hưng linh phù”. Tên làng cũng xuất phát từ tên của Thánh Bà mà ra.
Khi đất nước thanh bình bà Lê Hoa vinh quy bái tổ về làng Đường Yên thì “kiếm gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”. Vì là nữ tướng nên khi Nhà nước nhà không còn khỏi lửa đao binh thì phải làm tròn bổn phận của người con gái đi lấy chồng, vì thế lễ hội “kén rể” ra đời và gìn giữ mãi đến nay.
Đình làng Đường Yên được dân làng gìn giữ, phụng thờ, khói hương thành kính, trang nghiêm. Nghi lễ quan trọng nhất trong 3 ngày là ngày 2 tháng Hai Âm lịch, làng tổ chức mừng ngày sinh của Đức Thánh Bà. Hội xưa được mở từ mồng 1 đến mồng 5 tháng Hai. Ngày mồng 1 mở cửa đình và chuẩn bị mọi việc cần thiết cho ngày hội. Trước đây còn ngôi đền ở đầu làng là nơi thờ Thánh ngự do vậy có việc sáng sớm mồng 2 tháng 2 làng có tổ chức rước kiệu bát cống, dâng “mũ Thánh” từ đền về đình đến dự hội làng. Theo các cụ cao niên, thì ở giữa làng có một con đường gọi là “đường cái nghênh” từ đền về đình để rước kiệu thánh đường được bảo vệ cẩn thận, nếu ai xâm phạm sẽ bị phạt. Khi kiệu mũ rước đến thì các quan viên rước mũ vào hậu cung đình tế lễ và ngự ở đó cho đến 5 tháng 2 lại rước kiệu “mũ Thánh” về đền thờ. Ngày nay, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan lễ hội chỉ tổ chức một ngày, đó là ngày 2 tháng 2 Âm lịch.
Xung quanh việc thờ phụng Thành Hoàng làng, lễ hội của Đường Yên rất đặc sắc, ngoài việc tế lễ mang nghi lễ truyền thống của các làng cổ Việt Nam còn có những trò chơi dân gian như: Cày ruộng, chọc chó, bắt trạch trong chum, thi câu ếch… mà rất ít nơi còn giữ lại được.
Màn lễ vinh quy bái tổ của các bô lão trong làng bắt đầu cho buổi lễ
Hội “Kén rể” được chuẩn bị công phu, khâu chọn người tham gia rất cẩn thận, người đóng mẹ của Thánh tức “Mẫu Bà” phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu… hai “chàng rể” (chia làm hai phe Bắc và Hậu) và người đóng Đức Thánh Bà (bà Lê Hoa) phải là trai gái thanh lịch chưa có gia đình riêng cùng các vật dụng khác để phục vụ hội.
Sáng ngày 2 tháng 2 dân làng Đường Yên thức dậy từ sớm, náo nức ra đình dự hội. Sân đình tuy rộng song vẫn nhiều khi không đủ chỗ cho người dự hội. Ai nấy đều náo nức chờ xem.
Màn vinh quy bái tổ mở đầu. Một đoàn người rước kiệu bà Lê Hoa đi từ cỏng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón “Đức Thánh Bà” xuống kiệu “Đức Thánh Bà” chắp tay trước ngực và nói:
Nhờ phúc dày của tổ tiên
Quê nhà thanh bình yên lặng
Con là Lê Hoa chiến thắng trở về
Tiếng hát ca vang khắp làng quê
Con xin bái tạ để tổ đường chứng giám.
Mẫu Bà trịnh trọng tuyên bố:
Tôi quê thành phao Phả Lại
Vượt đường dài này sống ở đây
Được muôn dân sớm tối quây quần
Có con gái tuổi xuân vươn tới
Sinh trưởng tại nơi đây
Xin phép dân làng trước mở hội
Canh nông sau mở hội kén rể.
