Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải: Bảo tồn gắn với phát triển

Đến với Thái Nguyên, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến có lẽ là đất chè nổi tiếng. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn được nhớ đến trong tâm thức của nhân dân cả nước là thủ đô kháng chiến. Đó là chứng tích lịch sử gắn bó với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Nơi ấy có đông đảo cộng đồng vào dân tộc Tày sinh sống, với sắc áo chàm và những ngôi nhà sàn đẹp đẽ và thân thương. Đặc biệt là vùng An toàn Khu Định Hóa, nơi Bác Hồ và Trung ương hoạt động. Tuy nhiên, dòng chảy của thời gian và sự du nhập văn hóa đã dẫn đến những thay đổi lớn. Người Tày vẫn còn đó nhưng trang phục và những ngôi nhà không còn giữ được hồn cốt như xưa, rất khó để tìm thấy một quần thể bản làng nào còn vẹn nguyên những ngôi nhà sàn, truyền thống văn hóa cũng bị mai một rất nhiều.

Trước thực trạng đó, cùng với tình cảm tha thiết với văn hóa quê hương, một người con dân tộc Tày là bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã có ý tưởng và tâm huyết giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống. Từ năm 2003, bà chắt chiu tài sản cá nhân mình mua lại những ngôi nhà đó và phục dựng nguyên bản tại vùng đồi rừng ngoại thành Thành phố Thái Nguyên, để dần dần gây dựng được một khu du lịch văn hóa cộng đồng tiêu biểu như ngày nay: Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày

Với ý tưởng tâm huyết không chỉ giữ lại “phần xác”, mà quan trọng là phải giữ lại “phần hồn”, tức là phải thổi vào đó sức sống và hồn vía của bản làng bằng một cuộc sống thực sự bên trong và xung quanh những ngôi nhà đó, Thái Hải đã tạo dựng được quần thể với 30 ngôi nhà sàn ẩn mình trong tán là rừng. Nhiều ngôi nhà được phục dựng gần như nguyên bản từ những cốt nhà cũ từ vùng An toàn Khu Định Hóa. Tại đây có người nhiều dân tộc cùng sinh sống và làm việc như người Tày, Người Nùng, người Kinh, Người Sán Chay, Người Dao, Người Cao Lan. Có những gia đình 4 thế hệ cùng sinh sống, tạo thành làng bản với mối quan hệ gia đình, cộng đồng rất tốt đẹp và đoàn kết, đồng lòng góp sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể

 Kiến trúc nhà sàn

Những ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản về kiến trúc và cấu trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa nói riêng. Đây là các nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc. Nhà gỗ mộc, không sơn và đục đẽo tỉ mỉ như nhà gỗ người kinh dưới xuôi.

Nhà sàn có cấu trúc khung xuyên toang, lợp mái lá cọ. Có bàn thờ thổ tiên ở gian trang trọng nhất và bếp lửa ngay lối cửa vào nhà. Sàn nhà bằng dát thân cây mai thoáng mát. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày.

 Khách trải nghiệm nấu bữa ăn truyền thống trên nhà sàn

Các đồ dùng vật dụng

Các gia đình đồng bào vẫn sử dụng những đồ dùng, vật dụng truyền thống trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ giá, chậng, bồ đan bằng tre nứa để đụng đồ đạc. Hầu hết các vật dụng này đều được sưu tập đồ cũ từ đồng bào người Tày vùng ATK Định Hóa. Những thứ bắt buộc phải làm mới đều đảm bảo chất liệu, hình thức và cách chế tác truyền thống.

 Trang phục dân tộc

Tất cả bà con trong bản làng, già trẻ gái trai đều mặc trang phục áo chàm. Đây là hình ảnh khá hiếm thấy ngày nay, ngay cả những vùng toàn đồng bào dân tộc như ATK Định Hóa. Nữ giới thường đeo vòng cổ đặc trưng của người Tày. Phụ nữ đã có gia đình thường vấn khăn trên đầu, đeo dây ngũ sắc và xà tích dân tộc Tày.

 Ẩm thực và đặc sản dân tộc

Tại Thái Hải bảo tồn làm nhiều loại bánh trái đặc trưng của người Tày như bánh chè lam, bánh chưng Tày, bánh gai rừng. Bà con làm hàng ngày, đặc biệt là các dịp lễ tết. Các gia đình còn làm chè xanh, nấu rượu theo phương pháp truyền thống. Trên các gác bếp nhà sàn thường xuyên có thịt treo gác bếp để ăn dần.

Thái Hải cũng bảo tồn những sản vật mang tính đặc trưng của dân tộc, vùng miền như nấu rượu truyền thống của người Tày và làm chè truyền thống của dân tộc Tày vùng Thái Nguyên.

