Di tích Quốc gia Đền Thượng là nơi thờ Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo – Đền Thượng tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Là vùng đất hợp lưu giữa dòng sông Nậm Thi và sông Hồng chảy vào đất Việt. Đền được lập nên để thờ Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo), người đã có công ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, các triều đại nối tiếp sau đã phong cho Ngài tước danh Đại Vương, còn nhân dân ta phong cho Ngài là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi trên cả nước để đời đời tưởng nhớ, phụng thờ. Ở Lào Cai cũng vậy, nhân dân Lào Cai qua mấy trăm năm nay luôn coi Đức Thánh Trần là điểm dựa tinh thần, là niềm tự hào của tinh thần chống giặc ngoại xâm của các dân tộc nơi mảnh đất biên cương của tổ quốc. Để rồi cứ vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, hàng vạn người trong và ngoài tỉnh Lào Cai lại nô nức đổ về lễ hội Đền Thượng để được dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước anh linh của Đức Thánh Trần, đồng thời lễ hội Đền Thượng còn mang ý nghĩa quốc gia, là niềm tự hào, sự khẳng định về chủ quyền quốc gia, tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam nói chung, của người dân Lào Cai nói riêng. Để nhân dân các dân tộc Lào Cai cảm nhận được hết phong tục xưa của dân tộc trong các lễ hội truyền thống, trong tế lễ Ban Tổ chức lễ hội chuẩn bị một đoàn kiệu rước bài vị của Ngài với các trai tráng khỏe mạnh, hùng dũng, cờ phướn, võng lọng rợp trời bước theo tiếng nhạc lưu thủy của dàn bát âm. Khi vào phần tế lễ, đội tế ăn mặc chỉnh tề với những bộ lễ phục của triều phục xưa, từng đợt dâng rượu, dâng hương tế lễ theo nhịp kèn trống cung đình. Sau phần lễ dâng hương của đội tế, chủ tế đọc bản Văn tế kể về công lao cao to lớn như trời đất của Đức Thánh Trần đối với đất nước, lời tế hùng dũng, câu từ khúc triết dễ hiểu, phản ánh được sức mạnh và những công lao to lớn của Ngài khi xưa, đồng thời lời tế còn là lời răn dạy đối với mỗi lớp người sau trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Sau phần lễ hết sức trang nghiêm hướng về Đức thánh Trần của toàn thể nhân dân là đến phần hội Đền, hội Đền là sự tập hợp hàng loạt các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc Lào Cai...hết sức vui nhộn, cuốn hút hầu hết mọi người tham gia lễ hội.
Phần hội Đền luôn được Ban Tổ chức nghiên cứu, thay đổi cho phù hợp với nhu cầu vui chơi giải trí của khách thập phương, nhưng luôn mang đậm phong cách dân gian truyền thống các dân tộc. Các trò chơi dân gian các dân tộc ở Lào Cai được khai thác tổ chức hết sức hiệu quả, tạo được nét vui tươi, mới lạ đối với mỗi khách tham quan. Trong đó gồm các môn chơi như vật dân tộc, múa quạt, kéo co, đẩy gậy, ném còn, cờ tướng, bắn nỏ, chọi gà... tất cả đã làm nên một sân chơi đầy bổ ích của tất cả mọi người. Việc thực hiện các hoạt động vui chơi, giới thiệu đặc sản được tất cả các phường, xã của thành phố Lào Cai và 8 huyện thị khác của cả tỉnh cũng nô nức tổ chức các hoạt động quảng bá đặc sản của địa phương mình. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, trò chơi truyền thống được tổ chức thực hiện.
Đến với lễ hội Đền Thượng, khách thập phương không chỉ được hoà mình vào không gian văn hoá của lễ hội, mà còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng trong bầu không khí vui tươi phấn khởi, đoàn kết, bình đẳng của lễ hội mà nơi khác khó có được. Khu văn hoá ẩm thực trong chương trình Hội Xuân Đền Thượng mang đậm nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của các dân tộc ở Lào Cai như thắng cố, cơm lam, xôi bảy màu, thịt trâu khô... đầy quyến rũ của các tộc người như Hmông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó... Đặc biệt tại lễ hội Đền Thượng mọi người được ngồi quây quần quanh nồi thắng cố truyền thống của người Hmông, được cùng trò truyện, cùng chung chén rượu nồng do chính người dân tự nấu ra từ hạt thóc, hạt ngô của mình. Góc thắng cố đã trở thành điểm nhấn, điểm văn hóa vô cùng quan trọng của lễ hội, là nơi thể hiện yếu tố bình đẳng rõ nhất của mọi người tham gia lễ hội. Từ các vị lãnh đạo của các Bộ, ngành Trung ương đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành trong tỉnh... khi tham gia vào góc ẩm thực này đều bình đẳng như nhau, cũng giống như bao người dân khác đấy là cùng ngồi quây quần bên các nồi thắng cố, cùng chuyện trò rôm rả, cùng uống chén rượu do người dân tự nấu ra... điều này khiến cho mọi người đều cảm thấy sự gần gũi, thân thiện không có sự phân biệt về vị thế trong xã hội.
Có thể nói, với vị trí đắc địa của mình, di tích Đền Thượng đã trở thành “cột mốc tâm linh” quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia trên mảnh đất Lào Cai thân yêu, là một trong số ít di tích nằm ở vị trí huyết mạch của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, cùng với các ngôi đền khác như đền Mẫu, đền Quan, đền Cấm, đền Thượng đã tạo thành điểm nhấn quan trọng trong việc thu hút khách du lịch tín ngưỡng, du lịch tâm linh của tỉnh Lào Cai, là một phần không thể thiếu trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ được tổ chức luân phiên hàng năm. Mỗi lần tổ chức, lễ hội đền Thượng đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh.
Nhận thấy quần thể di tích Đền Thượng có một vị trí hết sức quan trọng trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, nên sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập (1-10-1991), UBND tỉnh đã phê duyệt một số dự án quy hoạch, đầu tư trùng tu, tôn tạo và lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng và ngày 28-6-1996 Đền Thượng được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia. Ngay sau khi được xếp hạng, lễ hội Đền Thượng đã được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần tại đây với quy mô cấp thành phố và cấp tỉnh. Lễ hội Ðền Thượng được tổ chức hàng năm là nét đẹp của văn hoá truyền thống, mang đậm dấu ấn bản sắc của các dân tộc tỉnh Lào Cai. Lễ hội Đền Thượng đã và đang được gìn giữ, phát huy để đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của người dân, nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. Hội Xuân Ðền Thượng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của một tỉnh, mà còn là điểm sáng, là địa chỉ “đỏ” về du lịch văn hoá, du lịch tâm linh của mọi người. Từ lâu Hội Xuân Đền Thượng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Lào Cai, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình du lịch hướng về với cội nguồn dân tộc.
Có thể nói, ở vùng cửa ngõ biên cương của tổ quốc này, xu hướng phát triển theo hướng cởi mở, giao lưu văn hoá luôn đan xen với xu hướng bảo tồn bản sắc dân tộc; giao lưu, hội nhập, nhưng không đánh mất mình, mở cửa, nhưng vẫn giữ vững bản sắc đang trở thành xu hướng xuyên suốt trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Lào Cai. Bảo tồn và phát huy di tích đền Thượng gắn với bảo tồn và phát huy lễ hội là vấn đề hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Lào Cai.
Vũ Thị Trang