(Phả Lại là quê gốc của mẹ Thánh)
Lúc này dân làng múa tích “Cởi vú mo” có ý: là khi theo Hai Bà Trưng đánh giặc, Thánh Bà phải dùng mo cau để làm áo giáp giả trai nay không còn giặc dữ phải bỏ mo cau để trở thành con gái đi lấy chồng. Diễn giải sáu thiên thần nhỏ tuổi và sáu “nàng tiên” ăn mặc đẹp, đeo mặt nạ vào sân. Khi có trống lệnh, các “nàng tiên” cởi mo ở ngực ra (múa tượng trưng). Màn múa diễn ra trong ba lần, đây là một màn múa mang đặc tính dân gian kết hợp với âm nhạc làm sống động không khí của lễ hội, nó gợi cho người ta hồi tưởng lại quá khứ và thêm yêu mảnh đất tổ tiên đã dầy công vun đắp.
Tái diễn cảnh bà Lê Hoa đánh giặc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc
Màn múa kết thúc, Mẫu Bà có bài vè:
“Chúc thánh thiên tải, sở trị như vạn bang
Nay mừng đám làng, dân yên như sở trị
Mừng làng phú quý, mở tiệc vinh hoa
Tôi có con gái tốt bằng bông hoa
Như bằng bông hoa tươi tốt
Tốt hơn đầu lâu quan sở mà lại tốt hơn tần nữ cung phi
Màng chi những nơi ngu sĩ, những nơi đắc kỷ
Bà chẳng gả cho, tìm nơi học trò nông bà gả”
Theo tích cổ, bà Lê Hoa xưa kia dùng lá tre làm thuốc chữa bệnh cho dân làng cho nên lá tre nơi đây được coi như cứu tinh và rất được trọng dụng. Thực tế đến nay lá tre vẫn được dùng chữa cảm nắng, đánh gió rất hiệu nghiệm. Chính vì vậy trong buổi kén rể hôm nay bà đã dùng lá tre làm vật biểu trưng có ý nghĩa rất sâu xa.
Mẫu Bà lấy lá tre và tung ra quạt cho lá tre bay ra tứ phía và nói:
Bốn góc bốn bề ai có lòng nghề bà gả con cho
Nay truyền trong xóm ngoài làng
Không phân biệt hèn sang
Anh nào đạo mạo minh quang
Tu nhân nuôi chí chăm lo ruộng đồng
Hãy cho trống nổi ba hồi
Mời các trai tráng trong làng
Hãy sôi nổi vào thi…
Lúc này phe Hậu ra với một chàng rể trong trang phục truyền thống áo the khăn xếp chỉnh tề đi một vòng trước ban giám khảo và dân làng sau đó chắp tay hướng về nơi Mẫu Bà, kể vè giới thiệu về mình:
Nữ tướng Lê Hoa và Mẫu bà .
Dạ, thân dưới khúc trên dựng nên một chữ
Tôi nay sự thủ chỉ trong làng
Tính khí dịu dàng thì ngồi ở bên Hậu giáp ạ.
Phe Bắc ra cũng làm mọi thủ tục như phe Hậu và đọc vè:
Dạ, lún phún mưa dầm lâm thâm như chẳng tạnh
Tôi nay cũng mạnh mà lại có tài
Thủ chỉ thứ hai ngồi bên đông Bắc.
Sau khi hai chàng rể đã giới thiệu xong về mình thì hai bên thi tài ứng xử:
Phe Hậu kể:
Tôi là phe Hậu ruộng ghènh ruộng sâu
Bàn chim, cây mốc, cửa cầu
Bờ đó, đồng quan ở đâu cũng cạn
Tôi cùng các bạn cả nhóm họp bàn
Dẫn nước dọc ngang, khắp đồng đầy nước
Phe Bắc kể:
Tôi là phe Bắc, chức sắc trong làng
Sớm tối dọc ngang, trông nom đồng ruộng
Trong mọi tình huống, bắt vịt đuổi bò
Nhân dân không lo, tôi sẵn sàng ứng phó.
Cứ thế, 2 phe cố đề cao mình và chê đối phương. Cuối cùng, Mẫu Bà đứng lên phân giải:
Phe Hậu phe Bắc đều tài
Thông minh ứng xử ai nào thua ai
Bây giờ ta đố cả hai
Thi cày, câu ếch trước đài ta xem
Ai thắng thì ta ban khen
Lấy giềng chọc chó ta bèn thưởng cho
Bắt trạch bình tĩnh không lo
Thắng cuộc ta sẽ mổ bò, rước con.
Nay truyền bô lão trong làng
Nổi trống lên cho hai phe vào thi đấu.
