Lễ hội Cơm mới - nét đẹp văn hóa của các dân tộc ít người

Cộng đồng các dân tộc ít người có một bản sắc văn hoá đa dạng, phong phú. Văn hoá ẩm thực là nét đẹp truyền thống, đã trở thành các lễ hội mang đặc trưng của mỗi tộc người. Mỗi lễ hội mang một nét văn hoá riêng nhưng có một điểm chung là đều mang đậm nét văn hoá của tín ngưỡng phồn thực.

Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm mới) của người Thái trắng xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu đã có từ rất lâu đời. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các cư dân trên địa bàn toàn tỉnh. Qua nhiều năm, lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một trong đời sống và tiềm thức của người dân nơi đây. Năm cuối cùng diễn ra lễ hội này là năm 1961, trải qua 46 năm gián đoạn, giờ đây lễ hội đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ và được tổ chức đều đặn hàng năm.

Lễ hội cốm mới của người Thái trắng . Ảnh: TL

Rằm tháng 9 (Âm lịch) hàng năm là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm. Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trắng Mường So, trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: lúa lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…

Ngày trước lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp nương, bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp nương lại rất tròn và mẩy. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân có phần hạn chế và diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa nếp thơm hoặc lúa lương phượng. Khi chọn lúa làm cốm người ta không nhất thiết phải lấy lúa của một gia đình nào, trong thời gian chuẩn bị họ tập trung ra cánh đồng của bản tìm ruộng lúa có giống lúa phù hợp với các tiêu chuẩn trên, họ sẽ sử dụng loại lúa trong ruộng đó. Số lượng lấy nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của buổi lễ. Người ta cũng chọn những bông lúa hạt to, mẩy và đặc biệt là không lẫn lúa tẻ rồi tuốt lúa từ những bông lúa đó đem phơi khô rồi bảo quản ở trong các bao đặt nơi khô thoáng để làm giống cho vụ sau.

Trước hôm diễn ra buổi lễ một ngày, một bà cụ trong bản (đã được lựa chọn, phân công từ trước) có kinh nghiệm về làm cốm cùng với chủ ruộng và một tốp nữ của bản cùng ra đồng lấy lúa. Bà cụ tiến lên trước thửa ruộng rồi đọc lời khấn. Chấm dứt lời khấn, bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng đó làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Dụng cụ để cắt lúa là dao và liềm. Những cô gái được chọn để cắt lúa cũng có những tiêu chuẩn nhất định: Đó phải là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình thuận hoà yên ấm, con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh.

Các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, trong các thần (Yang) được tôn thờ, thì thần lúa được tôn trọng không kém thần nước, thần núi, thần cây. Do đó, nương rẫy là nơi thiêng liêng, hạt lúa sinh ra từ nương rẫy là sản phẩm được các thần ban phát để nuôi sống con người. Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa: tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm.

Lễ ăn cơm mới của người Ê - đê. Ảnh: TL

Lễ “Huă esei mrâo” - Ăn cơm mới của người Êđê ở Đăk Lăk, thường bắt đầu vào tháng 11 (Dương lịch) hàng năm, khi những hạt lúa đầu tiên đã được mang về nhà. Thuở xa xưa, lúa dùng để cúng Yàng (trời) phải được trỉa ở một đám đất riêng biệt, rộng khoảng 2m. Mảnh đất này gia đình nào cũng phải có, không được trồng  một thứ gì ngoài cây lúa để cúng tế các Yàng, hoặc làm ma chay khi cha mẹ qua đời. Lúc chuẩn bị trỉa lúa ở mảnh “đất linh thiêng” này, bà con phải làm lễ cúng rất chu đáo, và luôn chăm sóc đám lúa rất công phu cho đến ngày thu hoạch. Khi lúa chín, người đàn bà (chủ nhà), hoặc cô con gái lớn nhất, phải bứt bằng tay (suốt lúa), không được dùng cật nứa để cắt như lúa thường. Lúa này, nếu cúng xong còn dư, có thể rang lên, hoặc để dành, không được ăn, bán, đổi, hay cho người khác. Lễ mừng cơm mới không có ngày tháng quy định chính thức. Gia đình nào suốt lúa xong sớm, cúng trước. Nhà nào gặt xong sau, cúng sau. Chọn được ngày tốt, đẹp trời, gia đình sẽ thông báo với bà con thân thuộc và bạn bè buôn gần, buôn xa. Ai cũng có thể đến dự lễ ăn cơm mới. Ai có hảo tâm, tùy hoàn cảnh thì tham gia đóng góp. Dù ít, dù nhiều gia chủ cũng trân trọng đón nhận. Từ mấy ngày trước, các cô gái lớn trong gia đình đã rủ bạn bè giã gạo chuẩn bị cho lễ cúng. Sáng sớm, cả buôn đã nhộn nhịp. Ai có việc phải đi lên rừng, vô rẫy thì hãy đi cho sớm, rồi về bởi lễ thường bắt đầu vào buổi trưa. Người già chuẩn bị áo, váy, khố đẹp cho mình và cho lũ trẻ. Lớp trung niên ai khéo tay sẽ tới làm cột gơng - dùng để cột ché rượu chính trong lễ cúng - hoặc chuẩn bị các con thịt. Trai tráng lo bẻ lá, khiêng nước đổ ché rượu. Còn các bà bận rộn quanh bếp lửa.

