Cho đến ngày nay người dân làng Nhồi vẫn còn nhớ như in cái chiến tích hào hùng nhất, đó là khi làm bia mộ Phan Đình Phùng và tấm bia Lê Lợi ở huyện Đà Bắc, sông Đà. Bởi hồi đó chiến tranh, bom đạn giặc quần suốt ngày đêm, nhiều khi đang chạm trổ, thấy máy bay địch gầm rú ngang qua là lại phải chui tọt xuống hầm, máy bay đi khỏi lại chui lên làm tiếp. Bài thơ của Lê Lợi trên vách đá cạnh sông Đà cũng được thợ làng Nhồi khéo léo đục đẽo, tách ra khỏi vách núi trước khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, để nước khỏi nhấn chìm.
Núi Nhồi thuộc làng Nhồi, tên chữ là núi An Hoạch, xưa còn gọi là núi Khế hay Nhuệ Sơn, nay thuộc địa phận phường An Hoạch và các xã Đông Hưng, Đông Tân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Đây là một di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp quốc gia, nơi gắn liền với nghề chạm khắc đá truyền thống. Vùng đất này có nhiều điều kiện lí tưởng để hình thành và phát triển nghề chạm khắc đá: có nguồn nguyên liệu dồi dào với nhiều loại đá quý hiếm ít thấy trên đất nước ta. Nơi đây toàn đá. Đá xếp chồng lên đá. Đá ngổn ngang khắp cả một vùng làng Nhồi. Đá được ghi vào sử sách quốc gia cả trăm, nghìn năm nay. Và người dân nơi đây được sinh ra giữa tứ bề là đá. Họ sống bằng nghề làm đá. Và đá đã nuôi sống họ hàng trăm, nghìn năm nay. Thế nên người ta nặng lòng với đá, để rồi họ đã trả ơn đá bằng những tác phẩm nghệ thuật của mình, đóng góp vào các công trình hạng mục quốc gia. Và “bay” cả thương hiệu ra tầm quốc tế.
Đến với làng nghề, du khách như đang lạc vào một thế giới khác lạ, kỳ thú và sinh động. Lặng ngắm những pho tượng, phù điêu hoa lá chim muông, các mẫu vật bằng đá hết sức tinh xảo được trưng bày trong khung cảnh ấn tượng, lòng thầm cảm phục những người thợ, những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, trí sáng tạo đã “thổi hồn” vào đá.
Một số tác phẩm của nghệ nhân làng Nhồi
Công trường của những người thợ là một bãi đất rộng, xung quanh toàn đá. Dưới cái nắng nóng, người ta vẫn vật lộn với những khối đá khổng lồ mà hầu hết không che bạt chống nắng. Thậm chí có người không đội cả mũ để tránh mưa, nắng. Họ cứ đầu trần, chân đất hăng say với nghề mà quên cả thời gian và mọi thứ diễn ra xung quanh. Họ kiên nhẫn làm việc như chú ong chăm chỉ. Những người thợ vẫn hí húi đục, đẽo, chạm trổ đá với nhiều hình thù mới lạ. Họ không chỉ là nghệ nhân mà còn là họa sĩ, bởi trước khi đục đẽo thì họ phải thảo những bản vẽ của mình lên đá. Nghệ nhân tạc đá ở đây được chia thành 3 loại. Loại thứ nhất chuyên tạc theo lối hoa văn truyền thống. Loại thứ hai chuyên tạc theo lối đơn đặt hàng, tức là họ đặt gì mình làm nấy. Còn loại nữa tạc theo phong cách tự mình sáng tác, những người theo lối thứ ba đều là các tay cao thủ thuộc loại tiền bối cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Họ say mê đá và yêu đá, coi đá như đứa con tinh thần. Có những bức họa chỉ vì vô tình chộp được mà người nghệ nhân kịp phác thảo lên bàn đá nên để lại tuyệt tác cho đời. Nhưng có những bức họa chỉ lóe trong óc họ giây lát, rồi không hề quay lại nữa, cho dù mười năm, hai mươi năm, hay cả đời. Cho nên nghệ nhân chạm trổ đá cũng là người nghệ sĩ phải biết nắm bắt cái thần đúng lúc, để thổi hồn vào tác phẩm.
Theo ghi chép và những hiện vật còn lại đến nay, có lẽ nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi có từ thời Nhà Lý. Các nghệ nhân làng Nhồi, từ xưa đến nay, đã tạo ra nhiều loại hình sản phẩm như: đồ thờ cúng, đá xây dựng (đền đài, thành quách, nhà thờ, chùa chiền,...), tượng đá, bia đá,... Những sản phẩm của làng Nhồi mang đậm phong cách và giá trị truyền thống cũng như tư tưởng văn hoá của làng nghề, góp phần tạo nên nhiều công trình có giá trị văn hoá, nghệ thuật bằng đá.
Song cũng như số phận của nhiều làng nghề truyền thống khác, làng chạm khắc đá núi Nhồi cũng có lúc thăng trầm. Sau ngày giải phóng, làng nghề tuy vẫn tồn tại nhưng do tình hình lúc đó còn nhiều khó khăn, sản phẩm đá mỹ nghệ các loại không tìm được thị trường khiến nhiều thợ, nhất là thợ trẻ phải chuyển sang làm nghề khác. Ðến đầu năm 1980, cả làng chỉ còn vài chục hộ hành nghề.
Năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước, chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi, làng nghề chạm khắc đá núi Nhồi có cơ hội phát triển mạnh. Ðầu những năm 1990, cả làng đã có hàng trăm hộ với khoảng 500 lao động làm nghề. Ðến nay, nghề đá chạm khắc đá mỹ nghệ ở núi Nhồi đã trở thành nguồn thu nhập chính của hơn 90% số hộ gia đình ở đây, thu hút được nhiều lao động, kể cả lao động phụ như người già và các em nhỏ. Sản phẩm đá mỹ nghệ của làng Nhồi có chất lượng rất cao, mẫu mã phong phú, đa dạng rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Vững bền và thuỷ chung như đá, sắc lam ngọc của đá núi Nhồi cùng những bàn tay tài hoa, trí sáng tạo phi thường của các nghệ nhân chạm khắc đá làng Nhồi ngày càng được khẳng định.
Nguyễn Chính