Làng nghề trên con đường di sản

Không chỉ có hai di sản văn hoá thế giới: Hội An và Mỹ Sơn, Quảng Nam còn chất chứa biết bao nhiêu điều thú vị từ giá trị văn hóa mà các làng nghề truyền thống nơi đây đã để lại một nét riêng trong không gian văn hóa trên dải đất miền Trung mưa nắng.

Từ miền Tây Quảng Nam với làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Bh’hoòn (Sông Kôn, Đông Giang), Zơra (Tàbhing, Nam Giang) đến phía Nam với làng quê Tích Phước (Tiên Lộc, Tiên Phước), làng bún Phương Hoà (Tam Kỳ), làng hương Quán Hương (Bình Trung, Thăng Bình) và phía Bắc với làng trống Lâm Yên (Đại Hoà, Đại lộc)... thì trên góc độ địa văn hoá, trục tam giác Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên là nơi tụ hội văn hoá làng nghề của xứ Quảng.

Những làng nghề trên cung đường chữ S

Đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia bờ con sông Hoài, làng mộc Kim Bồng hình thành đã trên 600 năm từ những người Việt đầu tiên vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim thời bấy giờ. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với bàn tay tài hoa của mình tạo ra những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Dấu ấn làng mộc Kim Bồng thể hiện rõ nét trên hầu hết các kiến trúc nhà ở, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở khu phố cổ với những đường nét chạm trổ tinh vi, đẹp mắt đều do thợ Kim Bồng dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng Hội An với kỹ thuật tuyệt hảo. Nhờ danh tiếng đó mà nghệ nhân Kim Bồng xưa từng được Triều Nguyễn triệu ra Kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Ngày nay, làng mộc Kim Bồng vẫn giữ được nghề của cha ông tuy nhiều người đã chuyển sang đóng, sửa tàu thuyền cho ngư dân các tỉnh Trung Bộ Việt Nam, một số khác làm nghề mộc trùng tu, sửa chữa các di tích cổ hoặc tạc tượng, điêu khắc, sản xuất đồ gỗ và hàng lưu niệm để bán cho du khách và xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng mộc Kim Bồng(Ảnh: TL)

Cách phố cổ Hội An hai cây số về hướng Tây, làng gốm Thanh Hà nằm trên dòng sông Thu Bồn hiền hoà, thanh bình. Đây là làng nghề hình thành từ thế kỷ XV khi cư dân Thanh Hoá theo Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, chọn vùng đất Thanh Hà để định cư và sinh sống bằng nghề gốm. Nếu ở miền Bắc tự hào có gốm Phù Lãng, Bắc Ninh; Bát Tràng, Hà Nội thì Thanh Hà là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng miền Trung. Mặc dầu nguyên liệu chính vẫn là đất sét nhưng gốm Thanh Hà không giống bất cứ sản phẩm gốm nào trên địa bàn cả nước. Qua bàn tay của nghệ nhân, đất sét bỗng hoá thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có độ bền cao. Tùy kinh nghiệm về thời gian và nhiệt độ nung nấu mà màu sắc gốm Thanh Hà rất đa dạng từ màu hồng, hồng vàng đến đỏ, gạch nâu, đen huyền. Ðặc biệt, khi gõ vào sản phẩm gốm vang lên những thanh âm trong trẻo và có độ vang xa. Ngoài gốm, làng Thanh Hà còn nổi tiếng về gạch, ngói. Nơi đây, từ xưa đã cung cấp ngói âm dương, ngói màu, ngói ống cho các công trình kiến trúc cổ. Làng gốm Thanh Hà phát triển rực rỡ trong hai thế kỷ XVII - XVIII và trở thành một trong những mặt hàng chủ yếu cung cấp cho thuyền buôn nước ngoài đến mua hàng hoá ở phố cảng Hội An xưa. Người làng gốm kể lại rằng, các nghệ nhân Thanh Hà từng được phong hàm cửu phẩm, bát phẩm do đã có công chế tác những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt Cung đình.