Rượu cần đã cột kỹ vào gơng hrai, lá đã lèn chặt và nước đã rót đầy các ché. Cần rượu cũng đã săm soi kỹ để không bị nghẽn tắc, và cắm vào chính giữa ghè rượu. Gia chủ mời khách nam ngồi trên những chiếc chiếu trải đầy gian khách (đinh gar). Khách nữ ngồi kín gian chủ (đinh ôk) cùng với các nữ chủ nhân. Trên chiếc chiếu mới trải giữa nhà, phía trong những ché rượu (tùy theo mức độ mùa màng mà cột từ 1-3-5 ché, chủ nhà bày ra chiếc đầu heo, những chén đồng đựng huyết, thịt heo (mỗi thứ một ít, nhưng phải đầy đủ, không được thiếu thứ gì). Thầy cúng cầm cần hút rượu vào chén đồng, đặt trước mặt nữ chủ nhân cao tuổi nhất: người nhận lễ. Dàn chiêng trổ tài diễn tấu. Khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu hòa huyết heo bôi ba lần lên chân bà chủ nhà, rồi cùng vài người già trong gia đình, trong dòng họ trèo lên nhà kho để lúa (Sang Mdiê) khấn thần lúa, cắt cổ con gà, nhỏ vài giọt máu xuống vựa lúa. Họ trở lại nhà sàn, bôi rượu huyết vào cầu thang, cột nhà, thành bếp… Vậy là gia đình này đã được các vị thần linh ban phước và che chở. Thầy cũng mời người phụ nữ chủ gia đình cầm cần ché rượu đầu tiên. Sau đó mới trao cần cho chồng, sang tay nối tiếp cần rượu các ché thứ 1, thứ 2, thứ 3… Từ lúc này trở đi, cần rượu không được buông khỏi tay người.

Lễ ăn cơm mới của người Êđê (Hma Ngắt) cũng có ý nghĩa tương tự như lễ cúng Mpan Bar của người M’nông sau mùa lúa về kho không chỉ đơn thuần là việc lao động cụ thể, mà coi như một cách “thu hồn lúa về nhà”, và “kho chứa lúa là nơi trú ngụ của hồn lúa”, một “chốn thiêng liêng trong gia đình”. Cũng chỉ từ sau lễ cúng này, mọi kiêng kỵ trong thu hoạch mùa mới chấm dứt. Trong khi đó lễ ăn cốm mới (Samớk) của người Bana diễn ra trong 3 ngày, khi bắt đầu thu hoạch, để rồi tiếp đến có lễ Sơmắh Kek khi đi vào suốt lúa đại trà, sau hết đến lễ đóng cửa kho (Sơmăh Teng Amăng) khi gùi lúa cuối cùng được về kho.

Số người Bana theo đạo Thiên Chúa, tuy không cúng bái vẫn giết heo, gà, dê trong lễ cúng cơm mới, còn những người Giarai theo đạo Tin Lành thì chỉ bỏ tục uống rượu, không cúng thần mà tạ ơn Chúa.

Lễ hội cơm mới là một nét văn hoá đặc trưng rất riêng của các dân tộc ít người.

Vũ Thảo