Kể từ ngày xa xưa ông cha ta đã lấy việc nông phu làm trọng, coi hạt thóc là hạt vàng, nhất thì nhì thục, cho nên đã mở hội thi cày thi cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch bắt trạch là thú chơi dân gian đồng thời cũng là dạy con cháu ngàn đời siêng năng lao động. Hội thi canh nông bao gồm thi cày, thi câu ếch, thi chọc chó, thi bắt trạch trong chum. Hai chàng rể chuẩn bị thi từng môn và Ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi, Ban giám khảo tuyên bố ai giành phần thắng sau đó cộng thêm điểm thẻ chọn người chiến thắng.
Kết thúc các phần thi, người thắng cuộc sẽ được cùng nữ tướng làm lễ vinh quy bái tổ.
Cuộc thi này mở đầu cho cuộc thi canh nông, bao giờ cũng vậy công việc của nhà nông bắt đầu từ khâu cày ruộng, lúa có tốt hay không chính là nhờ vào việc cày sâu, bừa kỹ. Trên sân đình hai chàng rể đóng vai thợ cày mặc quần áo nâu chít khăn trên đầu, đi theo là hai đầy tớ mang theo trống khẩu để cổ vũ, còn hai người đóng làm trâu mặc quần áo đen, đeo mặt nạ. Dụng cụ là chiếc cày gỗ, cái cầy đã đeo đẳng rất lâu của người làm nghề nông - một dụng cụ mà người nông dân phải sử dụng hàng ngày, chiếc cày đã gắn bó với người nông dân hàng ngàn năm nay, chính nó đã làm lên hạt lúa, củ khoai nuôi sống con người.
Lúc này hai chàng rể chuẩn bị cho việc bắc vai trâu, công việc xong xuôi khi nghe trống lệnh cùng nhau đọc vè:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Trâu đừng đi vào đi ra
Đường cày không thẳng thì ta thua người.
Đọc xong vè, hai chàng rể bắt đầu cuộc thi tài, nếu ai cày thẳng không lệch vai cày và nhanh thì người đó thắng.
Thi câu ếch là thú chơi tao nhã của người dân khi đất nước thanh bình, khi công việc nhà nông đã nhàn hạ. Hai chàng rể vừa chuẩn bị trang phục để thi câu ếch và đọc vè:
Ếch kêu vang khắp gần xa
Anh tung mồi ngọc chắc là trúng ngay
Cần câu và cả điếu cày
Mỗi hoa anh nhử được ngay cô mình.
Hai người đi câu ếch mặc quần áo nâu, đeo giỏ bên hông, có thêm điếu cày và mồi lửa bằng rơm, mang cần câu dài, mồi bằng đốt mía, hai người đóng ếch mang mặt nạ ếch, quần áo hội ngồi thu trong một vòng tròn định sẵn bán kính chừng 50 cm.
Khi một hồi trống nổi lên bắt đầu vào cuộc thi thì hai người câu ếch vừa nhử mồi bằng cần câu vừa đọc vè:
Cái cần câu trúc, cái lưỡi câu vàng
Anh túm đầu ngọc để sang đầu rồng
Người ta câu bể câu sông
Còn tôi câu lấy con ông cháu bà
Khoảng cách từ người câu đến ếch khoảng là 5m. Người câu ếch tung mồi ngọc vào ếch, tung đi tung lại, bên phải, bên trái của ếch, có động tác vồ mồi và vừa vồ mồi vừa đọc vè:
Đầu gà má lợn thì chê
Lấy anh câu ếch rủ rê ao bèo.
Trong khi câu, nếu ếch nhoài người vồ mồi ra khỏi vòng tròn coi như phạm luật, người câu ếch không được tính điểm. Khi chàng rể tung mồi, ếch tóm được thì người câu ếch vác con ếch về trình ban giám khảo. Sau một hồi ba tiếng trống không ai câu được ếch thì coi như mất một lượt câu và sau 3 lần như vậy nếu ai câu được ếch đủ ba lần mà không phạm luật thì coi như thắng cuộc. Ban giám khảo công bố điểm của hai người thi và công bố môn thi tiếp theo đó là chọc chó.