Du khách Úc giã bánh dày

Bảo tồn thuốc nam

Tại bản làng Thái Hải có riêng một nhà sàn để bảo tồn thuốc nam. Đây cũng là nơi sinh sống của một gia đình đồng bào dân tộc. Các bài thuốc nam gia truyền (về gan, thận…) từ nhiều đời để phục vụ cho sức khỏe của dân làng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

 Tâm linh tín ngưỡng

Tại Thái Hải đang bảo tồn những nghi lễ tâm linh tín ngưỡng như Lễ hội Lồng tồng, Lễ mừng thọ; cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên khác…Các ngày lễ tết đều tổ chức làm lễ cúng đất trời tổ tiên cầu mong những điều tốt đẹp, bình an. Các khu vực quan trọng, có tính tâm linh cao như bàn thờ, bếp lửa luôn được chăm chút xếp đặt ngăn nắp và dọn dẹp sạch sẽ. Mọi người cũng luôn ý thức và tuân thủ nghiêm chỉnh những điều kiêng kỵ với những nơi có tính chất linh thiêng đó.

 Văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống

Các thành viên của bản làng (khu du lịch) luôn được hòa mình trong bầu không khí văn hóa và lễ hội theo đúng truyền thống của người Tày. Chính những hoạt động thường xuyên có tính đời thực như vậy đã làm mọi người hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống của cộng đồng, dân tộc.

Nhảy múa trong đêm lửa làng

Hàng ngày, bên bếp lửa, bà con vẫn ngồi đánh đàn tính, hát then, đặc biệt là những làn điệu then cổ. Không chỉ có các cụ già, người cao tuổi và thanh niên, ngay cả các em nhỏ cũng được truyền dạy và có khả năng đánh đàn tính và hát then tốt.

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức trong các đêm hội vui của làng như đêm lửa làng, hay múa rối cạn của người Tày. Và tất nhiên, không thể thiếu những điệu nhảy vui tươi, lời hát si hát lượn.

 Văn hóa gia phong, làng bản

Tôn ti trật tự ứng xử trong gia đình luôn được giữ gìn. Các thành viên trong bản làng tạo thành một cộng đồng đoàn kết gắn bó mật thiết cả trong cuộc sống và công việc, ứng xử với nhau đậm đà tình làng nghĩa xóm. Mọi người đều được giáo dục tình yêu và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.

 Ngôn ngữ dân tộc

Ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc (Tày), trưởng làng luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Riêng các gia đình dân tộc trong “vùng lõi” của bản làng, bắt buộc mọi người phải giao tiếp bằng tiếng Tày. Ngay cả các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản

Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đang triển khai nhiều hoạt động du lịch cho du khách gắn với di sản văn hóa và truyền thống dân tộc Tày. Các hoạt động du lịch liên quan như nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống, vui chơi, văn hóa văn nghệ dân gian

Tại đây, du khách thực sự được hòa mình vào không khí bản làng đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc Tày với những trải nghiệm khó quên. Nếu có nhu cầu ngủ nghỉ theo văn hóa truyền thống, du khách có thể được ngủ trên những ngôi nhà sàn bà con đang sinh sống (không như hình thức nghỉ nhà khách). Du khách cũng có thể cùng tham gia nấu nướng trên bếp lửa nhà sàn với những món ăn dân tộc truyền thống. Ngồi bên bếp lửa nhà sàn, du khách được thưởng thức tiếng đàn tính hát then của bà con.

Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, du khách còn được tham dự các lễ hội văn hóa, nghi thức tâm linh tín ngưỡng cùng bản làng. Nếu đúng ngày bà con đang mở cỗ (ăn rằm), chủ nhà sẽ thật tình mời bạn vào “ăn cỗ” như khách quý đến thăm. Vào dịp Tết nguyên đán, bản làng tổ chức mổ lợn, gói bánh đón tết bình thường theo phong tục Tày. Khi ấy, nếu du khách đến với bản làng, sẽ không chỉ được tiếp đón như du khách bình thường, mà hơn thế, được tiếp đón như khách quý đến thăm và chúc tết gia đình.

Du khách Nhật Bản được mời ăn Rằm khi đến thăm bản làng đúng dịp Rằm tháng Giêng

Với những giá trị di sản quý giá được bảo tồn gắn với phát triển du lịch, Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng du lịch trong nước và quốc tế. Đã có du khách từ gần 40 nước trên thế giới đến với Thái Hải để có những trải nghiệm thú vị và ấn tượng về những giá trị văn hóa di sản.

Thái Hải đang thực sự là một điển hình về mô hình xã hội hóa làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, mà cụ thể ở đây là văn hóa di sản, góp phần phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống kinh tế người dân. Đồng thời ngược lại, khi đời sống người dân được nâng cao, có điều kiện kinh tế, sẽ có chi phí tài chính để duy tu, bảo tồn những giá trị văn hóa di sản, cả vật thể lẫn phi vật thể. Đó cũng là yếu tố cần thiết để di sản văn hóa dân tộc thực sự sống và trường tồn với thời gian.

Lý Thị Chiên

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

 

Top