Làng nhà sàn cổ của người Mường

Người Mường - là tộc danh đã được các cứ liệu khoa học, các nhà nghiên cứu và đồng bào tự nhận về dân tộc mình từ xa xưa. Cũng như người Mường ở tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, người Mường tỉnh Thanh Hoá có nguồn gốc từ người Việt cổ. Thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường; rất gần với tiếng Việt (có thể nói theo nghĩa tương đối 70 - 75%). Người Mường tỉnh Thanh Hoá có hai nhánh. Nhánh Mường cổ - Mường gốc - Mường ống từ huyện Bá Thước thường gọi là Mường trong; và một bộ phận di cư đến từ tỉnh Hoà Bình vào thường gọi là Mường ngoài.

Người Mường tỉnh Thanh Hoá hiện nay có 364.622 người, chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Sống tập trung chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc - 94.676 người; Thạch Thành - 76.106 người; Bá Thước - 53.046 người; Cẩm Thuỷ - 55.570 người; và một số xã miền núi giáp ranh các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung.

Thạch Thành là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Diện tích: 558,1km2, dân số: 133.600 người (2004), mật độ dân số: 239 người/km2, bao gồm 2 thị trấn và 26 xã. Hơn 300 ngôi nhà sàn cổ có tuổi thọ hàng trăm tuổi của dân tộc Mường vẫn còn nguyên vẹn ở làng Thành Nội, làng Đăng và làng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Gần 300 ngôi nhà sàn cổ này đã được công nhận là quần thể di tích nhà sàn cổ cần được bảo tồn.

Trong ba làng người Mường còn giữ lại được nét kiến trúc độc đáo xưa, làng Thượng là nơi lưu giữ nhiều nhà sàn cổ nhất. Hầu hết các hộ trong làng đều sinh sống trong những ngôi nhà do cha ông để lại với tuổi thọ trung bình 70 - 80 năm. Theo nhiều người dân có thâm niên xây nhà sàn, để xây dựng một ngôi nhà sàn theo kiểu ngày xưa phải mất từ hai đến ba năm và phải chọn được gỗ lim loại một làm cột trụ, nên hiện nay mọi người thường dựng nhà theo kiểu mới. Giá trị mỗi ngôi nhà sàn từ 40 đến 70 triệu đồng.

Nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở, mà còn là sự biểu hiện của lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Mường. Kiến trúc giản dị song lại lưu giữ trong lòng nó một giá trị lịch sử đặc sắc. Tính chất cổ xưa của nhà sàn Mường biểu hiện chính ở sự giản dị này cũng như biểu hiện ở kết cấu kỹ thuật và kiểu dáng của ngôi nhà. Nhà sàn Mường là sự tiếp nối kiểu kiến trúc nhà sàn vốn có của người Việt cổ, còn người Việt (Kinh) do điều kiện sinh hoạt ở vùng đồng bằng nên đã chuyển dần từ nhà sàn sang nhà đất, điều đáng lưu ý là tuy chuyển sang làm nhà đất, song tên gọi các bộ phận chính trong ngôi nhà vẫn được lưu giữ, chẳng hạn cột cái, cột con, vì kèo, đòn nóc, đòn tay, rui mè...

Nhà sàn người Mường xây dựng theo bốn kiểu chính gồm có kiểu chôn cột, kiểu đặt thêm nhiều trụ và xà ngang trong nhà, kiểu thêm nhiều khóa giang và đòn bẩy, kiểu không có đốc hai bên nhà. Hiện cả xã có 7 ngôi nhà cổ có tuổi trên 200 năm được dựng theo lối kiến trúc Mường xưa là chôn cột làm trụ đỡ. Hầu hết nhà sàn ở đây được dựng theo kiểu hình mai rùa với ba khoang chính (trong, ngoài và giữa), độ cao trong mỗi nhà sàn tương đối, nên khá mát mẻ. Nhà sàn cổ ở đây nằm đan xen nhau trên những thửa ruộng mới.

Trong nhà chia làm hai phần theo chiều ngang. Bên ngoài là nơi thờ tổ tiên với tiếp khách nam giới, bên trong là bếp cũng là nơi sinh hoạt của phụ nữ. Nhà Mường còn ước định phân chia theo chiều dọc thành các phần bên trên và bên dưới. Theo quan niệm những người lớn tuổi hay khách quan trọng được ngồi bên trên gần bàn thờ tổ tiên. Những thành phần có vị thế thấp hơn ngồi bên dưới gần cầu thang chính.

Cấu trúc ngôi nhà cũng khá đơn giản, những cột trụ được làm bằng gỗ lim nên không sợ mốt mọt, từ sàn lên đến trần nhà khá cao tạo không gian thoáng mát. Phần sàn làm bằng gỗ lim, một loại gỗ thách thức thời gian không hề cong vênh. Cầu thang chính thường đặt ở đầu hồi bên phải, thang phụ dành cho phụ nữ đặt ở đầu hồi bên trái. Phần gầm sàn thường để gia súc, củi, cối giã gạo... do vậy kiến trúc nhà Mường truyền thống chỉ có một ngôi nhà duy nhất. Ngày nay, do quá trình tiếp biến văn hoá, đã xuất hiện nhiều kiến trúc khác nhau ở các vùng Mường của Thanh Hóa và Hòa Bình. Đặc biệt là kỹ thuật xây dựng nhà của người Việt ảnh hưởng ngày càng sâu tới kết cấu khung nhà Mường với các kiểu vì kèo quá giang hai cột, vì kèo giá chiêng bốn cột, trước kẻ sau bẩy...

Nhà sàn Mường không chỉ là một giá trị vật chất có bề dày lịch sử mà còn hàm chứa trong nó nhiều giá trị tinh thần đáng trân trọng. Vẻ đẹp bình dị, ấm cúng mà duyên dáng của nhà sàn Mường chỉ được tôn lên khi nó gắn với quần thể bản Mường, ẩn hiện trong cái dịu ngọt, huyền bí của thiên nhiên xứ Muờng. Với địa thế thuận lợi, phía Bắc tiếp giáp với Rừng Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), trong vùng lại có nhiều thác nước, hang động đẹp cùng hệ thống nhà sàn cổ, Thạch Lâm là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều làng ở đây đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất để khách lưu trú, thám hiểm hang động và tìm hiểu phong tục văn hóa Mường.

Để thu hút khách du lịch đến với địa phương, chính quyền xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để quảng bá hình ảnh với du khách, kêu gọi hợp tác, phát triển. Đây cũng là phương án hữu hiệu để gìn giữ những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi ở Thạch Lâm.

Thanh Hoa