Phần thì “chõng chó” - dùng cây giềng để chọc cho chó kêu rất hài hước
Thi chọc chó là một trò chơi lý thú, từ ngàn xưa cha ông ta đã thưởng thức văn hoá ẩm thực của làng quê đồng bằng Bắc Bộ mệnh danh là cầy tơ. Đã có câu ca dao: “Cọng giềng chọc chó kêu to, ai người thắng cuộc vú mo được vời”. Đây là một trò chơi dân gian độc đáo vì giềng và chó kị nhau cho nên khi con chó ngửi thấy mùi giềng thì khó làm chó kêu, cho nên sự tài tình trong trò chơi này là phải dùng mẹo mới lừa cho con chó kêu. Dụng cụ cho trò chơi này là một chiếc chõng tre và đặt một chiếc cũi lên trên đó, trong có nhốt con chó. Đặt hai chiếc chõng như vậy cho hai người dự thi. Bên cạnh cũi đặt một nắm cọng giềng để chọc chó. Dứt ba tiếng trống, hai chàng rể trổ tài thi nhau dùng mẹo để chọc chó, bên cạnh là hai đầy tớ dùng trống khẩu để cổ vũ động viên. Môn thi này thời gian không quy định mà chỉ khi bên nào chọc được cho con chó kêu lên là thắng cuộc và trò chơi kết thúc. Ban giám khảo công bố người thắng cuộc và chuẩn bị cho cuộc thi tiếp theo đó là thi bắt trạch trong chum.
Bắt trạch trong chum là trò chơi cổ của người nông dân, thể hiện sự khéo léo tài tình của hai chàng rể làm sao bắt nhiều trạch trong điều kiện khó khăn nhất. Dụng cụ dùng cho trò chơi này là hai chiếc chum và hai chiếc hũ nhỏ cũng sành, trong đựng đầy nước và thả trạch vào chiếc chum to, còn hũ nhỏ dùng để thả trạch đã bắt được. Khi Mẫu bà cắc trống đồng ý để hai thị nữ vào phục vụ cổ vũ hai chàng rể cũng là lúc trò chơi bắt đầu. Hai thị nữ khuấy nước trong chum để chàng rể khó bắt được trạch. Nhưng chàng rể không vì thế mà không bắt được trạch mà lại thi nhau trổ tài bắt để giành phần thắng. Sau ba hồi trống thì cuộc thi kết thúc, Ban giám khảo cho điểm và công bố phần thắng sẽ thuộc về ai. Trò chơi bắt trạch trong chum đã kết thúc cuộc thi tài để Mẫu Bà chọn được rể hiền.
Trò chơi này đã thấy ở một số nơi của Hà Nội mà ý nghĩa sâu xa của nó có liên quan đến phồn thực. Trò chơi này là điều trái ngược với quan điểm của thời phong kiến gò bó: “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Sau 4 vòng thi, chủ khảo giám trường công bố kết quả cho phe Bắc và phe Hậu. Bên nào được số thẻ nhiều hơn là người thắng cuộc. Theo lệ ai thắng cuộc thì sẽ được Mẫu Bà ban thưởng và chọn làm rể quý.
Mẫu bà đứng ra tuyên bố:
Thưa bà con trăm họ
Nay nhờ lộc trời vận nước ban cho
Ta truyền cho muôn dân hát hò
Mừng nữ tướng có phu thê tài giỏi.
Mẫu Bà nói với hai con rể:
Hai con hãy vào tổ tường bái tạ
Để tỏ đường chứng giám đạo phu thê.
Dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc đã nên duyên, lễ hội kết thúc để lại bao vấn vương trong lòng người dự hội bởi cái chất dân gian trữ tình mộc mạc, bởi những khuôn mặt rạng rỡ của những người làm nên chất thơ đó.
Một màn diễn tái dựng không khí ba quân thời nữ tướng Lê Hoa
Lễ hội Đường Yên là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cấu kết cộng đồng, giúp cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ có một tình yêu quê hương đất nước trong sáng. Lễ hội nhắc nhở các bạn trẻ phải năng rèn luyện sức khỏe, yêu lao động, yêu quê hương xứ sở. Cũng từ nhiều lễ hội này khơi nguồn dòng chảy ngàn đời sức sống của nền văn hóa Việt đúng như nghị quyết của Đảng: hãy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt và lưu giữ đến muôn đời...
Nguyễn Thị Hạnh - Nguyễn Hữu Mùi