Làng gốm Thanh Hà(Ảnh: TL)

Một thời từng là thủ phủ dinh trấn Thanh Chiêm, suốt hơn 700 năm qua, vùng đất Điện Bàn là tâm điểm của những giao thoa, tiếp biến văn hóa đến nay vẫn còn đậm nét trong nếp ăn nếp ở, cách nghỉ cách làm của người dân cũng như trong bao di tích, lễ hội, làng nghề. Làng đúc Phước Kiều nằm trên Quốc lộ 1, xã Điện Phương. Theo gia phả của các tộc họ lưu giữ, làng được thành lập từ buổi đầu dựng nghiệp xứ Thuận Quảng, lập ra làng đúc Phước Kiều. Khi các Chúa Nguyễn mở mang, ổn định bờ cõi, nghề thủ công trong đó có nghề đúc đồng, sản xuất đồ gia dụng phát triển. Qua bao thời tồn tại, phát triển, nghề đúc làng Phước Kiều đã tích luỹ được những kinh nghiệm, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo từ việc nhồi đất, làm bìa, trổ điệu, nung khuôn, nấu kim loại, pha chế hợp kim riêng để đúc đồng. Đến nay, nhiều chùa chiền ở Quảng Nam còn lưu giữ các chuông đồng, nhiều buôn làng ở phía Tây Quảng Nam, Tây Nguyên, Nam Bộ... còn sử dụng những bộ nhạc khí được làm từ làng đúc Phước Kiều.

Làng đúc Phước Kiều(Ảnh: TL)

Cạnh làng đúc Phước Kiều không xa, trên đất Điện Phương có làng bánh tráng Phú Chiêm lừng danh với món mì Quảng, làm nên phần hồn của ẩm thực Quảng Nam. Cho dù thương hiệu của nó đã theo chân người Quảng tha hương có mặt khắp nơi trên đất nước và cũng đã “biến tấu” theo khẩu vị của khách gần xa, thì mì Quảng Phú Chiêm vẫn là “số 1”. Phú Chiêm vẫn níu bước chân người ở xa mỗi khi trở lại quê nhà, bởi đất làng và con nước nơi đây còn giữ lại hương vị nguyên thuỷ của món mì Quảng xa xưa vốn được sinh ra từ đồng đất quê nghèo. Con gái Phú Chiêm không những đẹp mặn mà, còn giỏi nghề tráng bánh, tráng mì. Mì Quảng có sợi mì trắng nõn làm bằng bột gạo Phú Chiêm, nhân có tôm, thịt, trứng. Rau thơm lấy từ làng rau Trà Quế, Hội An. Nhờ vậy qua thời gian mì Phú Chiêm vẫn giữ được hương vị mà ít nơi nào có được.

Làng bánh tráng Phú Chiêm(Ảnh: TL)

Nằm sát ven biển Hội An, mảnh đất một thời vang bóng trên bến dưới thuyền, làng Bàn Thạch, Duy Vinh có đường thủy từ sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly  Ly thông với Hội An xuôi về Ca Đại. Vào đầu thế kỷ XVI nguồn gốc các tộc họ ở Duy Vinh bây giờ từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đến địa hạt phủ Thăng Hoa xây dựng cơ nghiệp, cải tạo đất thành ruộng vườn, đất bãi bồi ven sông thành những cánh đồng cói, hình thành làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Để từ đó, nơi đây trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, với những ghe bầu trọng tải lớn, cung ứng sản phẩm nước mắm, các loại tôm cá, chiếu Bàn Thạch trao đổi hàng hóa khắp các nơi trong nước. Điểm cuối trên cung đường bên cạnh Kinh đô Trà Kiệu là làng dệt Đông Yên - Thi Lai, từ những thế kỷ trước đã nổi tiếng nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa với cả giai thoại về mối tình tương ngẫu giữa cô thôn nữ Đoàn Quý Phi với Công tử Nguyễn Phước Lan. Khi trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, bà đã tận tâm khuyến nông vùng Điện Bàn, Thăng Hoa để dân nông quý trọng nghề nuôi tằm dệt lụa. Nhờ vậy mà nghề tàm tang canh cửi xứ Đàng Trong được mở mang với những mặt hàng như lãnh, sa nhiễu, đủi, the, đệm... nổi tiếng ít có nơi nào sánh kịp. Sản phẩm làng dệt này đã từng theo chân các thương thuyền trên con đường tơ lụa biển Đông. Và sau này, các làng dệt có quy mô lớn như Bảy Hiền, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh được hình thành cũng nhờ nghệ nhân làng dệt Mã Châu, Đông Yên - Thi Lai từ xứ Quảng vào phương Nam tạo lập.

Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch(Ảnh: TL)

Hướng đi  từ văn hóa - du lịch

Trên con đường di sản Quảng Nam, ngoài khám phá phố cổ Hội An trầm mặc, khu đền tháp Mỹ Sơn huyền thoại hay các di tích danh thắng, du khách sẽ thấy sự sống động của nhiều làng nghề nơi làng quê với bề dày truyền thống trên nữa thế kỷ. Tuy tiềm năng là có, nhưng để tìm hướng đi là bài toán nan giải.

Những năm qua, một số kinh nghiệm hay được thực hiện ở các làng nghề Quảng Nam như ngoài việc gắn kết với du lịch, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đã sản xuất các sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo dành cho xuất khẩu và phục vụ công tác trùng tu, xây dựng các công trình kiến trúc cổ. Trước đây, gốm Thanh Hà chỉ đơn thuần là nghề thủ công - mỹ nghệ, nay phát triển thêm về du lịch dịch vụ. Ðến thăm làng nghề, du khách thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm, tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ đôi bàn tay và tấm lòng của người nghệ nhân tài hoa. Làng gốm Thanh Hà hiện nay còn chế tác những sản phẩm mang dáng dấp hiện đại với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú khác như lu, đèn trang trí, tượng sư tử để xuất khẩu, được khách hàng ưa chuộng, tạo nét đẹp riêng mang đậm bản sắc văn hóa và tâm hồn con người xứ Quảng... Những sản phẩm nghệ thuật ấy là đánh dấu sự hồi sinh trở lại của thương hiệu gốm Thanh Hà. Làng đúc đồng Phước Kiều, đã có nhiều hoạt động trưng bày, trình diễn kỹ thuật đúc đồng trong lễ hội làng nghề. Ngoài ra, làng đồng Phước Kiều đã trở thành điểm tham quan mà du khách trong và ngoài nước không thể bỏ qua với sự có mặt của các nghệ nhân đúc đồng và thẩm âm cồng chiêng nổi tiếng. Làng Chiếu Bàn Thạch với nhiều sản phẩm tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, và đã từng vươn ra thị trường ngoài nước. Trong những lần tổ chức Lễ hội “Bà Thu Bồn”, “Ấn tượng Mỹ Sơn”, “Festival Huế”, chiếu Bàn Thạch có mặt tại các gian hàng trưng bày phục vụ khách tham quan, mua sắm và tham gia nhiều hội thi hàng thủ công mỹ nghệ khu vực và toàn quốc, được khách hàng đánh giá cao. Với lợi thế làng nghề dệt chiếu, một tương lai gần, cầu Trường Giang, cầu Cửa Đại hoàn thành nối liền từ Duy Vinh đi Duy Nghĩa, Duy Hải và Hội An, sẽ hình thành các tour du lịch Hội An - Bàn Thạch - Mỹ Sơn, là cơ sở để Bàn Thạch trở thành làng nghề hấp dẫn và ấn tượng trong lòng du khách gần xa bởi chiếc chiếu cói đậm đà chất chân quê.             

Kim Phượng

Top