Lễ hội đương đại ở Việt Nam: Suy nghĩ và kiến nghị
Tần suất của loại hình lễ hội này diễn ra quanh năm, ở khắp các vùng miền của Tổ quốc; phong phú, đa dạng cả về tên gọi, số lượng, quy mô, tầm vóc, phạm vi, nội dung và hình thức thể hiện, ngay một lúc khó có thể thống kê đầy đủ và đánh giá một cách thực sự toàn diện, chính xác tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội của lễ hội đương đại nói chung và của từng lễ hội cụ thể nói riêng. Sự ra đời của lễ hội đương đại là nhu cầu tất yếu khách quan, là sự cần thiết của một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập và phát triển, là sự sáng tạo nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đất nước với bạn bè quốc tế. Lễ hội đương đại cũng góp phần làm giàu thêm kho tàng đồ sộ hơn 8.000 lễ hội các loại hàng năm của cả nước. Một số lễ hội đương đại đã từng bước tạo dựng được thương hiệu, mang bản sắc riêng của mình và có khả năng phát triển bền vững như Lễ hội làng Sen, Festival Huế, Festival Pháo hoa Đà Nẵng...
Festival Huế (Ảnh: TL)
Bên cạnh những mặt được nói chung của lễ hội đương đại cần phải được khẳng định và ghi nhận một cách khách quan, người ta cũng không mấy khó khăn để nhận biết nhiều điều còn bất cập xung quanh việc tổ chức và quản lý lễ hội đương đại hiện nay, khiến cho các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội nói chung hết sức quan tâm. Các cơ quan quản lý văn hóa cũng nhận ra những bất cập ấy. Nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm, hội nghị, hội thảo ở tầm mức khác nhau đã được tổ chức, nhằm đi đến tiếng nói chung, sự thống nhất về các giải pháp, phương thức tổ chức và quản lý lễ hội đương đại ngày càng tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng tất cả xem ra chuyện đâu vẫn còn đó, chưa có được sự chuyển biến là bao trong đời sống thực tiễn của xã hội chúng ta, nhiều khi người ta có cảm tưởng rằng, cơ quan quản lý văn hóa bó tay hoặc thả nổi câu chuyện này. Không quá đáng chút nào khi có nhiều ý kiến cho rằng, sự bùng nổ của lễ hội đương đại là một hiện tượng đã và đang trở thành “phong trào”, “hội chứng”, “hiệu ứng lây lan” khắp trong Nam, ngoài Bắc trong những năm gần đây, có biểu hiện nhàm chán bởi sự quá đà, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tính sáng tạo nghệ thuật, kém hấp dẫn, ít hiệu quả về kinh tế - xã hội, ít được sự hưởng ứng của người dân...Nếu không có sự định hướng và giải pháp đúng đắn kịp thời, thì với đà này, biết đâu chẳng bao lâu nữa sẽ dẫn đến tình trạng vùng vùng, miền miền, tỉnh tỉnh, huyện huyện trong cả nước đều tổ chức lễ hội đương đại; vì suy cho cùng ở đâu trên đất nước giàu truyền thống, tiềm năng và rất đỗi tự hào của chúng ta lại không tìm ra được những cái đặc sắc, đặc trưng, lợi thế của mình để làm nguyên cớ tổ chức lễ hội. Đến lúc đó không biết chúng ta sẽ xoay sở như thế nào và nếu có đưa được lễ hội đương đại trở về đúng quỹ đạo thì chắc chắn khó khăn và tốn kém sẽ tăng lên gấp bội. Những bất cập trong tổ chức và quản lý lễ hội đương đại, xét cả trên bình diện rộng là hệ thống lễ hội đương đại của cả nước, cũng như ở các địa phương và ở từng lễ hội cụ thể, đã được các nhà khoa học, các nhà quản lý và báo chí phản ánh, nhận định, đánh giá, phân tích khá nhiều.
Festival Pháo hoa Đà Nẵng(Ảnh : TL)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, song có thể rút ra một số nguyên nhân chính như sau:
Một là, thiếu tính quy hoạch trong việc tổ chức lễ hội đương đại. Các lễ hội đương đại thường được đề xuất một cách cảm tính, có tính áp đặt, duy ý chí, có hiệu ứng lan truyền một cách tự nhiên máy móc.
Hai là, các kế hoạch tổ chức lễ hội đương đại thiếu sự điều tra nghiên cứu cơ bản trong việc xây dựng chủ đề, sáng tạo chương trình và lập kế hoạch chi tiết.
Ba là, những người chịu trách nhiệm và liên quan đến việc tổ chức lễ hội có phần hạn chế về kiến thức và năng lực tổ chức lễ hội.
