Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng

Bằng sự tài hoa, cái tâm với nghề, các nghệ nhân của làng nghề Sơn Đồng đã chế tác ra những sản phẩm điêu khắc vô cùng tinh tế và độc đáo.

Làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Từ trung tâm thủ đô, bạn đi ngược về hướng Tây theo đường Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu, dọc theo Quốc lộ 32 là tới nơi.

Nghề truyền thống điêu khắc, tạc tượng từ gỗ và làm đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc đã có từ lâu đời ở Sơn Đồng. Nơi đây sản sinh ra rất nhiều nghệ nhân với nghề điêu khắc gỗ truyền thống - nghề sơn tạc tượng thờ từ thời Vua Khải Định đến thời Pháp thuộc và cho đến tận ngày nay. 

Nghề truyền thống điêu khắc, tạc tượng từ gỗ và làm đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc đã có từ lâu đời ở Sơn Đồng. Ảnh: internet

Năm 1983, cụ Nguyễn Đức Dậu, một nghệ nhân giỏi ở Sơn Đồng đã đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài. Hiện nay, 34 học viên của lớp học đó đã có người là thợ giỏi, người là giáo viên tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ trong làng, trong xã. Dân làng thường truyền tai nhau một câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” như một nguyên tắc của những người thợ làng nghề từ bao đời nay.

Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chuyên về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Tượng gỗ của Sơn Đồng có quy cách, tỷ lệ nhất định giữa các bộ phận nên tượng tạc ra rất cân đối và có nét đặc sắc riêng. Điều đặc biệt là dù khách hàng đặt tạc bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ Sơn Đồng đều làm được ngay mà không cần mẫu có sẵn. Từ những thân gỗ mít, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ Sơn Đồng, những pho tượng được hình thành như có hồn và trở nên sống động vô cùng. Để làm được điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, có kiến thức về văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh, hiểu được các điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức.

Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chuyên về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Ảnh: internet

Về quy trình chế tác, ngoài phương thức chung thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng đều có những thủ pháp riêng không hoàn toàn giống nhau. Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít với đặc tính mềm, thớ dặm, ít nứt, dễ gọt và có độ bền cao. Gỗ mít được mua về từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… rồi được loại bỏ hết phần giác, chỉ để lại phần lõi để tạc. Sau đó, người thợ dùng dây để đo thể tích và tiến hành cắt gỗ theo khối hình. Phần gia công đầu tiên là đầu và mặt tượng. Người thợ phải đục phác thảo những khối mũ (nếu có), rồi trán, mũi, môi, tai... Sau khi đục phác thảo lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, người thợ sẽ đục chi tiết từng bộ phận - khâu quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Khâu tiếp theo là gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Trong khi gọt, người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết sao cho các mảng, các khối không dính vào nhau. Đây là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên, người thợ hom tượng bằng sơn trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí. Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước. Việc sơn lên rồi lại mài đi cứ được tiến hành đến khi bề mặt tượng phẳng, nhẵn và mọng thì dùng một lớp sơn cầm thếp phủ lên. Khi sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính), người thợ sẽ tiến hành dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách.

Sản phẩm của mỹ nghệ Sơn Đồng. Ảnh: internet

Sản phẩm chủ yếu của làng là các loại tượng Phật, đồ thờ tự, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra cả nước ngoài. Những bức tượng qua bàn tay của người nghệ nhân trở nên có hồn, mang khí chất linh thiêng như: tượng Đức Phật, Đức Thánh, Phật bà nghìn mắt nghìn tay, tượng La Hán, các anh hùng dân tộc; các linh vật: ông Ngựa, ông Hạc; những bức hoành phi, câu đối, sập thờ,…

Người làng Sơn Đồng luôn trân trọng từng sản phẩm của mình tạo ra. Họ gọi những bức tượng là “ông tượng, ngài tượng”, khi phải di chuyển thì dùng vải đỏ phủ kín tượng, thái độ luôn thành kính, trân trọng. Có lẽ đó là niềm tin, là cái tâm dành cho nghề của người dân đất Nghệ, cũng như một thứ nếp nghề được truyền từ đời này sang đời khác.
 

Tổng hợp

Top