Bốn là, các công việc từ nghiên cứu đến tổ chức lại được thực hiện bởi những hợp đồng khác nhau như xây dựng kịch bản, tổ chức sự kiện và phần trình diễn của từng đơn vị tham gia. Trong khi đó việc hợp tác giữa các đơn vị không chặt chẽ và thiếu sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, dẫn đến sự thiếu đồng bộ, vừa trùng lặp lại vừa thiếu hấp dẫn khiến cho các lễ hội không mấy hiệu quả.
Giải quyết những mặt hạn chế về tổ chức và quản lý lễ hội đương đại hiện nay là một công việc khoa học công phu, nghiêm túc, đòi hỏi phải được xem xét toàn diện, cụ thể trên nhiều mặt. Bản tham luận này xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần sớm khẩn trương tổ chức công tác điều tra, khảo sát để thống kê được một cách đầy đủ, chính xác các lễ hội đương đại hiện có trong cả nước, theo các tiêu chí khoa học và cụ thể; trên cơ sở đó tiến hành phân loại các lễ hội đương đại hiện có và đánh giá mặt được, mặt hạn chế, hiệu quả chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của từng lễ hội cụ thể. Chắc chắn một điều rằng cho đến nay chưa có cơ quan quản lý văn hoá nào có thể trả lời chính xác được những vấn đề nêu trên.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về lễ hội đương đại ở Việt Nam, nhằm thống nhất về mặt quan điểm, nhận thức, sự giống nhau và khác nhau giữa tổ chức lễ hội cổ truyền và lễ hội đương đại... Theo nhận thức của tôi, hiện nay, trong lễ hội đương đại đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải được thống nhất, như gọi là lễ hội hiện đại hay lễ hội đương đại, thế nào thì được gọi là festival, thế nào được gọi là festival quốc tế, có phải cứ có yếu tố nước ngoài tham gia thì được gọi là quốc tế không hay là cần phải có những tiêu chí cụ thể? Vai trò quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ngành văn hoá, thể thao và du lịch địa phương đối với lễ hội đương đại như thế nào trong việc hình thành và hoạt động của các lễ hội đương đại, hay là tuỳ thuộc ở mỗi địa phương? Việc phân cấp quản lý lễ hội đương đại: quốc tế, quốc gia, khu vực, vùng miền, tỉnh, huyện... cũng còn nhiều điều chưa được sáng tỏ...
Lễ hội làng Sen (Ảnh : TL)
3. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và nhìn về tương lai, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch rất cần phải có Quy hoạch tổ chức lễ hội đương đại ở Việt Nam; đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội đương đại, kịp thời rút kinh nghiệm và uốn nắn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong tổ chức lễ hội. Nếu không có được quy hoạch lề hội đương đại, thì tình hình phát triển bột phát như hiện nay là điều rất khó tránh khỏi.
4. Các chương trình tổ chức lễ hội cần phải yêu cầu lập kế hoạch và đề án cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, có tính khả thi và dự kiến được đầu ra của kế hoạch. Điều đáng lo ngại nhất là công việc tiến hành không bài bản, không đúng quy trình, chạy theo kỷ niệm sự kiện, phô trương, không quan tâm thích đáng tới hiệu quả thực tế và suy nghĩ của người dân.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cần xem xét lại vấn đề tổ chức, quản lý của các cơ quan có chức năng liên quan đến việc tổ chức lễ hội. Ai lập dự án? Có nhà nghiên cứu không? Nhà nghiên cứu có đúng yêu cầu chuyên môn cần thiết không, năng lực của họ thế nào? Phương án nghiên cứu và tổ chức lễ hội ra sao...? Phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các lễ hội đương đại; vì vậy để nâng cao chất lượng của lễ hội đương đại, một mặt cần phải nâng cao trình độ của các nhà chuyên môn trong nước; mặt khác, trong những trường hợp cụ thể, việc mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài cũng là điều rất cần thiết.
5. Cần nghiên cứu điều chỉnh việc tổ chức một số loại lễ hội đương đại hiện nay cho hợp lý hơn, như việc có nên thường kỳ tổ chức các liên hoan văn hoá dân tộc theo khu vực, theo dân tộc như hiện tại hay thay đổi theo hướng tổ chức không định kỳ và theo chuyên đề? Nên hay không nên có các festival địa phương theo kiểu Trà, Lúa gạo, Trái cây, Biển...? Sau mỗi festival hiệu quả thực sự cho địa phương là gì? Dù rằng đã có nhiều hội thảo về vấn đề lễ hội và có các cuộc tổng kết đánh giá hàng năm song Bộ cần có các nghiên cứu đánh giá chuyên sâu hơn nữa, phân tích những mặt được và chưa được của các lễ hội này.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